Tại cuộc hội thảo, nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM đã được các đại biểu phản ánh, đề xuất tháo gỡ...
Tại hội thảo có nhiều ý kiến xác đáng về vấn đề quy hoạch nông thôn mới
Tại cuộc hội thảo về quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức sáng 21-12, nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM đã được các đại biểu phản ánh, đề xuất tháo gỡ.
Nhiều khó khănÔng Trần Khắc Đoan, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cho rằng, trong quá trình xây dựng NTM, khó khăn nhất là khâu lập và thực hiện quy hoạch. Đây là nội dung quan trọng nhất, tác động mạnh đến kết quả chương trình xây dựng NTM. Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song công tác quy hoạch xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, bất cập. Công tác xây dựng quy hoạch còn chậm, chất lượng quy hoạch thấp, sự phối hợp giữa các ngành chức năng và các địa phương chưa tốt. Năng lực của nhiều đơn vị tư vấn còn hạn chế, chất lượng đồ án quy hoạch chưa cao, phải chỉnh sửa nhiều lần. Tiến độ lập quy hoạch của một số huyện rất chậm như: Ninh Giang (mới có 2 trong tổng số 27 xã hoàn thành), Kim Thành (2 trong tổng số 20 xã), Kinh Môn (5 trong tổng số 22 xã), thị xã Chí Linh (3 trong tổng số 12 xã). Ngay cả những xã đã có quy hoạch được phê duyệt thì chất lượng quy hoạch cũng thấp, sớm bị lạc hậu. Đặc biệt, nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân nhiều nơi về việc lập và thực hiện quy hoạch vẫn nặng tính bảo thủ, thiếu tầm nhìn. Quy hoạch không có tính tổng thể, thiếu sự kết hợp hài hòa giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch khu trung tâm, hạ tầng kinh tế - xã hội, khu sản xuất tập trung, khu thương mại, dịch vụ...
Theo ông Đoan, tâm lý ỷ lại vào Nhà nước và hạn chế về trình độ của đội ngũ cán bộ địa phương cũng ảnh hưởng lớn tới chất lượng quy hoạch. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn làm đồ án quy hoạch NTM chưa được coi trọng. Phần lớn lãnh đạo xã còn phó thác cho đơn vị tư vấn trong công tác quản lý quy hoạch.
Ông Nguyễn Hồng Chương, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình cho rằng, công tác lập và thực hiện quy hoạch xây dựng NTM ở Thái Bình cũng còn nhiều yếu kém. Quy hoạch chung của xã không phù hợp với quy hoạch chung của huyện và vùng, hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước... chưa có sự thống nhất giữa các xã. Vì vậy, tính khả thi kém, hiệu quả thấp. Bên cạnh khó khăn trong quy hoạch, nguồn vốn xây dựng NTM cũng gặp nhiều khó khăn. Tính chung bình, mỗi xã cần 200 tỷ đồng để xây dựng NTM. Tuy nhiên, ba năm qua, mỗi xã mới nhận được khoảng 2,5 tỷ đồng, trong khi đó nguồn ngân sách của các xã rất hạn hẹp, nguồn thu chính chỉ trông chờ vào bán đất, nhưng cũng không thể đáp ứng được yêu cầu. "Trình độ quản lý của cán bộ cơ sở yếu, không am hiểu về chuyên môn xây dựng, không nắm vững nguyên tắc quản lý; một số nơi chưa đủ thủ tục nhưng vẫn tiến hành xây dựng dẫn đến thiếu vốn, nợ nhiều, chất lượng công trình thấp...", ông Chương kết luận.
Theo ông Dương Hữu Nội, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng (Bình Giang), khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM của xã là nguồn vốn lớn, vượt quá khả năng của địa phương. Theo tính toán, để hoàn thành các tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, xã Tân Hồng cần 151 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách xã dự kiến khoảng 74 tỷ đồng, ngân sách đề nghị Trung ương, tỉnh hỗ trợ khoảng 28 tỷ đồng, số vốn còn lại do nhân dân đóng góp và huy động các nguồn khác. Nguồn vốn của xã chủ yếu lấy từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nguồn đất để đấu giá không còn nhiều và vướng Nghị định 42 của Chính phủ. Đời sống của nhân dân xã Tân Hồng còn nhiều khó khăn, nên việc huy động đóng góp của nhân dân chắc chắn không được nhiều. Một số tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điện, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường rất khó thực hiện.
Giải phápÔng Triệu Duy Hiền, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn (Thanh Miện) cho biết, nội dung quy hoạch xây dựng NTM xã Hùng Sơn gồm: Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất và quy hoạch xây dựng. Ngay sau khi được phê duyệt, địa phương đã tổ chức công bố quy hoạch NTM của xã và triển khai lập các quy hoạch chi tiết, triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo đúng quy hoạch. Để thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch, địa phương và đơn vị tư vấn đã khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí xây dựng NTM rất kỹ. Xã đã phát huy dân chủ, tranh thủ được nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch NTM. Để xây dựng thành công NTM, đầu tiên, xã tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa. Đây được coi là khâu đột phá trong xây dựng NTM của địa phương. Khi lựa chọn đúng khâu đột phá, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tích cực, chủ động và quyết liệt. Vì vậy, chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 11 - 2011 đến tháng 1 - 2012), xã Hùng Sơn đã hoàn thành chỉnh trang đồng ruộng, dồn ô đổi thửa. Đây là tiền đề để xã Hùng Sơn dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng như: nhà văn hóa, sân thể thao, nghĩa địa, bãi rác...
Ông Nguyễn Hồng Chương, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình cho rằng, các địa phương phải lựa chọn được đơn vị tư vấn có đủ năng lực, trình độ. Đồ án phải phù hợp với thực tiễn để phát huy hết tiềm năng của từng địa phương. Vốn xây dựng NTM cũng phải được huy động một cách rộng rãi, nhất là của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Cần bảo đảm dân chủ, công khai và minh bạch trong huy động và sử dụng nguồn vốn để tránh những phức tạp sau này...
Còn theo kiến trúc sư Thái Thành Vân, Hội Kiến trúc sư tỉnh Tuyên Quang, cần xem xét lại một số tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Các xã khó khăn về nguồn vốn không nhất thiết phải thực hiện đồng loạt các tiêu chí. Cần tập trung vào những tiêu chí dễ thực hiện để tạo nền tảng và động lực cho người dân. Đối với những xã miền núi, nguồn vốn chủ yếu trông vào ngân sách nhà nước, vì vậy cần lồng ghép việc thực hiện các tiêu chí NTM trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội...
VỊ THỦY