Thực tế công tác nghiên cứu, nắm bắt và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội (DLXH) đã tạo cơ sở, điều kiện quan trọng để hoàn thiện công tác lãnh đạo, quản lý xã hội...
Nhiều thông tin về dư luận xã hội được phản ánh tại các hội nghị giao ban của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Ảnh: Phùng Duyên
Nhiều kênh nắm bắt DLXHNhững năm qua, các cấp ủy đảng đã nhận thức được về vị trí, vai trò, chức năng, tầm quan trọng của DLXH, quan tâm đáng kể tới công tác này. Tỉnh ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác DLXH từ tỉnh tới cơ sở. Việc nắm và phản ánh DLXH được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất thông qua hệ thống Ban Tuyên giáo các cấp; đồng thời phát huy ưu thế, sự đa dạng, đa chiều của các kênh, hình thức thông tin, phản hồi để nắm DLXH. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu việc dự báo, hướng dẫn nắm DLXH trên mọi lĩnh vực: kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, an ninh - quốc phòng, nhất là các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách mới, các vấn đề bức xúc trong nhân dân... Trên cơ sở báo cáo của các ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành uỷ, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổng hợp, phản ánh kịp thời lên Ban Tuyên giáo Trung ương và Thường trực Tỉnh uỷ.
Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức các cuộc điều tra DLXH bằng phiếu về các vấn đề mà nhân dân quan tâm phục vụ cho công tác lãnh đạo và quản lý. Tính từ năm 2006 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức 14 cuộc điều tra DLXH, mỗi cuộc điều tra có quy mô 1.200-1.600 phiếu. Kết quả các cuộc điều tra xã hội học đều được quan tâm sử dụng, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao riêng một cuộc điều tra DLXH về sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với quy mô 3.000 phiếu, được đánh giá là cuộc điều tra lớn nhất từ trước đến nay. Cuộc điều tra đã cho những kết quả khách quan, góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhất là giai đoạn khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã linh hoạt triển khai việc nắm bắt, dự báo và định hướng DLXH thông qua các hoạt động công tác tuyên giáo có tính chất đặc thù như: thông qua chế độ giao ban báo chí thường kỳ, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua ký kết các chương trình phối hợp công tác giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp...
Nâng cao hiệu quảKết quả công tác DLXH đã trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; góp phần tích cực vào việc định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh,ư giải quyết những vấn đề nổi cộm của đời sống xã hội, trong đó có việc triển khai các dự án kinh tế - xã hội, giải quyết tranh chấp đất đai... Điển hình như việc tham gia giải quyết các điểm nổi cộm trên địa bàn tỉnh năm 2013 hay việc sớm định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của nước ta.
Tuy nhiên, việc nắm bắt DLXH ở cơ sở của một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể hiện còn chưa sâu sát, một số vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được phản ánh và giải quyết kịp thời, để tồn đọng kéo dài. Ngoài ra, thông tin DLXH thu được thường phiến diện, không rõ, mang tính chủ quan; khâu dự báo trước những hiện tượng, sự kiện, vấn đề phức tạp nảy sinh còn yếu...
Những hạn chế, yếu kém trong công tác DLXH của tỉnh có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ quan như: có cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể còn nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác DLXH. Nhiều cấp ủy còn khoán trắng công tác DLXH cho cơ quan chuyên môn là Ban Tuyên giáo. Vai trò tham mưu của cơ quan tuyên giáo các cấp có lúc, có nơi chưa chủ động, thiếu nhạy bén, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên làm công tác DLXH ở nhiều đơn vị hầu hết không có chuyên môn phù hợp. Tỉnh ta chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên (CTV) DLXH theo hệ thống từ tỉnh đến cơ sở một cách đồng bộ...
Công tác tư tưởng đang đứng trước những yêu cầu mới. Công tác DLXH cần được quan tâm đúng mức, phải có những đổi mới từ việc nghiên cứu, cách thức nắm, xử lý thông tin tới việc hình thành mạng lưới CTV DLXH từ tỉnh tới cơ sở và nhất là cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể nhân dân đối với công tác DLXH. Phát huy vai trò của Ban Tuyên giáo các cấp trong tham mưu và triển khai công tác tư tưởng của Đảng, là cơ quan thường trực công tác DLXH, là đầu mối giúp cấp uỷ quản lý điều hành hoạt động của đội ngũ CTV; thường xuyên có các biện pháp nâng cao chất lượng tham mưu, tổ chức triển khai công tác DLXH, trong đó chú trọng tổ chức hội nghị giao ban công tác DLXH theo định kỳ. Cần xây dựng được mạng lưới CTV DLXH từ tỉnh tới cơ sở (cấp tỉnh nên xây dựng cả CTV hoạt động công khai và CTV đơn tuyến hoạt động theo hình thức không công khai), có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, có quy chế hoạt động cụ thể và được tổ chức chặt chẽ, bảo đảm hoạt động có chất lượng, hiệu quả.
NGUYỄN MẠNH THẮNG Trưởng Phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước vấn đề, sự kiện, hiện tượng hay các quá trình xã hội. Công tác dư luận xã hội có các chức năng đánh giá sự kiện, hiện tượng, sự vật, vấn đề cuộc sống; điều chỉnh các mối quan hệ xã hội; giáo dục các thế hệ ý thức về “phải-trái”, “đúng-sai”, “thiện-ác”, “đẹp-xấu”; giám sát hoạt động của các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước; tư vấn, phản biện trước những vấn đề nan giải của đất nước và chức năng giải tỏa tâm lý xã hội.
|