Dù phải sắp xếp lại, cho công nhân nghỉ việc nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nỗ lực bảo đảm một phần thu nhập cho người lao động.
Đã thông báo ngừng hoạt động trong 6 tháng nhưng Công ty TNHH Embossa Việt Nam (TP Hải Dương) cho biết khi khôi phục sản xuất sẽ nhận lại người lao động và bảo đảm giữ nguyên mức lương
Nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải cắt giảm, điều tiết, cho lao động nghỉ việc do tình hình sản xuất, kinh doanh xấu đi. Nhưng hầu hết DN đều muốn giữ chân, bảo đảm chế độ cho người lao động (NLĐ) để đủ nhân lực khi sản xuất, kinh doanh phục hồi.
Doanh nghiệp vẫn mong giữ chân người lao động
Những ngày gần đây, khá nhiều công ty cho công nhân nghỉ việc tạm thời hoặc nghỉ việc luân phiên, trong đó có không ít DN sử dụng hàng nghìn công nhân. Hầu hết các DN đều bảo đảm trả lương cho NLĐ trong những ngày nghỉ làm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso ở khu công nghiệp Nam Sách (TP Hải Dương) có gần 3.000 công nhân. Công ty đã quyết định cho công nhân nghỉ luân phiên từ ngày 6.4 - 24.4 do việc ít. Trong những ngày nghỉ việc, công ty vẫn trả cho công nhân 70% tiền lương (tính cả tiền phụ cấp), bảo đảm cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, nhiều DN cho số đông công nhân, lao động nghỉ việc khoảng nửa tháng trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội như Công ty TNHH May mặc Makalot Việt Nam (hơn 5.000 người), Công ty CP May Hải Anh (gần 3.000 người), Công ty TNHH May Mayfair (hơn 800 người). Tất cả những công ty này đều trả lương cho NLĐ trong những ngày nghỉ theo đúng quy định, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Công ty TNHH Embossa Việt Nam (TP Hải Dương) đã thông báo dừng hoạt động trong vòng 6 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10.2020) do không ký được đơn hàng mới. DN này có khoảng 500 người. "Trong thời gian đóng cửa tạm thời, công ty rất tiếc không thể trả lương cho nhân viên. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch Covid-19 giảm đi và tình hình đơn đặt hàng được cải thiện, nhà máy sẽ hoạt động trở lại. Ngay cả khi bạn viết đơn xin nghỉ việc, chúng tôi hứa khi công ty trở lại hoạt động, nếu các bạn có nhu cầu quay trở lại công ty làm việc, công ty sẽ tiếp nhận và duy trì mức lương hiện tại của bạn", thông báo của công ty nêu rõ.
Không chỉ những DN lớn mà nhiều DN nhỏ cũng cố gắng bảo đảm chế độ cho NLĐ trong phạm vi có thể. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 2, Công ty CP Dịch vụ thương mại Tân Việt Phát (Thanh Hà) đã phải cho 15 nhân viên nghỉ việc. Mặc dù chưa biết đến bao giờ công ty mới có thể tiếp tục hoạt động trở lại nhưng anh Vũ Văn Tuấn, Giám đốc công ty vẫn quyết định tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho những người này trong thời gian nghỉ việc.
Nhà nước cần nhanh chóng triển khai hỗ trợ
Theo số liệu khảo sát liên ngành của tỉnh vào cuối tháng 3 vừa qua tại 190 DN sử dụng đông công nhân, lao động cho thấy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 1.892 lao động trong tỉnh phải thôi việc. Hiện nay, con số này đã tăng lên nhiều. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, kinh tế trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, dự báo số lượng NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Anh Phùng Tuấn Minh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Falcon Việt Nam cho rằng theo tình hình hiện nay những công ty có nhiều đơn hàng xuất sang Mỹ, châu Âu... sẽ bị ảnh hưởng nhiều, rất khó để ký các đơn hàng mới. Đối với những công ty không thể xoay sang hướng kinh doanh khác thì phải cho công nhân tạm thời ngừng việc. Những DN đông công nhân nếu phải cho nghỉ việc thì chỉ có thể trả lương trong thời gian ngắn chứ cũng không thể duy trì trong thời gian dài được. Do đó, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng trong thời gian này đối với DN và NLĐ rất cần thiết.
Ngày 9.4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do DN gặp khó khăn bởi đại dịch được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng (thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng). NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng (tối đa không quá 3 tháng). DN và NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch đủ điều kiện sẽ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất, thời gian tối đa không quá 12 tháng.
Người sử dụng lao động khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ theo khoản 3 điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1.4 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng, tùy theo tình hình thực tế diễn biến của dịch nhưng không quá 3 tháng...
Những chính sách hỗ trợ cần được triển khai nhanh chóng để doanh nghiệp và NLĐ được khích lệ thêm về tinh thần và có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn do đại dịch.
THANH NGA