Hiện việc thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã trong toàn tỉnh chưa thực sự tốt, kết quả chưa toàn diện.
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết việc thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU về “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016-2020” (Đề án 01), trong đó có mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.
Theo báo cáo, từ cuối năm 2018, các địa phương tập trung chỉ đạo sắp xếp Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Đến ngày 31.7.2022, toàn tỉnh có 48 xã, phường, thị trấn đã sắp xếp Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND, chiếm 20,4% tổng số xã, phường, thị trấn. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 là có ít nhất 2 đơn vị Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.
Tuy nhiên, còn duy nhất huyện Cẩm Giàng chưa bố trí Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Đề án 01 được ban hành ngày 29.8.2016 đề ra mục tiêu phấn đấu sau Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025 có từ 30-50% số đơn vị cấp xã sắp xếp Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, nhưng đến nay 10 huyện, thị xã, thành phố không đạt mục tiêu này. Chỉ có 2 địa phương đã đạt mục tiêu là huyện Nam Sách (đạt 42,1%) và TP Chí Linh (31,6%).
Như vậy, việc thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã trong toàn tỉnh chưa thực sự tốt, kết quả chưa toàn diện.
Mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã được đánh giá là bước đầu phát huy hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo của cấp ủy đảng và tổ chức thực hiện của chính quyền, giúp triển khai công việc nhanh hơn, khắc phục tình trạng ỷ lại, trông chờ vào cấp ủy. Vậy tại sao vẫn khó nhân rộng?
Tỉnh ta bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã từ năm 2009. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, tỉnh thực hiện thí điểm mô hình này ở 7 xã, phường, thị trấn nhưng tới đầu năm 2016 chỉ còn 2 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện do 5 địa phương khác có cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác, nhân sự tại chỗ không đáp ứng yêu cầu nên dừng thí điểm. Đến nay, 48 xã, phường, thị trấn đã thực hiện mô hình này. Tuy nhiên, việc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm về mô hình này chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, chủ trương thực hiện mô hình này ở những nơi “có đủ điều kiện” chưa được một số cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa. Một số nơi viện lý do “chưa đủ điều kiện” để không quyết tâm thực hiện, chậm trễ triển khai. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác đào tạo, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm được cả 2 chức danh. Không ít người có đủ tiêu chuẩn 2 chức danh song ngại làm vì thấy công việc nhiều hơn, áp lực lớn hơn so với làm 1 chức danh.
Trong phát biểu kết luận tại Hội nghị tổng kết Đề án 01, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 có 40% số Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã. Như vậy, tới năm 2025, Hải Dương phấn đấu có 94 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện mô hình này, đồng nghĩa với việc từ nay tới lúc ấy cần thêm 46 xã, phường, thị trấn nữa (trong khi vẫn giữ kết quả 48 đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện mô hình hiện nay).
Chỉ còn hơn 2 năm nữa để cố gắng thực hiện mục tiêu nêu trên và kết quả phải gần tương đương với cả thời kỳ trước. Nếu các địa phương không sớm đánh giá, rút kinh nghiệm từ những kết quả, hạn chế, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi thì sẽ rất khó về đích trong thực hiện mô hình này.
NINH TUÂN