Không bắt trẻ em để đòi tiền chuộc, không bán mua, những người phạm tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi đều có câu chuyện riêng khi cố tình chiếm lấy đứa trẻ vốn không thuộc về mình.
Pháp luật luôn đề cao việc bảo vệ trẻ em, cho nên hành vi chiếm đoạt dù với mục đích gì cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Những vụ việc dưới đây cho thấy pháp luật luôn đề cao việc bảo vệ trẻ em nên những hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em luôn bị xử lý nghiêm, cho dù đó là ai, thực hiện với động cơ gì.
Một buổi sáng tháng 4/2020, có hai chiếc ô tô màu trắng dừng lại tại đầu con hẻm ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Năm người xuống xe, xông vào căn phòng trọ nơi có cháu bé 3 tuổi đang ngồi chơi với người nhà rồi bế cháu đi.
Mẹ và bà ngoại vừa tri hô vừa chống trả quyết liệt, ném cả dao vào đầu kẻ bắt cóc. Đuổi một đoạn thì gia đình thấy đứa bé được trao lại cho anh G. là cha của cháu, hai bên cãi nhau kịch liệt. Người dân điện báo công an và tất cả bị đưa về trụ sở làm việc.
Thì ra G. và mẹ cháu bé từng sống chung nhưng không đăng ký kết hôn. Cháu bé sinh ra, đặt tên theo họ mẹ. Nhưng do thời gian chung sống chị thường xuyên bị G. đánh nên khi bé được chừng 2 tuổi thì mẹ và bà ngoại đưa bé đi.
Tìm kiếm nhiều nơi nhưng không được, G. ký hợp đồng thuê dịch vụ của một công ty "khai thác và cung cấp thông tin", nhằm bắt lại cháu bé đưa về gia đình mình nuôi dưỡng. Hai tháng sau công ty này tìm được địa chỉ và xảy ra vụ việc ồn ào kể trên.
Tại tòa, bị cáo ăn năn và cho rằng việc làm của mình xuất phát từ tình phụ tử. Gia đình bị cáo cũng bồi thường cho mẹ cháu 30 triệu đồng, tình nguyện cấp dưỡng mỗi tháng 5 triệu đồng cho đến khi bé đủ 18 tuổi. Mẹ của bé thì tha thiết xin tòa xử giảm nhẹ mức án cho G.
Nhưng tòa nhận định hành vi của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng và sống chung với mẹ ruột, xâm phạm đến quyền được bảo vệ của trẻ em. Các bị cáo đã gây ra tâm lý bất an lo ngại trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an chung tại địa phương.
G. bị xử phạt 2 năm tù. Ba người cùng G. đi bắt con cũng bị phạt mỗi người từ 1 năm 6 tháng đến 1 năm 9 tháng tù.
Tháng 8/2023, Tòa án Nhân dân huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cũng xét xử sơ thẩm một vụ chiếm đoạt người dưới 16 tuổi với nhiều tình tiết ngậm ngùi.
Con trai duy nhất bệnh mất khi mới 31 tuổi, bà M. (54 tuổi) ngày ngày thờ cúng. Ngày cúng giáp năm, con dâu đưa hai đứa cháu từ Bình Dương về. Giỗ xong, con dâu dắt cháu đi thì bà M. kêu phải để lại một đứa cho bà nuôi dưỡng nhưng con dâu không đồng ý.
Bà nắm tay đứa cháu lớn kéo lại, hai bên giằng co. Một vài người họ hàng tới can ngăn nhưng cũng không được. Mẹ chồng, nàng dâu giằng co, giành giật hai đứa trẻ, cuối cùng bà "bắt" được cháu lớn là bé trai 8 tuổi, còn đứa bé mới 2 tuổi thì được mẹ ôm về.
Ba tháng sau, người mẹ báo vụ việc lên công an xã. Chính quyền địa phương nhiều lần đến vận động, giải thích pháp luật, yêu cầu bà giao cháu bé lại cho mẹ ruột nhưng bà không chịu.
Hai tháng sau thì bà M. bị bắt tạm giam 4 tháng rồi bị xét xử. Tại tòa, bà nghẹn ngào nhận lỗi, cho rằng làm vậy cũng chỉ vì thương cháu.
Nhưng tòa xác định hành vi của bà là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền tự do, quyền được đi học, nuôi dưỡng, giáo dục, đồng thời làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bà bị xử phạt 3 năm tù treo và 5 năm thử thách.
Một người phụ nữ ở An Giang vì lòng tốt không đúng cách với đứa trẻ mà cũng dính vào lao lý. Chị N., 34 tuổi, dẫn con đi nhập học, rồi hai mẹ con vào căng tin trường ngồi ăn. Lúc này có bé gái 5 tuổi lang thang một mình đến xin thức ăn.
Hỏi người bán căng tin chị N. biết cháu bé là con của một gia đình ở phía sau trường học, cha mẹ ly hôn, cháu ở với cha nhưng cha suốt ngày say rượu, không chăm sóc, không cho đi học.
Là một người mẹ, nghe vậy chị N. thương cảm, hỏi bé có chịu làm con nuôi cô không, thì bé đồng ý. Vậy là chị N. dẫn bé về nhà mình. Chị chở cháu đi mua quần áo, nói là khi nào gia đình kiếm cháu thì sẽ giao lại.
Cha cháu bé say khướt từ sáng sớm đến tận tối mới nhớ ra con liền đi tìm, rồi báo công an. Qua hôm sau thì chị N. mang cháu "trả" lại.
Tòa án Nhân dân huyện Châu Phú cho rằng chị N. dùng thủ đoạn dụ dỗ làm con nuôi, cho thức ăn, quần áo đẹp để chiếm giữ cháu bé đến ở với mình mà không có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ là vi phạm pháp luật.
Nhưng tòa cũng xét đến sự lơ là, thiếu quan tâm chăm sóc của người thân cháu bé. Do vậy tòa tuyên mức án dưới khung hình phạt là 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo...
Trong nhiều vụ việc khác, người "chiếm đoạt trẻ em" cũng nhận thức rõ sai trái nhưng vì những mục đích cá nhân, họ vẫn làm. Trương Văn X. (34 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) sống chung với chị H. như vợ chồng suốt bốn năm. Sống chung mà tối ngày bị đánh đập nên chị H. bỏ về nhà mẹ ruột.
Một bữa đi chơi ở nhà bà con, thấy có đứa bé 4 tuổi là cháu họ hàng xa của chị H. nên X. chợt nảy ý định giấu cháu bé để buộc chị H. ra gặp nói chuyện, hòng nối lại tình xưa. Chị H. không chịu gặp nên X. đưa cháu đi suốt bốn ngày rồi bị công an bắt. Tòa xử X. 3 năm tù giam.
Chính vì luật pháp luôn đề cao việc bảo vệ trẻ em nên những hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em luôn bị xử lý nghiêm, cho dù người ta thực hiện với động cơ gì.
Một người phụ nữ 28 tuổi, tên P. vì khao khát có con nên tham gia nhóm "cho và nhận con nuôi" trên Facebook. Biết chị Yến Nhi (23 tuổi, ở Gia Lai) sắp sinh nhưng không có điều kiện nuôi nên P. làm quen rồi xin nhận bé về nuôi và được chị Nhi đồng ý.
Khi chị Nhi sinh cháu, P. đi từ Vũng Tàu lên Gia Lai thăm, hỗ trợ 7 triệu đồng để trả viện phí, bồi dưỡng sức khỏe. Hai bên thỏa thuận khi cháu bé được 1 tháng tuổi thì chị Nhi giao con. Nhưng hai tuần sau, người mẹ đổi ý, nhắn tin xin lỗi và hứa trả lại tiền.
Đến ngày đầy tháng, P. lại từ Vũng Tàu lên dự, rồi ở lại phòng trọ chơi. Trưa hôm đó nhân lúc chị Nhi đang ngủ, P. lén ẵm bé ra ngoài đón taxi, đưa cháu đi.
Mẹ cháu tỉnh dậy không thấy con đâu liền báo công an. Ngay tối hôm đó P. bị bắt và sau đó chịu mức án 3 năm tù.
Pháp luật sẽ xử nghiêm hành vi chiếm đoạt trẻ, dù vậy các gia đình cũng cần cảnh giác cao độ trong việc bảo vệ chăm sóc con em mình.
Thời gian vừa qua xảy ra các vụ việc giả làm nhân viên y tế ẵm trẻ sơ sinh ra khỏi bệnh viện gây xôn xao dư luận. Nếu không bị phát hiện, ngăn chặn, những vụ việc này sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn đối với những đứa trẻ và gia đình.
Tòa án Nhân dân huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã xử phạt 3 năm tù một phụ nữ vì giả làm nhân viên y tế đến ẵm đi một bé sơ sinh. Tháng 11/2018, Tòa án Nhân dân huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cũng tuyên phạt một cô gái 19 tuổi người Ba Na 15 tháng tù cho hành vi tương tự...
Theo Tuổi trẻ