UBND TP Hà Nội vừa thống nhất chủ trương xây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng trong giai đoạn 2025-2030 bằng vốn đầu tư công.
Theo văn bản truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh sau buổi làm việc về đầu tư một số cầu qua sông Hồng, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được triển khai theo hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, thi công xây dựng). Dự kiến tháng 1/2025, UBND thành phố trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn được giao làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup thống nhất phương án xây dựng cầu Tứ Liên bảo đảm khả thi, hiệu quả, sớm triển khai.
Địa điểm xây dựng sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, kết nối từ đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với quốc lộ 5 kéo dài, thuộc quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Điểm đầu cầu Tứ Liên giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao quốc lộ 5, tổng chiều dài 4,8 km với 5 nút giao gồm: Nghi Tàm, Hữu Hồng, bãi giữa, Tả Hồng và nút giao quốc lộ 5 kéo dài. Cầu có kiến trúc dây văng kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung thép nhẹ, hai trụ cầu chính được tạo hình.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường dẫn hai đầu sẽ được Sở Giao thông vận tải Hà Nội lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và báo cáo thành phố trong tháng 2/2025.
Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Phía nam kết nối với đường Trần Hưng Đạo tại điểm giáp ranh hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.
Ở phía bắc, cầu đi qua bãi sông Hồng, men theo rìa phía tây khu vực sân bay Gia Lâm, tới nút giao quy hoạch với đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 5A). Điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Lê Thánh Tông, điểm cuối giao với đường Vũ Đức Thuận.
Cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 5,5 km, đi qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên. Mỗi chiều cầu có hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Các khoảng không được bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm.
Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm. Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.
Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và hỗ trợ của Trung ương. Theo lộ trình, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội được giao tham mưu, đề xuất thành phố việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính qua sông Hồng, báo cáo UBND thành phố trong tháng 12/2024. Trong tháng 1/2025, thành phố trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Điểm đầu cầu Ngọc Hồi kết nối với điểm cuối dự án vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), điểm cuối nối với vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 11.700 tỷ đồng, tổng chiều dài khoảng 7,5 km, quy mô mặt cắt ngang 80 m (riêng đoạn từ đê Tả Hồng đến cuối tuyến 60 m), tốc độ thiết kế 80 km/h.
Ngoài 8 cầu hiện có bắc qua sông Hồng (Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì), theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có thêm 10 cầu qua sông. Đó là các cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Phú Xuyên.
TB (theo VnExpress)