Giúp người lao động tự bảo vệ mình

01/06/2016 08:14

Lợi dụng việc người lao động thiếu hiểu biết pháp luật, nhiều chủ sử dụng lao động đã vi phạm để trục lợi.



Nhân viên Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh phát tờ rơi kiến thức pháp luật cho công nhân lao động


Hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật của công đoàn đã giúp người lao động có kiến thức để tự bảo vệ quyền lợi cho mình.

Bảo đảm quyền lợi

Chị Phạm Thị Hương đã làm việc ở Công ty TNHH May mặc Makaklot Việt Nam (TP Hải Dương) hơn 8 năm. Hằng ngày, chị phải đi quãng đường hơn 10 km từ huyện Tứ Kỳ đến công ty làm việc. Vào những ngày tăng ca, nhất là mùa đông, chị thường về nhà rất muộn. Chính vì vậy, tháng 8-2015, chị Hương đã làm đơn xin nghỉ việc theo đúng quy định. Chị Hương cho biết: "Sau hơn 7 tháng xin nghỉ và được công ty đồng ý cho nghỉ việc nhưng công ty lại không ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với tôi. Công ty cũng không chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội". Chị Hương rất bức xúc, bởi chị cần có sổ bảo hiểm xã hội để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trước khi chị tìm được một công việc mới. Chị đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh nhờ can thiệp. Tại đây, chị được nhân viên của trung tâm hướng dẫn cách làm đơn gửi lên cơ quan chức năng. Sau đó, chị Hương lên gặp cán bộ phụ trách của công ty để "nói lý". Kết quả, chị đã nhận lại được sổ bảo hiểm xã hội của mình.

Anh Phùng Danh Xuyền làm y tá tại Trạm Y tế xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Trong suốt quá trình làm việc, anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có bất kỳ vi phạm nào. Vừa qua, anh nhận được thông tin mình sẽ bị điều chuyển công tác đến nơi làm khác mà không có lý do chính đáng. "Chúng tôi đã tư vấn cho anh Xuyền những điều khoản mà pháp luật quy định để chứng minh việc điều chuyển công tác đối với anh là sai. Đồng thời hướng dẫn anh cách làm đơn gửi lên cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết", bà Tống Thị Thoa, tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh cho biết. Theo sự hướng dẫn ấy, anh Xuyền đã làm đơn gửi lên cơ quan chức năng. Đến nay sau hơn 2 tháng xảy ra sự việc, cấp trên vẫn để anh tiếp tục làm việc tại Trạm Y tế xã Phạm Trấn.  

Nỗ lực tuyên truyền

Đến nay, trong hệ thống công đoàn toàn tỉnh có 1 trung tâm tư vấn pháp luật và 20 tổ tư vấn tại các công đoàn cấp trên cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, các đơn vị này đã tư vấn trực tiếp và qua điện thoại cho hơn 2.500 công nhân lao động (CNLĐ). Nội dung người lao động hỏi tập trung vào các chính sách, chế độ lao động.

Ngoài ra các cấp công đoàn còn tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho CNLĐ. Riêng năm 2015, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2.423 buổi tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... cho hơn 240.000 công nhân, viên chức, lao động.

Thực tế hiện nay tình trạng vi phạm quyền lợi đối với người lao động phần lớn diễn ra tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đây là địa bàn khó tiếp cận vì hầu hết cán bộ công đoàn cơ sở là người của doanh nghiệp kiêm nhiệm. Mặt khác, CNLĐ luôn phải làm việc bảo đảm tiến độ sản xuất nên rất ít có cơ hội được tiếp cận các kiến thức pháp luật. Chính vì vậy, các cán bộ công đoàn đã phải thường xuyên đổi mới công tác tư vấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật. Theo bà Nguyễn Thị Láng, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, thời gian tuyên truyền tập trung vào thứ 7, chủ nhật, thậm chí vào những giờ giải lao giữa trưa của công nhân hoặc giờ tan tầm buổi tối. Các buổi tuyên truyền có thể tổ chức trong hội trường, nhà ăn, nhà xưởng, hành lang công ty. Hình thức tuyên truyền đa dạng như câu hỏi trắc nghiệm, sân khấu hóa, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nên người lao động dễ tiếp thu. Tất cả cán bộ công đoàn làm công tác tư vấn, tuyên truyền pháp luật đều sẵn sàng chia sẻ số điện thoại của mình để CNLĐ có thể gọi bất cứ khi nào cần...

Công tác tư vấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật sẽ giúp CNLĐ nâng cao hiểu biết để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động, nhất là biết cách bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm. Những khúc mắc giữa các bên nếu được tháo gỡ kịp thời sẽ hạn chế tối đa mọi tranh chấp lao động, đình công. Đây chính là lý do để các đơn vị cần tích cực phối hợp đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người lao động. Các cấp công đoàn tích cực tham mưu đề xuất với cơ quan chức năng, chủ doanh nghiệp đầu tư thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác tư vấn, tuyên truyền pháp luật.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Giúp người lao động tự bảo vệ mình