Góc khuất đời sống thể thao. Bài 1: Thèm khát hơi ấm gia đình

06/08/2019 09:07

Còn nhỏ đã phải xa bố mẹ, sống tự lập, đến khi trưởng thành, trở thành vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp lại song hành với những chuyến tập huấn, thi đấu kéo dài...

Huấn luyện viên cử tạ Nguyễn Thị Thiết cùng các học trò trong lần tập huấn tại tỉnh Lào Cai để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao lần thứ VIII

Đánh đổi quá nhiều

Hai mắt chị đỏ hoe, từng dòng nước cứ tuôn ra trên gò má đen sạm vì mưa nắng. Mạnh mẽ, cứng rắn là thế nhưng khi nhắc tới chuyện tình cảm gia đình chị không thể kìm nén được cảm xúc. Chị là Nguyễn Thị Thiết, huấn luyện viên môn cử tạ thuộc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao Hải Dương -người từng đoạt huy chương vàng môn cử tạ ở SEA Games 24 tổ chức tại Thái Lan thời còn là VĐV. “Gần 20 năm theo sự nghiệp thể thao, tôi đã gặt hái được rất nhiều danh hiệu. Có điều, tôi đã phải đánh đổi quá nhiều để có được những danh hiệu ấy. Thiệt thòi nhất là chuyện phải thường xuyên sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm của người thân”, chị Thiết xúc động nói.

Năm 1998, khi vừa tròn 14 tuổi, chị Thiết tạm biệt quê nhà Tiền Tiến (Thanh Hà) lên Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao. Đô cử này được gửi đi tập huấn ở Trường Đại học Từ Sơn (Bắc Ninh) nên rất ít khi có thời gian về thăm gia đình. Năm 2001, chị được gọi vào đội tuyển quốc gia. Vì là VĐV trọng điểm nên chị phải đi tập huấn triền miên. Trong khoảng 10 năm từ 2001-2010, mỗi năm, chị Thiết chỉ tranh thủ về thăm gia đình được 3-4 lần, còn lại phải ở trên đội tuyển hoặc đi tập huấn tại các nước Trung Quốc, Bulgaria... Có năm Tết cũng không được về nhà vì bận đi tập huấn ở nước ngoài. Đã không biết bao nhiêu đêm chị trằn trọc không ngủ, trùm chăn khóc một mình vì nhớ bố mẹ, anh chị em.

Chị Thiết chuyển sang làm huấn luyện viên môn cử tạ tại Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh vào năm 2011. Chị kết hôn vào cuối năm đó. Chồng chị Thiết là bộ đội, công tác ở tỉnh Quảng Ninh nên vợ chồng cũng ít được gặp nhau. “Năm 2012, tôi sinh cháu đầu lòng. Buổi sáng hôm đó tôi vẫn làm việc ở trung tâm như bình thường nhưng đến trưa thì vỡ ối. Chồng không ở nhà, bố mẹ lại ở quê nên lúc đó tôi chỉ biết nhờ mấy em VĐV đưa vào bệnh viện. Lúc vượt cạn, không có người thân bên cạnh, tôi chỉ biết khóc”, chị Thiết ngậm ngùi nhớ lại.

Chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, chị Thiết dẫn quân đi Lào Cai tập huấn 3 tháng. Chị phải để 2 con ở quê cho ông bà nội, ngoại thay nhau chăm sóc. Không ngày nào chị không nhớ đến các con. Nhiều khi nghe tiếng con gọi điện nói “nhớ mẹ lắm, mẹ về với chúng con đi”, mắt chị lại đỏ hoe. 

Mong đoàn tụ

Tập huấn, thi đấu thường xuyên khiến xạ thủ Phạm Thị Hà có rất ít thời gian được ở bên gia đình

Các VĐV thể thao chuyên nghiệp phải thường xuyên xa gia đình trong khoảng thời gian dài. Những chuyến tập huấn, thi đấu ngắn cũng vài tuần, nhiều thì 3-4 tháng. Thậm chí có những VĐV thường xuyên phải sống xa nhà trong suốt hàng chục năm qua. Vì sự nghiệp và tình yêu với nghề, có những VĐV nam chấp nhận không được nhìn con lúc chào đời, có những VĐV nữ đành ngậm ngùi không được ở bên vỗ về, chăm sóc khi con ốm đau. Lúc gia đình, họ mạc có công việc quan trọng họ cũng chẳng mấy khi về được.

Chị Phạm Thị Hà (sinh năm 1979) là VĐV môn bắn súng của tỉnh. Từ năm 2000 đến nay, xạ thủ này gần như dành tất cả thời gian tập luyện nên không mấy khi ở bên gia đình. Chồng và 2 con sống ở TP Hải Dương, còn chị hầu như ở Hà Nội. Nhiều năm nay, cứ đến 29-30 Tết chị mới được về nhà nhưng chỉ mùng 3-4 Tết đã phải lên tập trung cùng đội tuyển. Sinh con thứ hai vừa được 6 tháng, chị gửi con cho chị chồng nuôi bằng sữa ngoài để đi thi đấu. “Chồng, con sinh nhật tôi chẳng có ở nhà. Các cháu ốm đau cũng chỉ biết gọi điện về thăm hỏi, động viên. Nhiều lúc nhìn thấy cảnh các gia đình đoàn tụ, đi chơi với nhau hạnh phúc mà mình thèm khát”, chị Hà chia sẻ.

Ngày còn nhỏ, chị Lê Phương Thảo, thành viên đội tuyển bắn cung tỉnh đã phải sống thiếu thốn tình cảm khi bố mẹ ly hôn. Làm VĐV thể thao chuyên nghiệp 9 năm qua, cung thủ này càng cảm nhận rõ sự trống vắng, thiếu thốn tình cảm gia đình. Những lần tập trung tập huấn và thi đấu cùng đội tuyển quốc gia, thấy các đồng nghiệp được bố mẹ lên tận nơi thăm, động viên làm chị không khỏi chạnh lòng. "Cứ có thời gian là em về thăm mẹ và bà ngoại ở TP Chí Linh. Dù có nói chuyện thường xuyên qua điện thoại thì cũng không bằng được sống trong tình yêu thương của người thân. Em ước bố mẹ sẽ quay lại với nhau để gia đình đoàn tụ", chị Thảo ngậm ngùi.

Thực tế có không ít VĐV vì hoàn cảnh nên phải mang theo con nhỏ đi thi đấu xa nhà. Có VĐV không được chồng và gia đình chồng cảm thông nên phải ngậm ngùi ly hôn... "Thế mà nhiều người ngoài không hiểu, cứ bảo những VĐV thể thao như chúng tôi là sướng, suốt ngày được đi khắp nơi thi đấu, giao lưu chẳng khác nào đi du lịch. Sự thật thì quá thiệt thòi...", một VĐV chia sẻ.

TIẾN MẠNH


Kỳ sau: Hy sinh tuổi thanh xuân

(0) Bình luận
Góc khuất đời sống thể thao. Bài 1: Thèm khát hơi ấm gia đình