Việc tử tế

Hai "bà Bụt" ở chợ huyện Nam Sách

MỸ ANH 28/08/2023 06:00

Hai tiểu thương Nguyễn Thị Liên và Vũ Thị Quý ở chợ huyện Nam Sách được ví như hai "bà Bụt" bởi tấm lòng nhân ái bao la, luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

00:00

2023258_haibabut1.jpg
Bà Nguyễn Thị Liên (bên trái) thường xuyên tặng thịt lợn cho người có công với cách mạng, gia đình khó khăn

Hai tiểu thương Nguyễn Thị Liên và Vũ Thị Quý ở chợ huyện Nam Sách được nhiều người yêu mến, ví như những“bà Bụt” trong đời thực bởi có trái tim nhân hậu, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn.

Tích cóp ít, làm từ thiện nhiều

Trời gần về trưa, bà Liên vội gửi phản thịt lợn ở chợ trung tâm huyện Nam Sách cho chị gái bán hộ rồi xách theo miếng thịt nạc vai tới nhà bà Nguyễn Thị Huế (ở khu Nhân Hưng, thị trấn Nam Sách). Gia đình bà Huế hoàn cảnh khó khăn, lại phải nuôi con gái bị bệnh thần kinh và đứa cháu ngoại năm nay mới 4 tuổi. Cầm túi thịt trên tay, bà Huế nghẹn ngào: “Tháng nào bà cũng cho tiền rồi lại còn thi thoảng cho thịt lợn thế này, mẹ con, bà cháu chúng tôi biết lấy gì mà trả ơn”. Bà Liên nở nụ cười hiền hậu đáp: “Ơn huệ gì hả chị. Chị cứ sống khoẻ, chăm con, lo cho cháu học hành tử tế là em mừng lắm rồi. Có khó khăn gì thì cứ ới em nhé”.

Quay trở lại chợ, bà Liên gọi con gái ra xách mấy túi thịt nữa đem cho một số hộ nghèo trong khu. Biết tôi muốn lấy tư liệu viết bài về mình, bà từ chối đây đẩy. Bà bảo mấy việc “cỏn con” mình làm, viết lên báo thấy ngại, rồi mọi người cười cho. Nghe vậy, bà Nguyễn Thị Bến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thị trấn Nam Sách đi cùng tôi cắt lời: “Em cứ khiêm tốn. Những gì em làm đã được xã hội ghi nhận, càng phải thông tin để nhân rộng điển hình. Có nhiều người tốt như em thì ắt sẽ có thêm nhiều người gặp khó khăn, hoạn nạn được giúp đỡ”.

2023258_haibabut3.jpg
Bức thư tay của cụ Nguyễn Thị Vị viết cảm ơn vợ chồng bà Nguyễn Thị Liên

Bà Liên tiếp chúng tôi trong căn nhà ở đường Nguyễn Trung Gòong ngay cạnh chợ huyện Nam Sách. Ngôi nhà cũ chật chội, rộng chưa đầy 40 m2 được vợ chồng bà xây cách đây tròn 20 năm. Trong lúc đợi bà Liên vào bếp nấu nước pha chè, bà Bến tiết lộ với tôi: “Nhiều người không biết tưởng vợ chồng cô Liên giàu có mới làm nhiều việc thiện như vậy. Thực tế thì lâu nay hai vợ chồng và 3 đứa con chỉ có ngôi nhà này. Vợ chồng làm lụng vất vả ngày đêm, mấy năm nay có của ăn của để nhưng tích cóp ít mà đi làm từ thiện nhiều”.

Nhớ hồi tháng 7.2021 khi dịch Covid-19 tràn về thị trấn Nam Sách, hàng trăm hộ ở khu dân cư Nhân Hưng bị phong toả. Bà Liên bàn với chồng mổ lợn, phân phát cho mỗi gia đình trong khu 1 túi thịt để tích trữ ăn dần. Rồi dịch bệnh lan ra nhiều địa phương trong huyện, hết xã Thái Tân rồi lại xã Nam Hồng bị phong toả... Đau đáu vì nhiều người không thể ra ngoài đi làm, các hộ nghèo phải sống chắt bóp, chật vật, vợ chồng bà tiếp tục mổ lợn phân phát cho bà con. Vợ chồng bà thức thâu đêm mổ lợn, sáng ra dùng xe chở thịt tới chốt kiểm soát dịch ở các xã rồi nhờ lực lượng chức năng phân phát đến từng hộ. Không chỉ thịt lợn, vợ chồng bà Liên còn ủng hộ cả gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết.

Từ ngày dịch Covid-19 được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, bà Liên vẫn duy trì làm việc thiện. Dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6, Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7 năm nào bà cũng mổ lợn, xay thịt làm giò chia làm quà cho các cháu trường mầm non, biếu các gia đình chính sách, người có công. Tết đến, xuân về, bà cùng chồng lại mổ lợn để gói bánh chưng cho các hộ nghèo. Các đoàn thể ở địa phương có hoạt động gì cần huy động sự ủng hộ, bà đều nhiệt tình hưởng ứng. Việc nay cho hộ nghèo này cân xương, mai cho nhà khó khăn kia cân thịt đã trở thành chuyện thường ngày đối với bà Liên. Đồ bà đem cho nhất định phải tươi mới, không cho thịt, xương thừa, để cấp đông. Bà Liên còn đang nhận đỡ đầu hai trẻ mồ côi ở thị trấn Nam Sách, chu cấp cho mỗi cháu 300.000 đồng/tháng.

Bà Liên cho biết gia đình có của ăn, của để nhưng chưa hẳn đã dư dả. Ngoài hai cô con gái đã đi lấy chồng, gia đình còn cậu con trai út đang chờ làm thủ tục để đi xuất khẩu lao động. “Vậy tại sao bà không dành dụm để lo cho con cái rồi xây cái nhà mới cho rộng rãi, đàng hoàng, to đẹp hơn”, tôi hỏi. Bà Liên cười đáp: “Con cái thì mình vẫn lo được. Còn nhà cửa như vậy là ở đủ rồi. Ngoài kia còn nhiều người khó khăn, cuộc sống vất vả cần sự giúp đỡ. Vợ chồng tôi cũng từng buôn thúng bán mẹt, sống trong cảnh nghèo khổ rồi nên rất thấu hiểu. Bây giờ làm ăn, dành dụm được bao nhiêu sẽ lo đủ cho gia đình trước, còn lại dùng làm từ thiện hết. Không biết người khác thế nào, riêng tôi giờ cứ được cho đi là sướng, được người khác đón nhận là vui. Cho đi là còn mãi”.

Bà Liên lục tìm ngăn kéo tủ, mang cho tôi xem lá thư của cụ Nguyễn Thị Vị (hơn 80 tuổi, ở thị trấn Nam Sách) được gói ghém cất cẩn thận. Lá thư viết tay trên hai mặt giấy, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ của vợ chồng bà Liên dành cho người dân lúc gặp khó khăn. Trong bức thư, cụ Vị làm một đoạn thơ: “...Covid-19 nó về tỉnh Đông/Không may khoanh vùng vào chính quê ta/Hai cháu không quên người già/Người gần cho tới người xa/Người nào cũng được gửi quà tận tay/Chúng tôi nhận được quà này/Luôn ghi nhớ mãi biết đời nào quên…”.

Điều tốt đẹp cứ vậy mà đến

2023258_haibabut2.jpg
Bà Vũ Thị Quý đóng gói ruốc thịt lợn để ủng hộ cho một chương trình từ thiện ở tỉnh Điện Biên

Cách nhà bà Liên không xa là nhà bà Quý. Khi chúng tôi tới, bà cặm cụi ngồi một mình đóng gói những túi ruốc lợn vàng ruộm, thơm phức vừa mới ra lò để chuẩn bị ủng hộ cho một chương trình từ thiện ở tỉnh Điện Biên do Ủy ban MTTQ thị trấn phát động. “Năm nào bà ấy cũng ủng hộ ruốc, tiền mặt hoặc thực phẩm, đồ dùng khác cho MTTQ và các đoàn thể ở địa phương đi thiện nguyện ở vùng cao. Riêng ruốc lợn bà cho đi được làm cẩn thận, mỗi lần ít cũng vài chục hộp, nhiều thì hàng trăm hộp”, bà Bến thông tin.
Giống như bà Liên, bà Quý rất hăng hái giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn. Xung quanh thị trấn này, không hộ nghèo nào mà bà không biết. Nhưng vì chân đau mà mỗi lần mổ lợn bà chỉ xách thịt mang cho được mấy hộ ở gần, còn ở xa thì phải nhờ người chuyển giúp. Bà không nhớ mình đã mổ bao nhiêu con lợn để giúp đỡ nhân dân trong vùng phong tỏa, cách ly vì dịch Covid-19. Bà cũng chẳng nhớ đã bao đêm thức trắng để rang những mẻ ruốc thơm ngon kịp chuyển cho đoàn lên tặng đồng bào vùng cao gặp khó khăn. Bà Quý chia sẻ: “Con tôi bảo chỉ tính riêng tiền mua lợn làm từ thiện lúc dịch Covid-19 hoành hành, các dịp lễ, Tết trong mấy năm vừa rồi cũng tầm 700-800 triệu đồng, có thể là hơn. Nhưng tôi không quan tâm điều này, vì mình đã cho đi thì sẽ không so đo, suy tính làm gì. Tôi chỉ nhớ cái lần đầu tôi phát tâm làm từ thiện. Sau lần đó đã khiến tôi ngộ ra nhiều điều và giúp xoay chuyển cuộc sống của gia đình”.

2023258_haibabut4.jpg
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát tại huyện Nam Sách, bà Liên và bà Quý đã tặng nhiều thịt lợn cho bà con các vùng cách ly, phong toả (ảnh cơ sở cung cấp)

Cuộc sống của gia đình bà Quý vốn cũng nghèo khó. Khi mới 33 tuổi, bà đã goá chồng, một mình tần tảo nuôi 3 người con ăn học. Bán thịt lợn ở chợ huyện Nam Sách từ năm 1982 đến mãi sau này, cuộc sống mới dần ổn định. Tuy nhiên, do làm ăn không thuận nên có giai đoạn bị lỗ vốn, phải chạy vạy vay nợ, cuộc sống gia đình gặp không ít chuyện buồn. Năm 2018, một lần xem video trên internet thấy ở TP Hải Phòng có một cụ ông sống cảnh nghèo khó, cơ cực, phải nuôi nhốt con bị bệnh thần kinh trong lồng sắt, nước mắt bà Quý cứ vậy tuôn trào. Ngay sau khi xem xong video, bà bảo con làm mấy hộp ruốc và mua những đồ thiết yếu gửi xe khách xuống biếu gia đình ông cụ. Cụ ông xúc động, tìm cách liên hệ cảm ơn bà. “Sau lần làm từ thiện ấy, điều tốt đẹp cứ vậy mà đến với gia đình tôi. Mẹ con tôi buôn may, bán đắt, lại càng hăng hái làm nhiều việc tốt hơn. Mấy năm qua, không chỉ trả hết nợ, mẹ con tôi còn xây được nhà mới. Quan trọng hơn nữa là tinh thần luôn thấy sảng khoái, gia đình yên ấm, ai cũng khoẻ mạnh, vui vẻ. Tôi chỉ mong muốn có được sức khoẻ tốt để làm ăn rồi giúp đỡ thêm được nhiều người”, bà Quý bộc bạch.

Làm nhiều việc tốt nhưng hai “bà Bụt” ở chợ huyện Nam Sách chưa bao giờ nhận lời tham dự các chương trình biểu dương, khen thưởng do các đoàn thể ở địa phương tổ chức. Với họ, chỉ cần thấy những người mà mình giúp đỡ vơi bớt phần nào khó khăn, vất vả trong cuộc sống đã là một hạnh phúc.

Thật đáng trân trọng khi chỉ là những tiểu thương, kinh tế gia đình bình thường nhưng bà Liên, bà Quý lại chứa đựng tấm lòng nhân ái bao la.

MỸ ANH
(0) Bình luận
Hai "bà Bụt" ở chợ huyện Nam Sách