Gợi nhớ từ những tên đường

09/08/2023 09:34

Mỗi tên đường ở TP Hải Dương không đơn thuần là tên gọi mà còn gợi nhớ không gian, lưu giữ lịch sử và những giá trị văn hóa.

00:00



Đường Nguyễn Lương Bằng là một trong những con đường to nhất TP Hải Dương. Ảnh: Thành Chung

Giàu ý nghĩa

Được biết, ngày mới giải phóng, thị xã Hải Dương có 5 phường: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú. Mỗi phường có một số đường phố và xóm nhỏ. Theo thời gian, không gian đô thị TP Hải Dương ngày càng phát triển và mở rộng, xuất hiện thêm nhiều con đường mới với những tên gọi mới. Tên đường, phố được đặt theo tên các danh nhân có công lớn với quê hương, đất nước, danh nhân khoa bảng, danh nhân lịch sử, anh hùng thời hiện đại; những sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước, những địa danh hoặc những danh từ có ý nghĩa tiêu biểu.

Dành thời gian tìm hiểu mới thấy tên đường, tên phố của TP Hải Dương mang nhiều ý nghĩa, được sắp xếp có sự liên quan và gắn với những giai đoạn lịch sử nhất định.

Những tuyến đường lớn, huyết mạch của thành phố được đặt tên theo những vị danh nhân có công lớn như đại lộ Hồ Chí Minh, đại lộ Trần Hưng Đạo, đại lộ Nguyễn Lương Bằng, đại lộ Võ Nguyên Giáp… Hay những con đường mang tên gắn với các sự kiện lịch sử nổi bật của đất nước, của tỉnh như 30 tháng 10, Đồng Khởi, Đô Lương… Những địa danh lịch sử như Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, Bắc Sơn, Hồng Châu…

Tại phường Trần Phú có những con phố gợi nhắc về “Hào khí Đông A” thời nhà Trần được sắp xếp cùng nhau như đường Trần Thủ Độ, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư… Vùng đất của những con phố này thuộc phố cổ Đông Mỹ. Năm 1996, ba con phố này mới được đặt tên. Qua tên đường cũng là cách để nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về lịch sử đất nước.

Một sự sắp đặt có dụng ý khi tên của 2 vị đại danh y lớn nhất của Việt Nam là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông được đặt tên cho 2 con phố ở phường Nguyễn Trãi. Trên đường Tuệ Tĩnh còn có Bệnh viện Quân y 7.

Không chỉ đặt tên đường theo tên các danh nhân lịch sử, địa danh, tên đường còn là những tên gọi đẹp từ ngôn từ đến ý nghĩa. Nếu như phố An Ninh mang ý nghĩa an toàn, yên ổn thì Bình Minh mang ý nghĩa bình yên, trong sáng, thể hiện sự hy vọng, hay Thống Nhất thể hiện sự tập trung, thu về một mối...


Đường Tuệ Tĩnh kéo dài hiện nay là trung tâm ăn uống sôi động của thành phố. Ảnh:
Thành Chung

Ân tình

Một trong những con phố lớn và sầm uất tại TP Hải Dương là Nguyễn Lương Bằng. Đường nằm trên địa bàn nhiều phường, đi từ ngã tư Máy Sứ đến khu đô thị mới phía tây thành phố nối với quốc lộ 5. Đại lộ mang tên nhà hoạt động cách mạng, nhà chính trị Nguyễn Lương Bằng (1904-1979), quê thôn Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, nhiều lần bị giặc Pháp bắt kết án tù đày. Đồng chí từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá II - IV; Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương của Đảng các khoá III, IV; Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (6.1951); Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, Tổng thanh tra Chính phủ; Đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V; Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại lộ này chính là một đoạn của quốc lộ số 5 do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1902, gọi là đường thuộc địa số 5. Đây là tuyến đường tập trung rất nhiều các cơ quan công sở của các ban, ngành trong tỉnh.

Có những tên đường thể hiện sự tri ân đối với những vị lãnh tụ, danh nhân có công với đất nước, lại có những tên đường thể hiện tình cảm kết nghĩa keo sơn. Những địa danh xa xôi của tỉnh Phú Yên xuất hiện ở TP Hải Dương chính là thể hiện tình cảm anh em gắn bó giữa hai tỉnh Hải Dương - Phú Yên. Ông Vũ Huy Bách (78 tuổi, ở phường Trần Phú) cho biết TP Hải Dương xưa có khu phố cổ Đông Kiều gồm các phố mang tên phường hội nghề nghiệp như Hàng Lọng, Hàng Giày, Hàng Bạc, Hàng Đồng là nơi buôn bán sầm uất. Năm 1960, tỉnh Hải Dương kết nghĩa với tỉnh Phú Yên. Từ đó, một số đường phố và công trình công cộng của thị xã Hải Dương bấy giờ được đổi tên bằng các địa danh của tỉnh Phú Yên. Phố Kho Bạc đổi thành phố Tuy Hòa, Hàng Lọng đổi thành Tuy An, Hàng Đồng đổi thành Đồng Xuân, Hàng Bạc đổi thành Xuân Đài, Hàng Giày đổi thành Sơn Hòa…


Đường Hồng Quang từng được quân đội Pháp sử dụng làm sân bay cho máy bay hạng nhẹ lên xuống nên một thời được gọi là đường Tàu Bay. Ảnh:
Thành Chung

Một trong những con đường đẹp nhất của thành phố là đường Hồng Quang. Dưới thời Pháp thuộc, có một con đường đắp từ Vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc Lập) thẳng ra ga tàu, đường này được đặt tên là Massimi. Trong 9 năm kháng chiến (1946-1954), quân đội Pháp sử dụng con đường này làm sân bay cho máy bay hạng nhẹ lên xuống, vì thế một thời đường này có tên gọi là đường Tàu Bay. Sau đó lại đổi tên là đường Đinh Văn Tả. Trong những năm 1956-1957, đường Đinh Văn Tả đã được sửa lại thành đường đôi và đổi tên là Hồng Quang. Đường mang tên liệt sĩ cách mạng Hồng Quang, tên thật là Nguyễn Văn Trạch (1918-1941) người xã Hoà Phú, huyện Ứng Hoà (Hà Nội). Liệt sĩ Hồng Quang từng tham gia Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên dân chủ năm 1938; hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Phú Thọ. Ông được Xứ uỷ Bắc Kỳ điều về tham gia Tỉnh uỷ Hải Dương. Năm 1941, liệt sĩ Hồng Quang bị địch bắt đưa về giam ở Hải Dương và hy sinh trong năm này khi vừa tròn 23 tuổi.

Tên đường hay sẽ vun đắp tình yêu quê hương, là niềm tự hào của những người dân ở nơi đó. Những tên đường hay và ý nghĩa sẽ đi vào lịch sử và trở thành một phần trong dấu ấn Thành Đông.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Gợi nhớ từ những tên đường