Bệnh tự kỷ hay gọi chính xác hơn là “hội chứng tự kỷ” là một trong những hội chứng rối loạn phát triển ở trẻ em.
Trẻ mắc hội chứng tự kỷ hầu như không chia sẻ cảm xúc, tình cảm với mọi người, không mấy quan tâm tới những hoạt động xung quanh chúng. Chúng không thích chơi đùa với bạn bè cùng trang lứa mà chỉ thích chơi một mình, không có khả năng tạo các trò chơi, chỉ theo một mô típ nhất định, lặp đi lặp lại. Đặc biệt, trẻ tự kỷ rất "nghiền" các chương trình quảng cáo trên ti-vi... Trẻ mắc phải hội chứng tự kỷ để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Để giúp con em mình tránh xa hội chứng tự kỷ, các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt một số nội dung sau: Loại bỏ mọi lo âu, buồn bực, căng thẳng trong thời gian mang thai. Nếu trong thời gian mang thai, người mẹ chịu những áp lực tâm lý căng thẳng, lo âu, buồn bực thì đứa trẻ sinh ra sau này có nhiều biến chứng tâm lý và thể chất. Do vậy, muốn con cái phát triển khỏe mạnh, bình thường, trong thời gian mang thai, bản thân người mẹ phải luôn chủ động trong sinh hoạt, ăn uống hợp lý, đủ chất, đặc biệt cần hạn chế tối đa những tác động tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới tinh thần. Phải luôn giữ thái độ sống lạc quan, vui vẻ, tâm lý ổn định, luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp. Việc tham gia những lớp học dành cho bà bầu rất tốt để người mẹ có những hướng dẫn, hiểu biết cần thiết trong việc chăm sóc thai nhi, tránh được những điều không tốt. Đồng thời, người chồng cũng cần tạo ra môi trường thoải mái, hạnh phúc trong gia đình suốt thời gian mang thai và những năm tháng sau này để trẻ thực sự có điều kiện lý tưởng nói không với hội chứng tự kỷ.
Hạn chế tối đa sự tác động tới thai nhi khi không cần thiết. Sự tác động ở đây muốn nói tới việc can thiệp của y tế như: Mổ đẻ, thuốc kháng sinh... Một đứa trẻ được sinh ra bình thường, tự nhiên luôn có sự tiếp nhận thay đổi từ từ của môi trường, sự nhẹ nhàng, ấm áp khi lọt lòng. Còn với những đứa trẻ sinh bằng con đường mổ đẻ, với sự mạnh bạo của người làm, sự lạnh lẽo của dao kéo, sự thay đổi đột ngột của môi trường khiến trẻ có những phản ứng không bình thường ngay từ đầu. Ngay cả với những đứa trẻ vì lý do nào đó sinh không đủ ngày, tháng, phải nuôi trong lồng ấp, ngay môi trường ban đầu trẻ đã chịu sự lạnh lùng, tách biệt với môi trường xung quanh, thiếu sự trò chuyện, âu yếm của người mẹ. Tất cả những điều đó đều không tốt với trẻ, có thể là căn nguyên dẫn tới hội chứng tự kỷ ở trẻ.
Giải tỏa mọi cảm xúc, cân bằng trạng thái tâm lý. Trong thời gian mang thai, người mẹ chịu nhiều áp lực tâm lý căng thắng, lo âu mà không tìm cách giải tỏa, cân bằng, cứ cố kìm nén cảm xúc sẽ rất có hại tới sự phát triển bình thường của thai nhi và trực tiếp ảnh hưởng tới đứa trẻ sau này. Do vậy, trong thời gian mang thai, người mẹ không nên kìm nén cảm xúc, cần biết cách tránh và cố gắng giải tỏa mọi ưu tư, phiền muội, hãy nghĩ những điều tốt đẹp cho con mình.
Hãy luôn là thầy thuốc của con mình. Khi thấy con mình mắc hội chứng tự kỷ, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh xem xét, cân nhắc và tìm ra liệu pháp tốt nhất để chữa trị cho con mình. Nhưng liều thuốc tốt nhất, hữu hiệu nhất chính là tình cảm, sự quan tâm, kiên trì dạy dỗ của cha mẹ để giúp trẻ thoát khỏi chứng bệnh không mong muốn đó. Khi trẻ mắc chứng bệnh này, ngoài việc phối hợp với các trung tâm điều trị thì cha mẹ phải xác định và làm tốt vai trò là người thầy thuốc trong việc từng bước giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống, dạy trẻ những cảm xúc, kỹ năng, lấy lại những ham muốn, nhiệt huyết với cuộc sống...
PHẠM XUÂN THÔNG