Giúp người lao động nắm vững pháp luật

02/07/2012 08:55

Công đoàn các cấp phải quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật cho công nhân để họ tự bảo vệ mình.


Tại mỗi đầu máy, Công ty TNHH Đồng Tâm treo cuốn “Một số vấn đề người lao động cần biết”
để công nhân tham khảo


Anh Đặng Khắc Đài là công nhân Công ty Poshaco (Cẩm Giàng). Ngày 5-5-2012, trong lúc đang làm việc, anh bị tai nạn lao động dẫn đến thiệt mạng. Sau khi anh Đài mất, phía Công ty Poshaco không đền bù gì với lý do anh Đài mới đến làm việc tại công ty được 6 tháng (tính cả 2 tháng thử việc).  Trước đó, anh Đài đã làm ở 3 công ty khác và đóng bảo hiểm xã hội 13 năm. Khi đến làm ở Công ty Poshaco, anh Đài không được ký hợp đồng lao động với Công ty đó, mà chỉ có 1 văn bản “Thỏa thuận lương, phúc lợi và mô tả công việc”.

Anh Đặng Khắc Đoài (em trai anh Đài) đến Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh nhờ tư vấn đòi quyền lợi cho anh Đài. Nhận thấy đây là một hiện tượng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động đối với công nhân, cán bộ LĐLĐ tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn anh Đoài làm thủ tục đòi Công ty Poshaco bồi thường quyền lợi chính đáng cho anh trai mình. Sau khi nắm được các thủ tục cần thiết theo pháp luật, gia đình và người thân của anh Đài đã đến Công ty Poshaco làm việc. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Công ty Poshaco đã chấp nhận thỏa thuận với phía gia đình anh Đài như thanh toán tiền mai táng phí 50 triệu đồng, tiền hỗ trợ nuôi các con anh Đài trị giá 200 triệu đồng.

Ngày 12-3-2012, chị Đậu Thị Tâm gửi đơn đến LĐLĐ tỉnh phản ánh: Tháng 10-2011, chị vào làm việc tại Công ty TNHH Iriso Việt Nam. Ngày 20-2-2012, do bị ốm chị đã ngất trong khi đang làm việc tại công ty. Sau đó, chị phải nhập viện điều trị. Khỏi bệnh, chị trở lại công ty mới biết mình đã có quyết định buộc thôi việc với lý do nghỉ việc không thông báo. Điều kiện của công ty đưa ra là sau khi ốm ba ngày công nhân phải nộp giấy chứng nhận của bệnh viện. Với trường hợp của chị Tâm, dù bị ngất trong khi làm việc cũng không có ngoại lệ. Không chỉ buộc chị Tâm  thôi việc, Công ty Iriso không thanh toán tiền lương và tiền làm thêm giờ trước đó mà công ty còn nợ chị Tâm. Trước hoàn cảnh của chị Tâm, LĐLĐ tỉnh đã tư vấn pháp luật, giúp đỡ chị làm những thủ tục cần thiết để đòi công ty trả quyền lợi. Sau đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo Công đoàn Các khu công nghiệp trực tiếp đến làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Iriso Việt Nam đòi quyền lợi cho chị Tâm. Kết quả, công ty mời chị Tâm trở lại làm việc và thanh toán 2,5 triệu đồng, bao gồm tiền lương và tiền làm thêm giờ của chị trước đó.

Hằng ngày, Công ty TNHH Đồng Tâm (TP Hải Dương) đều đặt mua báo Lao Động dán vào bảng tin công ty để công nhân đọc. Mỗi khi có những chính sách mới liên quan đến người lao động (NLĐ) như nâng lương tối thiểu, quy định thời gian làm thêm, chế độ thai sản... công ty đều tuyên truyền qua hệ thống loa nội bộ, mỗi ngày khoảng 30 phút vào cuối buổi chiều. Để nâng cao hiểu biết, nhận thức của NLĐ về quyền và nghĩa vụ của mình, công ty treo tại mỗi đầu máy khâu 1 cuốn sổ tay “Một số vấn đề NLĐ cần biết”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những điều, khoản liên quan đến NLĐ, hai năm trở lại đây, Công đoàn công ty không phải giải quyết bất kỳ thắc mắc nào của công nhân. Chị Nguyễn Thị Phương (công nhân may tổ 1) cho biết: Qua những cách tuyên truyền của công ty, tôi nắm được khá rõ những điều luật liên quan đến công việc của mình. Bạn bè, công nhân có thắc mắc gì về chế độ chính sách tôi đều kịp thời giải thích.


Cán bộ công đoàn phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật về lao động tại Công ty TNHH Trấn An
(TP Hải Dương)


Bà Nguyễn Thị Láng, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh cho biết: “LĐLĐ tỉnh thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật lao động, các chính sách liên quan đến công nhân, lao động. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cán bộ LĐLĐ tỉnh trực tiếp đến các khu nhà trọ của công nhân vào buổi tối, những ngày thứ  bảy, chủ nhật là thời điểm công nhân nghỉ làm. LĐLĐ tỉnh đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho công nhân lao động như: tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị, các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn và công nhân; tuyên truyền qua các buổi giao lưu, lễ kỷ niệm; tuyên truyền thông qua giải quyết tranh chấp lao động tập thể; thông qua tư vấn pháp luật; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... Từ đầu năm đến nay, Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, LĐLĐ các huyện Kim Thành, Nam Sách, Ninh Giang, Bình Giang và TP Hải Dương tổ chức 8 buổi tuyên truyền PBGDPL cho NLĐ, nội dung tập trung vào các luật, bộ luật: Lao động, Bảo hiểm xã hội, Giao thông đường bộ, Bình đẳng giới; Phòng, chống ma túy... Ngoài ra, đã phát trên 2.000 tờ gấp tuyên truyền cho công nhân tại TP Hải Dương và các khu công nghiệp. LĐLĐ huyện Nam Sách cung cấp 12 bộ tài liệu tuyên truyền cho 12  doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn hiện tượng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của NLĐ. Điều kiện sống và làm việc của công nhân ở một số doanh nghiệp chưa được quan tâm... Từ năm 2011 đến nay, đã xảy ra 24 vụ đình công, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thu nhập quá thấp so với cường độ, thời gian mà NLĐ phải bỏ ra; người sử dụng lao động chưa chấp hành nghiêm pháp luật lao động, chưa quan tâm đến lợi ích của NLĐ... Điều này đòi hỏi công đoàn các cấp phải quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tư vấn pháp luật cho công nhân, hướng đến mục tiêu tuyên truyền cho người lao động nắm được luật để tự bảo vệ mình.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Giúp người lao động nắm vững pháp luật