Chiều 11-10, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, theo dự kiến vào các ngày cuối tuần, thành phố sẽ thí điểm nhiều tuyến phố đi bộ.
Trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, theo chỉ đạo của UBND thành phố, đơn vị này đang xây dựng đề án tuyến phố đi bộ từ Đồng Xuân - Hàng Ngang - Hàng Đào - quanh hồ Hoàn Kiếm - Tràng Tiền, trước mắt sẽ thí điểm vào các ngày cuối tuần từ thứ 6 đến Chủ nhật, quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm.
Theo ông Phó giám đốc Sở, để thực hiện kế hoạch này, đơn vị này đang tiến hành điều tra xã hội học toàn bộ số dân đang sinh sống ở trên các tuyến phố này để giải quyết tất cả nhu cầu, như xe đi thế nào, trẻ em đi học, cấp cứu, cứu hỏa ra sao, đi bộ thì vệ sinh, uống nước ở đâu...
Ông Phó giám đốc Sở cho biết, hiện nay, cơ quan này đang cố gắng hoàn thiện đề án để sớm nhất cuối tháng 10 sẽ trình lên lãnh đạo UBND thành phố. Khi thí điểm sẽ cấm hoàn toàn ô tô và xe máy đi lại.
Hà Nội cho biết sẽ thí điểm cấm ô tô, xe máy xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm
Liên quan đến vấn đề này, TS Tôn Thiện Chiến, Viện Công nghệ Thông tin, Viện KH&CNQS, Bộ Quốc Phòng đã gửi đến Bộ Giao thông vận tải một đề xuất khá thú vị để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Trong đề xuất gửi lên Bộ Giao thông, sau khi chỉ ra 4 nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TPHCM, TS Chiến cho rằng, trước mắt phải bắt đầu hạn chế ngay tốc độ tăng lên của các phương tiện giao thông cá nhân bằng cách biệt lập các dòng lưu thông cục bộ (khoảng 3 km) khỏi các dòng lưu thông tầm ngắn (5 km), tầm trung (khoảng 7 km) và tầm dài (khoảng 8 km và lớn hơn).
TS Chiến cho rằng, có thể biệt lập các dòng lưu thông cục bộ bằng cách lập một vùng cục bộ ước đoán có đường kính khoảng 3 km có mật độ dân cư cao, mạng lưới giao thông kiểu bàn cờ. Vùng cục bộ điển hình là các khu phố cổ và cận cổ, tập trung tại các quận nội thành.
Thực chất của giải pháp này là cấm ô tô, xe máy ở các tuyến đường phố cổ, đưa các phương tiện này ra các điểm đỗ công cộng. Người dân phố cổ sẽ đi lại bằng: đi bộ, xe đạp và xe điện… để thí điểm “bài toán” hạn chế phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố, tiến tới giảm ùn tắc giao thông.
Theo TS Chiến, nếu hạn chế xe cá nhân ở phố cổ theo đề xuất của ông sẽ được 1 công 2 việc. Việc thứ nhất là cho bản thân các khu đó, thứ 2 là áp dụng mô hình đó để nhân rông ra nhiều nơi có điều kiện gần giống. Nếu thành công thì có nghĩa là đã giảm được tổng lưu lượng lưu thông trên các tuyến giao thông thành phố.
"Đây là 1 cách cụ thể để giảm xe cá nhân mà không có cấm đoán. Chúng tự nhiên giảm xuống vì chúng ta cách ly được giao thông cục bộ khỏi giao thông huyết mạch", TS Chiến khẳng định.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tổ chức các đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, tình trạng chống người thi hành công vụ khi vi phạm giao thông....
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố xây dựng đề án hạn chế và lộ trình cấm xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các đô thị lớn, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2012.
Xuân Tùng (VnM)