Mấy tháng qua, người chăn nuôi trong tỉnh lao đao vì giá lợn xuống thấp, có thời điểm chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg lợn hơi.
Nhiều hộ chấp nhận lỗ từ 1-1,5 triệu đồng/con lợn sau nhiều tháng chăn nuôi. Nguyên nhân chính được ngành chức năng lý giải là do Trung Quốc giảm thu mua lợn.
Ðây không phải lần đầu tiên nông dân điêu đứng vì việc thu mua nông sản của Trung Quốc. Trước đó, đã có nhiều bài học, dễ thấy nhất là việc tiêu thụ vải thiều, dưa hấu sang thị trường này. Biết nhưng vẫn đi vào “vết xe đổ”, vẫn tiếp tục vấp ngã.
Ai cũng biết việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường tuân theo quy luật cung - cầu. Cái khó của nông dân là không xác định, không dự đoán được chính xác diễn biến của thị trường. Việc phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc đã khiến không chỉ ngành chăn nuôi mà cả trồng trọt của tỉnh ta gặp nhiều rủi ro.
Gần đây, chúng ta đã có nhiều biện pháp để giảm bớt nguy cơ rủi ro trong tiêu thụ nông sản bằng việc mở rộng thị trường tiêu thụ một số nông sản tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, nổi bật nhất là việc ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đưa vải thiều đến với thị trường Mỹ, Australia và một số nước châu Âu. Người trồng vải trong tỉnh cũng quan tâm hơn đến việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Đây là hướng đi đúng.
Liệu chúng ta có làm được như vậy với ngành chăn nuôi? Từ nhiều năm nay, tỉnh ta đã quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn, từng bước đưa các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra xa khu dân cư. Ngành chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, nông dân vẫn chưa tuân thủ triệt để định hướng này.
Việc chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn tồn tại, thậm chí có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân nông thôn mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư nên nhiều nông dân không đầu tư đồng bộ cho xây dựng chuồng trại. Tâm lý thấy thời điểm này lợn được giá, tiêu thụ nhiều thì lao vào nuôi không tính toán trước sau rất dễ đẩy nông dân vào tình cảnh thua lỗ khi thị trường chững lại như hiện nay. Việc không tuân thủ quy định an toàn trong sản xuất, vì lợi nhuận mà cố tình sử dụng chất cấm cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm chăn nuôi không giữ được chỗ đứng trong thị trường.
Báo chí đưa tin trong khi hàng triệu tấn thịt lợn của nông dân đang ế thì nhiều siêu thị trong nước vẫn nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài về bán càng khiến nông dân thêm khó khăn.
Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn của tỉnh ta nói riêng vốn dĩ gặp nhiều khó khăn khi thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nay lại thêm khó bởi diễn biến thất thường của thị trường. Ðể tình trạng này không tái diễn, đã đến lúc cần siết chặt việc thực hiện quy hoạch chăn nuôi, kiên quyết đưa chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư. Chỉ có sản xuất tập trung quy mô lớn mới có thể giúp người chăn nuôi đầu tư đồng bộ, hiệu quả.
Cần triệt để áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để cho ra sản phẩm chăn nuôi sạch, tạo cơ hội đưa sản phẩm chăn nuôi đến nhiều thị trường thay vì phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc.
Và cuối cùng, để ủng hộ người chăn nuôi, ngoài việc thực hiện phương châm “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chính quyền các địa phương, các ngành chức năng nên có đội ngũ chuyên gia để nắm bắt, phân tích diễn biến thị trường, đưa ra dự báo xu hướng phát triển, giúp nông dân xác định quy mô và thời điểm chăn nuôi phù hợp, hạn chế rủi ro.
HOÀI ANH