Nhiều người vẫn lầm tưởng nghề youtuber là công việc kiếm bộn tiền mà không hề tốn sức, nhưng thực tế lại ẩn chứa những góc khuất mà không phải ai cũng biết.
Cảnh đánh đấm trong nhà nghỉ với lời nói tục tĩu do một nhóm youtuber thực hiện, được đăng tải trên youtube
Hơn 10 năm trở lại đây, khái niệm youtuber (cách nói về những người kiếm tiền trên mạng xã hội youtube) đã không còn xa lạ với các bạn trẻ. Nhiều người vẫn lầm tưởng đây là công việc kiếm bộn tiền mà không hề tốn sức, nhưng thực tế lại ẩn chứa những góc khuất mà không phải ai cũng biết.
Săn view hái tiền
Youtube xuất hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2005 được biết đến là một nền tảng lưu trữ nội dung video lớn nhất thế giới. Do chính sách ăn chia tiền quảng cáo với người dùng khiến số lượng video trên trang website này tăng chóng mặt. Tùy theo lượng người xem, mỗi người cũng có thể được hưởng số tiền quảng cáo lên đến 50% từ việc đăng tải các video này.
Vốn là người đam mê công nghệ, anh Đỗ Sỹ Hùng (35 tuổi) ở phường Văn An (Chí Linh) là một trong những bạn trẻ sớm dấn thân làm nghề youtuber. Công việc hằng ngày của anh Hùng là tìm kiếm những chủ đề hay, hấp dẫn ở nhiều lĩnh vực rồi tự tạo video để đưa lên kênh của mình. Anh Hùng cho biết: “Việc tạo một tài khoản trên youtube khá đơn giản. Tất cả đều được hướng dẫn chi tiết để người dùng dễ dàng sử dụng. Việc còn lại là phải có những video hay, cuốn hút để nhiều người xem. Mỗi video có thời lượng từ vài phút đến vài chục phút được phát trên kênh youtube và sẽ có những đoạn quảng cáo chạy trên đó. Cứ mỗi lượt xem quảng cáo như vậy thì youtuber sẽ được tính tiền”. Hằng tháng, sau khi tổng hợp số lượt theo dõi, kênh youtube sẽ thanh toán tiền cho từng người theo phương thức chuyển khoản. Với phương thức này, một youtuber có thể kiếm được từ vài triệu đồng đến trên 10 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, ngoài tự tạo video để đưa lên youtube, còn có 3hình thức kiếm tiền từ youtube mà các bạn trẻ hay dùng gồm: “xào nấu video” (cách tạo một video từ nhiều video khác), “đưa tin giả mạo” (đưa những thông tin không có thật để thu hút người xem) và “reup” (tải lại video của người khác đã đăng trước đó). Nội dung thông tin được đưa lên kênh youtube cũng khá đa dạng. Từ các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội đến hoạt động đời sống hằng ngày. Cuốn hút nhất vẫn là những nội dung liên quan đến đời sống, thể thao, hoạt động trải nghiệm, trào lưu mới của giới trẻ…
Anh Nguyễn Văn Thắng (27tuổi) ở phường Trần Phú (TPHải Dương) đã tham gia công việc này được 5 năm. Anh Thắng có đam mê là chụp ảnh và đi phượt. Vì vậy, trong mỗi chuyến đi phượt cùng bạn bè, anh Thắng đã sử dụng máy ảnh của mình để ghi lại hành trình và những trải nghiệm thú vị của chuyến đi để chia sẻ lên kênh youtube. Lúc đầu, anh làm công việc này để cho vui. Nhưng sau khi các video của anh đưa lên đã thu hút sự theo dõi của nhiều người và mỗi video như vậy, anh cũng có thêm một khoản thu nhập đáng kể. Từ đó, anh Thắng tham gia thường xuyên hơn.
Những mặt trái
Theo thống kê hằng năm của youtube, mạng xã hội này có hàng tỷ lượt người xem mỗi ngày. Bình quân mỗi phút có thêm 300 giờ video được tải lên. Tất cả số liệu trên đã thể hiện sức hấp dẫn của trang website này. Tuy nhiên, song hành với nó là những mặt trái với nhiều mánh khóe trong nghề youtuber. Vì lợi nhuận, để video của mình thu hút được nhiều lượt người xem, một số bạn trẻ đã không từ thủ đoạn nào.
Anh Hùng chia sẻ thêm, số lượng youtuber ngày càng đông, các đề tài không tránh khỏi sự trùng lặp. Vì thế, nếu không có các chiêu trò thì video sẽ không hút khách. Thậm chí có youtuber sẵn sàng đưa những nội dung không có thật. Thời gian gần đây, trên youtube thường xuyên xuất hiện những video phỏng vấn thực tế về đời sống của giới trẻ. Một số đề tài hay, có định hướng tuyên truyền giúp các bạn trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội, cung cấp nhiều kỹ năng sống. Tuy nhiên cũng có một số đề tài mang nội dung tục tĩu, không đúng chuẩn mực đạo đức. Có trường hợp youtuber còn dàn cảnh đua xe, đòi nợ thuê, bắt cóc, thanh toán bang hội, lừa tình, ăn mặc hở hang, trò đùa lố bịch… gây phản ứng trái chiều trong xã hội.
Ngoài đưa những nội dung không phù hợp lên youtube, một số cá nhân, nhóm youtuber cũng đã gặp phải tai nạn trong quá trình thực hiện video của mình. Cuối năm 2018, một nhóm bạn trẻ ở TP Hải Dương đã làm và đăng tải đoạn video có thời lượng hơn 5 phút với nội dung giả làm dân giang hồ đuổi đánh người khác để xin lửa tại các quán nước. Trong quá trình thực hiện, đã có thành viên trong nhóm bị đánh thật. Trường hợp khác, họ còn đóng vai dân anh chị để giải quyết mâu thuẫn ngoài xã hội và cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Mặc dù đây chỉ là những video mang tính chất giải trí, nhưng các youtuber cũng phải hứng chịu “gạch đá” từ dư luận.
Những năm gần đây, nhu cầu giải trí trong giới trẻ ngày càng tăng. Youtube là một kênh thông tin giải trí được nhiều người lựa chọn với sự đa dạng về các nội dung phản ánh. Việc xuất hiện nhiều youtuber là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, công tác quản lý lĩnh vực này còn bỏ ngỏ khiến nhiều nội dung không phù hợp vẫn được đăng tải.
ĐỨC TÂM