Hai chị em đều là Nhà giáo Ưu tú

21/10/2012 09:51

Đó là 2 chị em NGƯT Nguyễn Thị Dịp, Nguyễn Thị Nhị - những người được đồng nghiệp, phụ huynh và nhiều thế hệ học sinh khâm phục và trân trọng.



NGƯT Nguyễn Thị Dịp (hàng trên, bên trái), Nguyễn Thị Nhị (hàng trên, bên phải)
và các chị em gái đều học hành, thành đạt. Ảnh tư liệu


Năm 1968, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Dịp về dạy học ngay tại quê xã Thanh Lang (Thanh Hà). Những năm cô Dịp mới đi dạy cũng là lúc xã Thanh Lang gặp nhiều khó khăn nhất, vì vừa bị bom đạn chiến tranh tàn phá, lại liên tục bị vỡ đê, nước lụt trắng làng nhiều tháng liền. Thời điểm đó, trường lớp tạm bợ, giáo viên thường phải thắp đèn dầu đi từ thôn nọ sang thôn kia để dạy học buổi tối. Có mùa thi, nước lụt ngang ngực, đội tài liệu, sách vở, tư trang lên đầu, cô Dịp cùng chị em giáo viên lội nước đi chấm thi ở huyện bạn. Vừa đi dạy, cô vừa tiếp tục theo học các lớp bổ túc văn hóa và chuyên nghiệp để nâng cao trình độ. Đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất của cô bởi cha mẹ già yếu, chồng đi công tác, một mình nuôi con nhỏ, cảnh nhà túng bấn... Khó khăn là thế, nhưng cô Dịp đã cố gắng tốt nghiệp nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và là lớp cán bộ tốt nghiệp trình độ trung cấp lý luận sớm nhất trong huyện. Ngày 3-2-1971, cô giáo Nguyễn Thị Dịp được kết nạp vào Đảng. Năm học 1977-1978, các trường cấp 1, cấp 2 trong xã được sáp nhập làm một và cô được đề bạt là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cấp tiểu học. Vừa là Phó Hiệu trưởng, vừa trực tiếp phụ trách tổ giáo viên khối lớp 2-3, lớp 4-5, cô luôn nêu cao phương châm: "Là học sinh phải học giỏi, là giáo viên phải dạy giỏi, là cán bộ phải tận tâm". Ngay trong những năm tháng trường lớp còn nhiều khó khăn, cô đã chú trọng duy trì phong trào dự giờ, thăm lớp đều đặn. Cán bộ, giáo viên trong trường chuyền tay nhau nghiên cứu các tài liệu, trao đổi, rút kinh nghiệm sau từng tuần, từng tháng. Ngoài tập trung cho công tác phổ cập giáo dục đúng độ tuổi để nâng cao chất lượng đại trà, cô Dịp tập trung chỉ đạo rèn nền nếp và tiên phong thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Thanh Lang đã trở thành địa phương dẫn dầu huyện về việc phổ cập theo độ tuổi bền vững vì mỗi lớp học chỉ có một độ tuổi. Cô Dịp nhớ lại: "Ngày đó, cả cô và trò đều nghèo như nhau nhưng rất say sưa học tập. Học sinh chỉ học ở lớp, không phải học thêm". Năm 1969, chỉ 1 năm sau ngày đi dạy, cô Dịp đã bồi dưỡng cho 1 học sinh đoạt giải khuyến khích tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Sau 10 năm đứng lớp, cô đã góp phần bồi dưỡng 7 học sinh đoạt giải quốc gia. 19 năm liên tục, tổ giáo viên khối lớp 2-3 do cô Dịp phụ trách đều đạt danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa (trong đó có 10 năm đạt danh hiệu cấp tỉnh), tổ khối lớp 4-5 liên tục là tổ lao động giỏi, trong đó có nhiều năm đoạt loại giỏi cấp tỉnh. Cho đến bây giờ, học sinh Thanh Lang vẫn nổi tiếng viết chữ đẹp. Năm học 1989-1990, trường được tách riêng theo từng cấp học, cô Dịp được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Lang trong điều kiện trường còn ở 2 điểm lẻ, toàn bộ phòng học là phòng cấp 4 đã xuống cấp. Cùng với Ban Giám hiệu nhà trường, cô Dịp xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt" tạo niềm tin để vận động nhân dân, phụ huynh ủng hộ nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Những năm 1989-1996, tỷ lệ học sinh của trường đủ điều kiện tốt nghiệp mới đạt 92-94%, nhưng từ năm 1997 đến nay luôn đạt 100%. Cô tích cực tham mưu với địa phương, quy hoạch trường về một điểm, số phòng học cao tầng được nâng lên 8 phòng rồi 10 phòng. Năm 2006, Trường Tiểu học Thanh Lang đã được công nhận trường chuẩn quốc gia.

Ngay khi còn là học sinh, cô em gái út của Dịp là Nguyễn Thị Nhị đã mơ ước trở thành cô giáo. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Nhị về công tác tại Trường THPT Thanh Hà và đã góp công đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh tài năng. Khi chuyển tới dạy tại Trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng (nay là Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi) - nơi có đội ngũ giáo viên giỏi và tâm huyết, có những học sinh giỏi, cô Nhị luôn trăn trở làm thế nào để những mầm tài năng nảy nở và phát triển. Chịu khó học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm quý báu từ đồng nghiệp, cô vừa miệt mài nghiên cứu, tự học, tự đúc kết kinh nghiệm thành những bài giảng, chú tâm tìm tòi, phát hiện học sinh tài năng. Trong số 7 sáng kiến kinh nghiệm của cô về các đề tài khác nhau đã có 6 sáng kiến được xếp loại C cấp tỉnh, 1 sáng kiến được xếp loại tốt cấp ngành. Một số sáng kiến như: Cấu trúc phân tử trong hợp chất hữu cơ (2001), Các dạng bài tập về phản ứng ô-xy hoá khử (2003), Các bài tập về dung dịch, các yếu tố ảnh hưởng (2005), Câu hỏi và bài tập “Cơ sở lý thuyết của quá trình hoá học” (2008)... của cô Nhị đều áp dụng cho việc bồi dưỡng học sinh lớp chuyên hoá và phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi. Nay nhiều người biết cô Nguyễn Thị Nhị là giáo viên đứng đầu cả nước về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo). 72 học sinh do cô bồi dưỡng đã đoạt giải quốc gia, trong đó có 10 em đoạt giải nhất, 28 em đoạt giải nhì, 25 em đoạt giải ba và 9 em đoạt giải khuyến khích. Đặc biệt, 4 học sinh xuất sắc của tỉnh do cô kèm cặp tham dự các  kỳ thi Ô-lim-pích hoá học quốc tế, đã mang về vinh quang cho đất nước. Đó là các em Nguyễn Văn Khiêm, huy chương bạc (2001), Lê Thanh Tùng, huy chương đồng (2003), Ngô Xuân Hoàng, huy chương vàng (2005) và em Mai Thu Cúc, huy chương đồng (2010). Đóng góp vào thành tích của cô còn có 175 gương mặt học sinh giỏi tỉnh, trong đó có 18 em giải nhất. Với những cống hiến  cho sự nghiệp trồng người, trong 26 năm liền (từ năm học 1984 - 1985 đến năm học 2011-2012) cô liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp và giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp toàn quốc.  

Niềm vui, niềm vinh dự đặc biệt đã đến cùng lúc với hai chị em cô giáo Nguyễn Thị Dịp và Nguyễn Thị Nhị vào năm 2006, họ cùng được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (NGƯT). Vinh dự này động viên các cô cống hiến nhiều hơn nữa. Trên cương vị Hiệu phó nhà trường, cô Nhị thường trăn trở về những vấn đề đổi mới trong thi cử, trong công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chống bệnh thành tích trong giáo dục, phấn đấu sao cho mỗi thầy, cô giáo thực sự là những tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ học sinh noi theo. Trong thời gian công tác, nhiều học sinh đã được cô Nhị dạy miễn phí, hỗ trợ sách vở, động viên để đạt kết quả học tập tốt nhất. NGƯT Nguyễn Thị Dịp, hơn 40 năm tuổi Đảng gắn bó với mái trường quê hương, đến nay tuy đã nghỉ hưu, cô vẫn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, cô là Phó Bí thư Chi bộ khu dân cư, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu giáo chức phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương)... Những đóng góp của 2 chị em NGƯT Nguyễn Thị Dịp - Nguyễn Thị Nhị được đồng nghiệp, phụ huynh và nhiều thế hệ học sinh khâm phục và trân trọng.

THU MINH

(0) Bình luận
Hai chị em đều là Nhà giáo Ưu tú