Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cùng đến Nhật Bản ngày 16.3 và sẽ cùng rời Tokyo để đến Hàn Quốc sau đó.
Hãng tin Reuters bình luận chuyến thăm kép này cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Chuyến thăm diễn ra ngay sau cuộc họp đầu tiên của lãnh đạo 4 nước thuộc "Đối thoại an ninh bốn bên" (QUAD) hồi tuần trước. Sau cuộc gặp riêng với những người đồng cấp Nhật, ông Blinken và ông Austin sẽ cùng tham gia đối thoại 2+2 Mỹ - Nhật để bàn về an ninh hàng hải, an ninh mạng và kinh tế.
Theo Reuters, các vấn đề được nêu trong cuộc gặp của ông Blinken với Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu gồm tự do hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, an ninh chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và cuộc đảo chính ở Myanmar.
Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng được nêu trong cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo với người đồng cấp Mỹ Austin. Ông Kishi nhấn mạnh chuyến thăm của ông Austin đã gửi một thông điệp mạnh mẽ "về cam kết của Mỹ đối với khu vực này và sự vững mạnh của liên minh Nhật - Mỹ".
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết cả hai sẽ thảo luận về các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như "các sáng kiến cụ thể mà Nhật Bản và Mỹ nên thực hiện để tăng cường khả năng răn đe và đáp trả".
Đáp lại, ông Austin nhấn mạnh liên minh Mỹ - Nhật là "nền tảng trong việc giải quyết những thách thức của ngày hôm nay và ngày mai khi cùng nhau hợp tác để duy trì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở".
Các cụm từ nhấn mạnh ý nghĩa của liên minh Mỹ - Nhật cũng xuất hiện trong cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản ngày 16.3 - Ảnh: REUTERS
Khẳng định liên minh Mỹ - Nhật là "nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng chung", ông Blinken kêu gọi Nhật Bản tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế với Mỹ. “Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nhật Bản, như các bạn biết rất rõ, là một trong những mối quan hệ bền chặt nhất trên thế giới".
Ngoại trưởng Mỹ kế đó lập luận đại dịch đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, do đó Mỹ và Nhật Bản cũng như các nước nên nghĩ tới việc xây dựng một chuỗi cung ứng khác "an toàn" và "linh hoạt" hơn.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh Washington cam kết sẽ để mắt tới các hành vi đe dọa dân chủ, nhân quyền và pháp quyền ở cả Myanmar và Trung Quốc - ám chỉ vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, Hong Kong.
Chuyến công du châu Á của hai bộ trưởng Mỹ diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Biden.
Theo Tuổi trẻ