Trong khi công nghệ viễn thông ngày càng hiện đại thì cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển mạng lưới thông tin ở Hải Dương.
Ti-vi kết nối với đường truyền tín hiệu cáp nhưng hình ảnh của một số kênh
chỉ đạt chất lượng tiêu chuẩn thông thường chứ không có độ nét cao
Truyền hình HD “nửa vời” Truyền hình độ nét cao (HD) đang là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng và trở thành nhu cầu khá phổ biến của khán giả xem truyền hình. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, gồm: Truyền hình cáp Hải Dương (HDCTV), VNPT Hải Dương (MyTV), FPT Telecom (ITV), Công ty Truyền hình Saigontourist (SCTV) và Chi nhánh Viettel Hải Dương (NetTV) với tổng số gần 100 nghìn thuê bao. Các doanh nghiệp này đều hướng đến tăng số lượng kênh HD cho hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động hơn so với truyền hình độ nét tiêu chuẩn thông thường (SD). Tuy nhiên, thực tế hiện nay là nhiều người tiêu dùng đăng ký sử dụng dịch vụ truyền hình cáp hằng tháng nhưng vẫn không được xem truyền hình HD đúng chuẩn đối với một số kênh. Hiện trạng này tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có chất lượng đường truyền kém hoặc thiếu các trang thiết bị hỗ trợ.
Anh Lê Thái Sơn, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Một số kênh truyền hình được gắn logo HD nhưng chất lượng hình ảnh vẫn thiếu sắc nét. Vì thực chất, những kênh này không đúng chuẩn HD mà chỉ được chuyển từ SD lên HD”. Nguyên nhân do chi phí đầu tư thiết bị và mua kênh chất lượng HD rất lớn, nguồn kinh phí hạn hẹp nên các nhà đài chưa thể đầu tư sản xuất chương trình theo công nghệ HD, mà chủ yếu vẫn sản xuất theo công nghệ analog (công nghệ truyền hình thế hệ cũ). Anh Bùi Tiến Dũng, nhân viên bán hàng và tư vấn mua sản phẩm tại Công ty TNHH Thương mại và Văn hóa Đỗ Gia cho biết: “Tỷ lệ khuôn hình sử dụng cho dòng tín hiệu chuẩn HD là 16:9, nhưng tỷ lệ thu về hiện nay hầu hết chỉ đạt 4:3 của dòng tín hiệu SD. Do không phù hợp với tỷ lệ mặc định nên hình ảnh bị lùn, dẹt. Hầu hết những khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình cáp đều đang phải xem ti-vi có hình ảnh không phù hợp với thị giác”. Ti-vi kết nối với đường truyền tín hiệu cáp HD, nhưng để xem được các kênh có hình ảnh đúng chuẩn HD thì khách hàng phải lắp đặt thêm thiết bị hỗ trợ, chảo thu hoặc đầu thu kỹ thuật số. Tuy nhiên, giá của những thiết bị này khá cao nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư thêm. Trong 100 khách hàng mua ti-vi độ nét cao thì tỷ lệ mua chảo, đầu thu kỹ thuật số chỉ chiếm 10%. Vì vậy, về hình thức thì khách hàng vẫn sử dụng dịch vụ truyền hình cáp với gói cước có kênh HD, nhưng chất lượng hình ảnh thu về ở nhiều kênh chỉ đạt mức SD hoặc dưới HD.
“Lõm” sóng 3G
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin là sự ra đời của hàng loạt loại điện thoại di động với đầy đủ tính năng... Từ việc truy cập in-tơ-nét qua công nghệ truyền dữ liệu 2G đã nâng cấp lên 3G, 4G. Thiết bị USB 3G cũng được trang bị cho khách hàng sử dụng máy tính, tạo thuận lợi trong truy cập mạng. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng mạng 3G. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 700 trạm thu phát sóng (BTS) lắp đặt công nghệ 3G thì mới phủ sóng được 50% diện tích. Do công nghệ 3G truyền dẫn theo chiều dọc các trục quốc lộ, tỉnh lộ nên những vùng sâu, vùng xa rất khó bắt sóng. Tình trạng rớt mạng, tốc độ truyền tải chậm khá phổ biến. Mặt khác, các trạm BTS phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, nơi có mật độ sử dụng mạng cao nên đường truyền về khu vực nông thôn bị hạn chế. Theo tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng đường truyền, mỗi trạm BTS phục vụ 1.000 - 1.200 thuê bao. Nhưng thực tế ở tỉnh ta hiện nay, mỗi trạm BTS phục vụ khoảng 1.700 thuê bao. Chị Đoàn Thị Dịu ở thôn Kim Húc, xã Hồng Đức (Ninh Giang) chia sẻ: “Tôi truy cập in-tơ-nét qua thiết bị USB 3G của Viettel, nhưng cứ đến buổi tối là mạng bị chậm, thi thoảng còn bị ngắt. Nhiều khi cần gửi tài liệu qua mạng nhưng phải chờ rất lâu”.
Theo đồng chí Nguyễn Quang Hảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, công nghệ đổi mới nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở hạ tầng viễn thông sẵn có. Do việc nâng cấp, phát triển hạ tầng gặp nhiều khó khăn như: doanh nghiệp không có đất nên phải thuê công trình dân sự để lắp đặt trạm BTS; thiếu cơ chế về nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng; khó giải phóng mặt bằng để lắp đặt thiết bị, cáp truyền dẫn... Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, các nhà cung cấp dịch vụ có xu hướng tăng số lượng trạm, tủ truyền dẫn cáp trên cùng diện tích. Việc làm này có thể giảm công suất phát, giảm chiều cao cột ăng-ten nhưng vẫn bảo đảm được chất lượng truyền dẫn. Tuy nhiên, mức độ phân bố vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nội thị.
Ngành viễn thông tỉnh phấn đấu đến năm 2015, nâng tỷ lệ phủ sóng công nghệ 3G lên 95% diện tích. Trong thời gian tới, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần tăng cường sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật, tích cực đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm mạng lưới thông tin xuyên suốt.
XUÂN NGÂN