Hiểu rõ lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh ta đã bố trí phòng vắt sữa bảo đảm an toàn cho nữ công nhân.
Công nhân nữ tham khảo thông tin tại phòng vắt trữ sữa của Công ty TNHH Quốc tế Jaguar Hà Nội
Từ thực tế
Ở các doanh nghiệp may mặc, da giày, lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, tỷ lệ lao động nữ luôn chiếm số đông, nhất là lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Theo quy định của pháp luật, lao động nữ sau thời gian sinh con 6 tháng sẽ trở lại làm việc và được về cho con bú giữa buổi. Nhưng theo quy định của các doanh nghiệp, công nhân phải làm đủ thời gian sản xuất mới được về hoặc do làm xa nhà nên nữ công nhân có con nhỏ sẽ không thể về cho con bú giữa buổi. Nếu công ty không có phòng vắt trữ sữa, hầu hết chị em sẽ phải vắt bỏ sữa đi. Từ thực tế này, một số doanh nghiệp ở tỉnh ta đã quan tâm xây dựng phòng vắt trữ sữa cho nữ công nhân. Điển hình như các Công ty TNHH: Quốc tế Jaguar Hà Nội, Công nghiệp Brother Việt Nam, Máy Brother Việt Nam, Hitachi Cable Việt Nam, Haivina, Điện tử UMC Việt Nam...
Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (khu công nghiệp Phúc Điền, Cẩm Giàng) luôn có hàng nghìn lao động nữ, phần lớn là nữ công nhân trong độ tuổi sinh nở. Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân, công ty đã xây dựng phòng vắt trữ sữa. Sau đó, thấy còn nhiều chị em có nhu cầu nên đến tháng 10.2018, công ty tiếp tục bố trí thêm một phòng vắt trữ sữa nữa. Doanh nghiệp này xây dựng rõ quy trình để chị em sử dụng phòng vắt trữ sữa an toàn, hiệu quả. Các chị có con nhỏ đăng ký với Trạm Y tế của công ty. Sau đó, mọi người sẽ được phát thẻ sử dụng phòng kèm theo các trang thiết bị như tủ cá nhân và hướng dẫn nội quy chung.
Anh Nguyễn Tiến Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Quốc tế Jaguar Hà Nội (khu công nghiệp Tân Trường, Cẩm Giàng) cho biết trước đây khi công ty chưa có phòng vắt trữ sữa, những chị em nuôi con nhỏ thường vắt bỏ sữa trong nhà vệ sinh. Sau khi hiện tượng này diễn ra thường xuyên, doanh nghiệp đã bố trí phòng vắt trữ sữa cho các chị vào tháng 6.2019. Phòng này được trang bị đầy đủ máy vắt sữa, bình đựng và tủ lạnh trữ sữa, có áp phích, sách hướng dẫn quy trình vắt sữa bảo đảm an toàn vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn cho cả mẹ và bé.
Thiết thực
Sau khi đi vào hoạt động, phòng vắt trữ sữa đã mang lại hiệu quả thiết thực. Theo ghi nhận của Công đoàn Công ty TNHH Quốc tế Jaguar Hà Nội, hằng ngày có từ 10-15 chị em sử dụng phòng vắt trữ sữa. Chị Chu Thị Bảy có con hơn 7 tháng tuổi cho biết từ ngày đi làm trở lại được hơn 1 tháng nay, ngày nào chị cũng sử dụng phòng vắt trữ sữa. "Tôi thường tranh thủ vắt sữa vào các buổi trưa hằng ngày. Sau đó, mang về hâm lại cho con bú. Việc này rất thiết thực vì cháu bé nhà tôi không uống sữa ngoài mà chỉ ăn sữa mẹ".
Hiện mỗi ngày có gần 200 nữ công nhân của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam sử dụng phòng vắt trữ sữa tại công ty. Ngoài giờ nghỉ theo quy định, chị em còn được công ty bố trí thêm 15 phút sau giờ nghỉ giải lao (2 lần/ca làm việc) để vắt trữ sữa. Đang có con nhỏ trong thời gian bú mẹ nên ngày nào chị Đào Thùy Ninh cũng sử dụng phòng vắt trữ sữa của công ty. Chị Ninh cho biết nó rất thiết thực vì giúp giữ được nguồn sữa mẹ sạch sẽ, an toàn.
Bác sĩ Phạm Thị Tú Anh, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển hài hòa. Do đó, việc các doanh nghiệp bố trí phòng vắt trữ sữa cho công nhân là rất thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên, bác sĩ Tú Anh cũng khuyến cáo doanh nghiệp cũng như công nhân phải tuân thủ nguyên tắc bảo quản sữa mẹ để không ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Nữ công nhân cần chú ý sữa mẹ sau khi đã được bảo quản trước khi con ăn cần làm ấm bằng cách ngâm nước nóng, tuyệt đối không đun lại trực tiếp hoặc dùng lò vi sóng.
THANH NGA