Một đồng nghiệp ở tờ tạp chí văn hóa mới đây đã viết bài Lạm bàn về sự tử tế. Mở đầu bài viết, anh nhớ đến tên một cuốn sách do bạn gửi tặng, nhan đề Sức mạnh của sự tử tế. Anh bỗng chột dạ: Hay tại mình "có vấn đề" trong lối sống, bạn phải tặng sách để nhắc nhở? Sau đó, qua tìm hiểu, anh yên tâm khi biết sách đó không chỉ để tặng cho riêng anh. Nó cần cho tất cả mọi người. Cuốn sách Sức mạnh của sự tử tế, tác giả người nước ngoài, viết về những việc tử tế diễn ra ở phương Tây. Toàn những việc bình thường. Một cô gái xách giùm một phụ nữ túi đồ nặng lên thang gác của một ngôi nhà nhiều tầng không có thang máy. Một nhân viên bảo vệ ở một công ty kinh doanh tỏ ra ân cần, lịch sự khi có khách đến liên hệ làm việc... Những việc tử tế ấy đã là hình ảnh tốt đẹp. Nhưng nhiều khi nó lại có kết thúc tốt đẹp, sự tử tế được nhân lên. Cô gái xách giúp túi đồ đã được bà của người phụ nữ đó cảm mến, mời về sống chung trong ngôi nhà mình, mở cửa hàng liên doanh, cuộc sống ổn định. Thái độ mến khách của người bảo vệ, cùng với uy tín sẵn có của doanh nghiệp, đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho đối tác, mang đến cho doanh nghiệp những hợp đồng có giá trị. Cái thông điệp "cứ sống tử tế, bạn sẽ được rất nhiều" đang lan tỏa mạnh mẽ trong thế giới phẳng hôm nay.
Cũng như ông bạn ở tạp chí văn hóa nói trên, tôi vừa được nhà báo Nguyễn Viết Hiện đưa cho đọc tập tiểu phẩm, rút từ những bài viết hàng chục năm nay trên báo Hải Dương, có nhan đề Bao Công mặt đỏ. Sao lại Bao Công "mặt đỏ"? Trong chuyện cổ, Bao Công là người có gương mặt đen, được mọi người mến yêu và tin tưởng ở tài đức công minh chính trực, bênh vực kẻ yếu, thẳng tay trừng trị kẻ ác. Bao Công mặt đỏ là một trong gần 60 bài viết của tác giả, kể lại anh bạn đang công tác ở một tòa án. Tiếc rằng anh ta không giữ được đạo đức phẩm chất của một người thực thi pháp luật, trái lại, lợi dụng nghề nghiệp để vơ vét, bỏ lọt tội phạm, dân tình bức xúc. Có tiền, anh ta ăn chơi xả láng, mặt lúc nào cũng đỏ như mặt gà chọi. "Đau xót biết bao khi bạn tôi đã xóa đi hình ảnh Bao Công mặt đen ngày xưa, giữa một xã hội đang cố gắng từng bước đẩy lùi tham nhũng", tác giả kết luận.
Với óc quan sát tinh tế, giọng văn sắc bén, lồng vào các câu chuyện đàm luận thế sự của các bậc cao niên mà tác giả tham dự, Bao Công mặt đỏ đã khéo léo vạch ra nhiều mẩu chuyện tiêu cực diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong cuộc sống. Có chuyện về các cán bộ, công chức năng lực yếu kém nhưng bon chen, chạy chọt, đục khoét công quỹ, "hậu quả không ai khác phải hứng chịu, chính là những người dân, người lao động - những "ông chủ" thực thụ của xã hội" (Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết). Có chuyện làm phiền lòng dân chúng như nặng gánh tiền trường khi đưa con nhập học, "phong bì" khi đưa người nhà nhập viện... Rồi bói toán, mê tín, lãng phí, bạo lực gia đình, vật giá leo thang... Một số bài viết như một lát dao sắc bén, mổ phanh các mánh lới của "cò" chạy việc, chạy dự án, "Chí Phèo" thời mới, đề đóm, cá độ... nhưng nhìn chung, bao trùm lên các trang viết vẫn là một niềm tin. "Chỗ nào cũng có người tốt, người xấu, nhưng rất may là những người xấu là thiểu số, chứ không thì sẽ loạn, phải không các cụ?" (Họ nhà Chí). Câu nói của một bạn già được tác giả tâm đắc, đưa vào bài viết như một sự khẳng định.
Có thể nói, Bao Công mặt đỏ là một đóng góp của nhà báo Nguyễn Viết Hiện vào sự giáo dục, uốn nắn những mặt tiêu cực, hay nói theo ngôn ngữ hôm nay là những việc "chưa tử tế", để hướng tới một xã hội đang hội nhập, phát triển. Chắc chắn rằng những chàng Bao Công "mặt đỏ" sẽ ngày càng ít đi và xã hội chúng ta sẽ ngày càng lan tỏa "sức mạnh của sự tử tế", như các tác giả đã đề cập đến trong hai cuốn sách kể trên. Rõ ràng, hai cuốn sách - một tấm lòng.
NGUYỄN HỮU PHÁCH