Đã 73 năm tuổi đời và hơn 40 năm tuổi Đảng, nhưng hằng ngày, ông Nguyễn Thành Soan, ở thôn Đan Giáp, xã ThanhGiang (Thanh Miện) vẫn miệt mài với từng nan tre để tạo ra những chiếcrổ, chiếc thúng, có điều kiện hướng dẫn các con, các cháu giữ lấy nghề của tổ tiên.<!--Session data-->
Nặng lòng với nghề truyền thống
Với 73 năm tuổi đời và hơn 40 năm tuổi Đảng, vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hằng ngày ông Nguyễn Thành Soan, ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) vẫn miệt mài với từng nan tre để tạo ra những chiếc rổ, chiếc thúng. Làm nghề như không đặt nặng mục đích kinh tế mà bởi lòng yêu nghề thôi thúc khiến ông không thể ngơi nghỉ.
Chúng tôi đến nhà ông Soan đúng vào lúc HTX đan lát nhà ông đang có hàng chục người đang làm việc, trên khắp mặt sân bày la liệt những sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Ông Soan cho biết, làng Đan Giáp nổi tiếng hàng trăm năm nay bởi nghề mây tre đan. Ngay từ nhỏ, ông Soan đã tiếp cận với nghề. “Ông nội tôi vốn là một trong những người có tay nghề cao của làng này. Trước đây tôi thường được ông nội chỉ bảo từng động tác. Đến nay, gia đình tôi có đến 4 đời làm nghề mây tre đan rồi”- ông Soan tự hào cho biết.
Thuở nhỏ, cuộc sống của ông đã gắn liền với từng thanh tre, gióng lạt. Lớn lên, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ. Tại những nơi đơn vị đóng quân hay trên đường đi chiến đấu, mỗi khi qua nhà dân, ông đều nhiệt tình giúp đỡ nhân dân tu sửa nhà ở. “Vốn có nghề trong tay nên việc chặt tre, làm nhà dễ như không”, ông Soan nhớ lại.
Năm 1970, phục viên trở về quê hương, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Sẵn có nghề trong tay, ông đến một số huyện xung quanh mua tre về làm thúng, rổ phục vụ nhân dân những vùng lân cận. Cuộc sống ngày càng ổn định, ông đầu tư mở rộng sản xuất. Ông ra Quảng Ninh, Hải Phòng để tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có được đầu ra ổn định, ông thuê thêm 5 người trong làng làm giúp. Đến nay, cơ sở của ông thường xuyên có 10 người làm, thu nhập bình quân 30 nghìn đồng/người/ngày.
Mặc dù là nghề phụ tranh thủ lúc nông nhàn nhưng nghề mây tre đan ở Đan Giáp cũng cho thu nhập khá cao và có thể sống bằng nghề. Đến nay, Đan Giáp có hơn 300 hộ làm nghề, chiếm hơn 90% số hộ trong thôn. Ông Soan cho biết, nghề tre đan không mất nhiều sức lực, có thể làm mọi lúc, mọi nơi nên phù hợp với nhiều độ tuổi. Tuy nhiên, người làm nghề phải có tính kiên trì, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ, người có tính nóng vội sẽ khó có thể tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng.
Đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi 73 nhưng hằng ngày ông Soan vẫn miệt mài bên những thanh tre, tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: "Tôi làm nghề không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn để có điều kiện hướng dẫn các con, các cháu giữ lấy nghề của tổ tiên”.
Không chỉ được biết đến là người “nặng lòng với nghề truyền thống”, ông Soan còn là hội viên người cao tuổi tích cực. Theo ông Vũ Đình Vê, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Giang, trong những năm qua, ông Soan luôn tích cực tham gia phong trào, là một đảng viên gương mẫu, đặc biệt nhiệt tình trong công tác hòa giải. Mỗi năm, ông Soan cùng một số thành viên của tổ hòa giải của Hội Người cao tuổi của xã hòa giải thành công từ 3 đến 5 vụ việc.
TIẾN HUY
Ông Cương tích cực góp phần ổn định tình hình cơ sở |
MINH MẪN