Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội ngày 10-6 cho biết, trong hai tuần gần đây, tại Hà Nội đã xuất hiện một vài ca mắc bệnh tay chân miệng, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong.
Một trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng
Không chỉ hoành hành và có xu hướng diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, dịch bệnh tay chân miệng đã bắt đầu xuất hiện tại Hà Nội.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa cho biết trong hai tuần gần đây, tại Hà Nội đã xuất hiện một vài ca mắc bệnh tay chân miệng, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong.
Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểmMùa hè với thời tiết nắng nóng là cơ hội để bệnh tay-chân-miệng dễ bùng phát.
Theo Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm tới nay,cả nước ghi nhận hơn 4.000 ca mắc bệnh với hàng chục ca tử vong.
Bệnh tay chân miệng do Enterovirus (nhóm virus đường ruột) gây ra, thường gặp nhất là chủng virus Coxsackie A16.
Nhiều trường hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi cho trẻ và có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là độ tuổi dưới 3, dễ lây và lây rất nhanh qua đường hô hấp.
Bệnh lây từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay bọt nước của trẻ bệnh. Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh, bị nhiễm bệnh do nuốt phải nước bọt của trẻ bệnh bắn ra trong lúc ho, hắt hơi; hoặc do trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào sàn nhà bị dây dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh...
Phòng ngừa – Giải pháp hiệu quả nhấtTheo phó giáo sư-tiến sỹ Trịnh Quân Huấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên việc phòng bệnh là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện tăng cường công tác giám sát, xử lý ổ dịch.
Cục y tế dự phòng yêu cầu trung tâm y tế dự phòng thành phố hướng dẫn chuyên môn cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phát hiện sớm ca bệnh, cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan.
Các trường học khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày thì cho cả lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng.
Cách phòng bệnh tốt nhất đối với phụ huynh là cách ly trẻ bệnh, không nên cho trẻ bị bệnh đến trường học hay các nơi công cộng; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi.
Bên cạnh đó, các gia đình cần bảo đảm nơi ở thoáng mát, sạch sẽ; vệ sinh sạch các vật dụng trong gia đình và đồ chơi của trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi, mút tay để phòng lây nhiễm bệnh.
Thùy Giang (Vietnam+)