Trận mưa úng vừa qua đã làm đảo lộn cuộc sống và gây thiệt hại lớn đối với người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh...

Nông dân phường Hải Tân (TP Hải Dương) bơm nước chống úng cho những vườn đào bị ngập
Những cơn mưa như trút nước kéo dài từ ngày 21 đến 23-9 đã nhấn chìm nhiều diện tích rau màu của bà con nông dân trong tỉnh gây thiệt hại lớn về kinh tế. Lượng mưa lớn cũng gây ngập úng nặng nề ở TP Hải Dương khiến sinh hoạt, đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thiệt hại nặngNgay từ sáng sớm 23-9, bà con nông dân huyện Tứ Kỳ đã tranh thủ mưa ngớt đổ ra đồng cứu diện tích rau màu bị ngập. Trên cánh đồng Ô Mễ (xã Hưng Đạo), người đắp bờ, người khơi thông dòng chảy, có nhà mang từ 2 - 3 chiếc máy bơm mini tập trung bơm nước từ ruộng ra ngoài... nhưng diện tích ngập úng chưa giảm được là bao. Toàn bộ cánh đồng trồng su hào, su lơ cùng tiền của và công sức nông dân bỏ ra vẫn nằm sâu dưới nước. Ông Nguyễn Văn Bắc (70 tuổi) vừa khởi động chiếc máy bơm chống úng vừa than thở: "Vợ chồng già thức trắng cả đêm bơm nước để cố gắng cứu ruộng su hào. Bao vốn liếng và công sức bỏ ra, 8 sào su hào mà chỉ cứu được có 2 sào thì còn lời lãi gì".
Thế nhưng nhà ông Bắc còn may mắn, chứ nhiều ruộng của các hộ xung quanh vẫn còn ngập trắng. Vừa vác chiếc máy bơm ra để chống úng cho ruộng su hào nhưng khi nhìn thấy nước ngập sâu, không đắp được bờ, anh Nguyễn Văn Ánh buồn bã nói: "Hôm qua không hở được lá, cố gắng bơm nước đi nhưng vì trong ruộng ngoài bờ như nhau nên có bơm nước lại tràn vào. Hôm nay vẫn chỉ hở lá được vài phân. Nếu ốc bươu vàng không ăn hết lá thì nước cũng làm thối rễ, cây chết không cứu được".
Theo người dân xã Hưng Đạo, số tiền đầu tư trồng 1 sào su hào, su lơ khoảng 1,5 triệu đồng, chưa kể tiền thuê máy làm đất và công sức bỏ ra. Hầu hết người dân trong xã đều trồng rau màu, nhà nhiều khoảng 1 mẫu, nhà ít cũng vài ba sào. Có những gia đình khoảng 20 ngày nữa là được thu hoạch nhưng nay cũng đang bị ngập trắng. Trung bình mỗi gia đình bị thiệt hại từ 12 - 20 triệu đồng.
Ở huyện Tứ Kỳ, người trồng dưa hấu của xã Ngọc Sơn cũng bị ảnh hưởng nặng của mưa lũ. Đến trưa 23-9, nhiều người vẫn dầm mình để cố vớt vát số dưa bị ngập. "Phải 5 ngày nữa ruộng dưa nhà tôi mới được thu hoạch. Nhưng nay phải thu non để bán nên thương lái ép giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg xuống còn 1.000 đồng/kg. Nhà tôi trồng 5 sào, nếu không bị mưa sẽ cho thu lãi 5 triệu đồng/sào, nay may ra vớt vát được 1 triệu đồng", ông Dương Văn Thục nói.
Tại Thanh Hà, đầu giờ chiều 23-9 mặc trời mưa nhưng ông Bùi Văn Thêm ở xã Liên Mạc đã cần mẫn bọc nilon cho những quả ổi non. Ông Thêm cho biết: "Tôi trồng 1 mẫu ổi. Do mưa nên mỗi sào đang thu hoạch có tới 35 - 40 kg quả thối. Với giá 9.000 đồng/kg như hiện nay thì mỗi sào thiệt hại khoảng 360.000 đồng. Mưa cũng làm rụng hoa với những cây chưa cho thu hoạch".
Trên cánh đồng trồng đào của người dân khu 2, phường Hải Tân (TP Hải Dương), ruộng ngập ít cũng tới 2/3 luống, ruộng ngập nặng mấp mé mặt luống. Để cứu đào, gia đình ông Lê Văn Toản phải thuê thêm 2 lao động, huy động nhiều máy bơm mini thay phiên bơm chống úng. Tới trưa 23-9, tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. "Cứ bơm được một ít thì ruộng bên cạnh lại rò sang nên nước rút rất chậm. Cây đào không ưa nước nên chỉ cần ngâm 1 đêm sẽ ảnh hưởng đến phát triển. Nếu trời tiếp tục mưa thì vườn đào của gia đình tôi gặp rất nhiều rủi ro. Còn nếu trời nắng ngay lập tức thì nguy cơ vườn đào chết là rất lớn. Tôi trồng 1,2 mẫu đào nhưng cơn bão số 1 đã làm chết hơn 6 sào. Tôi đang rất lo lắng", ông Toản chia sẻ.
Sinh hoạt vẫn khó khănKhông chỉ nông dân bị thiệt hại nặng mà ngay cả người dân thành phố cũng bị ảnh hưởng nặng nề do mưa úng. Đã 1 ngày sau trận mưa lớn, sáng 23-9, nhiều người dân TP Hải Dương vẫn phải chật vật khắc phục hậu quả. Chị Nguyễn Thúy Nga, chủ cửa hàng buôn bán giày dép ở gần chợ Thanh Bình cho biết: "Do không kịp chuyển hàng hóa nên khi mưa to, nước tràn vào nhà đã làm ướt hết giày dép để dưới sàn. Hôm nay, tôi phải đem đi hong khô, có bán được thì giá cũng giảm nhiều". Còn anh Nguyễn Xuân Trường ở đường Nguyễn Lương Bằng thì tiếc rẻ vì 2 chiếc máy photocopy bị hỏng. "Gia đình tôi có 3 máy, nước ngập khiến 2 chiếc bị hỏng, cái còn lại thì hoạt động chập chờn. Để sửa chữa được cũng phải mất hàng tuần lại còn tốn tiền nữa", anh Trường than thở.

Chị Nguyễn Thúy Nga ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) dọn dẹp lại cửa hàng,
hong khô số giày dép bị ngập nước
Tuy không bị thiệt hại nhiều như các hộ kinh doanh nhưng các hộ dân cũng phải mất rất nhiều thời gian để sắp xếp lại đồ đạc. Bà Phan Thị Chuyền ở khu 1, phường Cẩm Thượng cho biết: "Mỗi năm người dân ở đây phải vài lần chịu cảnh sống chung với mưa úng. Nhiều gia đình phòng xa, chuẩn bị bao cát, máy bơm mà vẫn không ngăn nổi nước tràn vào nhà. Nước ngập sâu, rút chậm khiến sinh hoạt đảo lộn. Cứ sau mưa lớn là chúng tôi lại phải lo dọn dẹp nhà cửa vì nước tràn vào nhà mang theo nhiều rác, đất cát rất bẩn. Do nhà chật, bàn ghế không biết chuyển đi đâu nên đành để ngâm nước. Sắp tới, chắc gia đình phải thay bàn ghế mới vì bộ này đã ngâm nước nhiều lần, sắp hỏng rồi".
Đối với sinh viên, công nhân phải đi thuê nhà trọ thì sau mưa lớn, mọi việc còn phức tạp hơn. "Hôm nay em phải xin nghỉ học để dọn dẹp phòng trọ. Nước ngập quá ngang giường nên em phải đi ngủ nhờ để có chỗ để đồ đạc. Chắc phải mất cả ngày mới có thể thu dọn lại như lúc đầu được", Nguyễn Thị Hoa, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương nói. Trong khi đó, nhiều khu nhà trọ nước ngập sâu thì đến ngay cả nhu cầu thiết yếu như đi vệ sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn. "Nước mấp mé mặt giường nên việc thay quần áo cũng khó khăn. Đấy còn chưa kể đến bồn cầu nhà vệ sinh cũng ngập. Mỗi lần đi vệ sinh tôi phải nhờ nhà bà chủ trên tầng 2", anh Phạm Đăng Quang, trọ ở khu 1, phường Tân Bình nói.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh, đến 13 giờ ngày 23-9, toàn tỉnh còn hơn 8.000 ha lúa, rau màu bị ngập úng và diện tích nuôi thủy sản bị tràn bờ. Trong đó, hơn 7.400 ha lúa bị ngập 1/2 - 2/3 cây (nhiều nhất ở huyện Ninh Giang với khoảng 4.000 ha), 711 ha rau màu bị ngập luống (nhiều nhất ở huyện Tứ Kỳ với khoảng 500 ha) và hơn 700 ha nuôi thủy sản bị tràn bờ (tập trung ở huyện Tứ Kỳ).
Tứ Kỳ mưa 471,5mm
Sáng 23-9, mưa trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh, chỉ còn một vài nơi có mưa vừa với lượng từ 10 - 39 mm. Tính cả đợt mưa từ ngày 21 đến 23-9, Tứ Kỳ có mưa lớn nhất với lượng 471,5mm. Tiếp đến là Ninh Giang với 352 mm, TP Hải Dương 237 mm, Gia Lộc 277 mm, Thanh Hà 227 mm... Mực nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang ở mức cao. Lúc 7 giờ ngày 23-7, mực nước thượng lưu cống Cầu Xe đạt 1m28, cống Neo đạt 2m02 và đang tiếp tục lên.
|
HƯƠNG - MƠ