Sản xuất sạch là chìa khóa để mở "cánh cửa" nông nghiệp hiện đại, giúp ngành nông nghiệp có thể tháo gỡ những khó khăn đang phải đối mặt nhưng hiện vẫn còn nhiều rảo cản.
Nguồn nước phục vụ sản xuất bị ô nhiễm là một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất nông nghiệp sạch gặp khó
Năm 2016, anh Nguyễn Trọng Quyết ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) ký kết hợp đồng xuất khẩu hành tươi sang Nhật Bản. Đây là cơ hội nhưng cũng là áp lực lớn đối với anh vì yêu cầu khắt khe từ phía đối tác. Anh Quyết cho biết: "Bắt tay vào thực hiện, tôi mới thấy hết những khó khăn gặp phải. Sản xuất sạch không hề đơn giản như tôi nghĩ". Kiến thức được tích lũy trong thời gian tham quan, học hỏi các mô hình nông nghiệp sạch ở trong nước và nước ngoài không đủ để anh khắc phục những bất cập về điều kiện sản xuất. Do trước đó người dân canh tác thiếu bền vững, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên đất cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng. Nguồn nước phục vụ sản xuất bị ô nhiễm nhiều năm, không bảo đảm tiêu chí sản xuất sạch. Anh Quyết phải mất 2 năm mới có thể cải tạo được 1 ha đất canh tác và xử lý chất lượng nước tưới nhưng cũng mới chỉ đáp ứng được cơ bản các đòi hỏi từ phía bạn hàng, bởi trong quá trình sản xuất còn phát sinh nhiều vấn đề khác.
Ngoài những khó khăn về điều kiện sản xuất, những yếu tố kỹ thuật cũng là vướng mắc lớn đối với sản xuất sạch. Là địa phương có truyền thống thâm canh rau màu nên xã Phạm Kha (Thanh Miện) được lựa chọn làm điểm để ứng dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Song từ thời điểm bắt đầu sản xuất đến khi được cấp chứng nhận là cả một thời gian dài cố gắng của cơ quan chuyên môn. Theo ông Vũ Viết Khang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, sản xuất sạch đòi hỏi các hộ dân phải ghi chép nhật ký sản xuất cụ thể. Việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật phải đúng liều lượng cho phép và thời gian cách ly. Trong khi đó, người dân đã quen với lối canh tác truyền thống, chỉ chú trọng tới số lượng chứ không quan tâm tới chất lượng sản phẩm. "Chúng tôi phải tuyên truyền, vận động rất vất vả mới có thể thay đổi được nhận thức của người dân trong sản xuất. Nhưng không phải hộ nào cũng tuân thủ chặt chẽ các quy định về sản xuất sạch. Chỉ cần 1 hộ làm sai kỹ thuật thì tất cả lại trở về con số 0. Chính vì vậy, vùng sản xuất rau sạch đạt chuẩn VietGAP của xã chỉ có thể duy trì chứ rất khó mở rộng", ông Khang nói.
Thay đổi tư duy sản xuất của người dân là giải pháp bền vững để nông nghiệp sạch phát triển
Sản xuất sạch là xu hướng phát triển tất yếu của nông nghiệp trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Mặc dù vậy, các điều kiện để phục vụ cho sản xuất sạch hiện nay vẫn chưa đồng bộ, thậm chí còn cản trở nông nghiệp sạch phát triển. Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, muốn gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp sạch phải bắt đầu từ nguyên nhân gây ra khó khăn. Phải thay đổi được tư duy sản xuất của nông dân, giúp người dân nhận thức được rằng chỉ có sản xuất sạch mới có thể nâng cao giá trị kinh tế. Từ đó, người dân sẽ có ý thức khai thác và sử dụng các tư liệu sản xuất hợp lý, hiệu quả. Đây là giải pháp bền vững, cần có thời gian dài để thực hiện. Trước mắt, để có thể bắt kịp với xu hướng sản xuất sạch, các địa phương cần lựa chọn những khu vực có điều kiện sản xuất tương đối bảo đảm nhằm rút ngắn thời gian cải tạo điều kiện canh tác. Đồng thời phải đặt ra mục tiêu thực hiện rõ ràng, sản xuất phải được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP như BasicGAP, VietGAP, GlobalGAP... Có như vậy, sản phẩm mới có giá trị cao khi tiêu thụ.
DŨNG CƯỜNG