Góp phần phát triển phong trào thể dục, thể thao

17/12/2011 07:00

Giải việt dã báo Hải Dương là một trong những giải thể thao có quy mô và uy tín cao của tỉnh, thu hút nhiều đối tượng tham dự...



Lễ khai mạc Giải Việt dã Báo Hải Dương (mở rộng) lần thứ XIX - “Cùng Sacombank chạy vì
 sức khỏe cộng đồng” tại thị xã Chí Linh năm 2010. Ảnh: Thành Chung


Ngày 18 - 12, tại khu vực Công viên Bạch Đằng (TP Hải Dương), diễn ra Giải Việt dã Báo Hải Dương (mở rộng) lần thứ XX - “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”.

Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ngày hội Quốc phòng toàn dân, vào dịp 22- 12 hằng năm, giải Việt dã Báo Hải Dương được tổ chức. Nhiều năm qua, giải đã trở thành người bạn đồng hành cổ vũ, động viên phong trào chạy vì sức khỏe cộng đồng của cán bộ, nhân dân trong tỉnh.

Năm 1992, với mong muốn thông qua hoạt động thể thao góp phần nâng cao vị thế của báo, đồng thời cổ vũ phong trào chạy tập luyện thể dục thể thao, Báo Hải Hưng và Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao đã phối hợp tổ chức Giải Việt dã Báo Hải Hưng. Ngày 20 - 12 - 1992, tại sân vận động thị xã Hải Dương, Giải Việt dã Báo Hải Hưng lần thứ I được tổ chức, với sự tham gia của 184 vận động viên (VĐV) thuộc 15 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Giải đã nhận được sự hưởng ứng của các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã và đông đảo nhân dân trong tỉnh. Những năm đầu, do điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn nên số lượng VĐV tham gia giải còn hạn chế. Để duy trì, phát triển giải, cơ quan báo đã nhận được sự tài trợ, giúp đỡ của nhiều ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh như: điện lực, giao thông vận tải, bưu điện, các ngân hàng, Công ty Bảo hiểm Prudential...

Năm 2007 đánh dấu bước chuyển biến lớn của giải khi Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn thương tín (Sacombank) Chi nhánh Hải Dương nhận tài trợ 100% kinh phí cho giải. Từ đó, giải có tên gọi mới: Giải Việt dã Báo Hải Dương - “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng”. Việc Sacombank Hải Dương tham gia với vai trò đơn vị đồng tổ chức đã giúp giải có điều kiện nâng cao giá trị phần thưởng, kinh phí hỗ trợ các đoàn và tạo thêm động lực thu hút VĐV tham dự.

Để nâng cao chất lượng chuyên môn, Ban Tổ chức giải luôn làm tốt công tác tổ chức như: thành lập các bộ phận giúp việc, ban hành sớm điều lệ giải để các đơn vị tham gia có thời gian chuẩn bị. Ngành văn hóa, thể thao, du lịch phân công cán bộ nắm bắt, kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng của các đơn vị, kịp thời tháo gỡ khó khăn để bảo đảm số lượng, chất lượng VĐV dự giải. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của giải. Trong quá trình tổ chức, giải đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của các địa phương đăng cai tổ chức trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, lễ tân, hậu cần, cơ sở vật chất, trang thiết bị thi đấu... Đây là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của giải. Sau mỗi giải, Ban Tổ chức đều họp tổng kết, rút kinh nghiệm. Năm 2010, bên cạnh nội dung phong trào, Ban Tổ chức đưa thêm nội dung nâng cao vào thi đấu với sự tham gia của một số VĐV thành tích cao trong tỉnh và tỉnh bạn như: Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Đó là bước phát triển mới của giải.

Ông Phạm Sĩ Cẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét: Thực tế 19 năm luôn khẳng định đây là một trong những giải thể thao có quy mô và uy tín cao của tỉnh, thu hút nhiều đối tượng tham dự. Giải phong trào thường duy trì ở 4 lứa tuổi: nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, trung niên. Mỗi giải thu hút gần 300 VĐV và 14 - 15 đơn vị tham gia. Các VĐV của tỉnh bạn đều là những VĐV có chất lượng.  Đặc biệt, qua giải, ngành thể thao đã tuyển chọn được nhiều VĐV năng khiếu, chất lượng chuyên môn cao cho đội tuyển tỉnh. Trong đó, một số VĐV đã giành được nhiều thành tích tại giải quốc gia và quốc tế như: Lê Thị Hạnh Phúc, Nguyễn Thị Chinh, Trần Thị Mai, Hoàng Thị Trang...



Chất lượng giải đấu ngày càng nâng cao. Ảnh: Mai Anh


Trong các đơn vị tham dự giải, huyện Kinh Môn, thị xã Chí Linh, TP Hải Dương hầu như thay nhau giành vị trí nhất, nhì, ba giải toàn đoàn. Đặc biệt, huyện Kinh Môn 12 năm liền giữ vị trí nhất toàn đoàn. Ông Hoàng Ngọc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục, thể thao huyện Kinh Môn cho biết: Để giành thành tích cao trong mỗi lần tham dự, sau giải chạy việt dã của huyện, trung tâm tuyển chọn những VĐV có năng khiếu vào huấn luyện. Quá trình huấn luyện, bồi dưỡng được trung tâm thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chế độ, trang thiết bị, dụng cụ để VĐV tập luyện. Đội ngũ huấn luyện viên luôn tận tình, có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các trường học, các cơ sở giáo dục trong huyện để nắm bắt, tuyển chọn, huấn luyện những VĐV có năng khiếu.

Giải năm nay do TP Hải Dương đăng cai và diễn ra tại Công viên Bạch Đằng. Đến nay,  các công việc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm cho thành công của giải như: tập hợp, lên danh sách lực lượng VĐV, trọng tài tham gia. Lên sơ đồ đường chạy và xây dựng phương án chạy các cự ly. Kiểm tra hồ sơ, nhân sự của các đoàn. Chuẩn bị đường chạy bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, phương tiện, dụng cụ thi đấu. Lập các phương án bảo vệ an ninh trật tự, phân luồng, cấm các phương tiện giao thông ở khu vực khai mạc, bế mạc, khu vực thi đấu. Huy động hơn 1.000 VĐV đại diện cho các khối học sinh, sinh viên, ngành, đoàn thể, công nhân, viên chức, người lao động tham gia chạy hưởng ứng...

 Với 19 lần tổ chức, Giải Việt dã Báo Hải Dương luôn khẳng định là một giải thể thao có quy mô, chất lượng, là môn thi đấu trong chương trình Đại hội Thể dục thể thao tỉnh. Giải trở thành ngày hội của những người yêu môn điền kinh và góp phần phát triển, nâng cao chất lượng phong trào luyện tập thể dục, thể thao, phát hiện những VĐV năng khiếu cho tỉnh.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góp phần phát triển phong trào thể dục, thể thao