Giúp người dân thoát nghèo

05/09/2020 06:58

Thời gian qua, Hải Dương đã triển khai nhiều chính sách thiết thực giúp người nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.


Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp gia đình chị Nguyễn Thị Lành ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn) vươn lên thoát nghèo

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hải Dương luôn quan tâm bảo đảm các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người nghèo, cận nghèo. Tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách thiết thực giúp người nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. 

Hỗ trợ phát triển kinh tế

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã chú trọng hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế. Các địa phương phân chia hộ nghèo, cận nghèo thành các nhóm để có sự hỗ trợ phù hợp. Một biện pháp hỗ trợ hiệu quả là cho vay vốn phát triển kinh tế đối với những người còn đủ sức khỏe, đủ khả năng phát triển. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho khoảng 70.323 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay tổng số tiền hơn 2.697 tỷ đồng; cho 75 hộ nghèo, cận nghèo vay hơn 4 tỷ đồng vốn xuất khẩu lao động.

Từ năm 2016 đến tháng 4.2020, ngành lao động trong tỉnh đã tổ chức 46 lớp hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 1.670 người nghèo; xây dựng 3 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho 145 hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện Thanh Hà, Gia Lộc và Thanh Miện. Trong năm2019 và 2020, tỉnh triển khai 20 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Nguyên tắc của các mô hình giảm nghèo này là gắn phát triển sản xuất với giảm nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm nghề truyền thống đặc trưng phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Bà Phạm Thị Thơ ở thôn Hạ Bì, xã Cổ Bì (Bình Giang) thuộc diện hộ cận nghèo. Thu nhập chính của gia đình bà từ trồng trọt và nuôi cá. Năm 2019, bà được tham gia mô hình giảm nghèo do tỉnh triển khai. Bà Thơ cho biết: "Trước đây do không có vốn, chưa nắm vững kỹ thuật nên thu nhập thấp, không ổn định, cuộc sống khó khăn. Từ khi tham gia dự án giảm nghèo, được hỗ trợ vốn cùng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất cây trồng, vật nuôi tăng lên rõ rệt. Năm nay, gia đình tôi đã ra khỏi danh sách hộ cận nghèo".

Thời gian qua, các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện tốt việc ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đây là kênh hiệu quả giúp nhiều người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, gia đình chị Nguyễn Thị Lành ở xã Bạch Đằng (Kinh Môn) thuộc diện hộ nghèo. Lúc đó, gia đình chị khó khăn vì có thành viên đau ốm, không có vốn sản xuất. Năm 2018, Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp cho gia đình chị vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Gia đình chị vay mượn thêm để đào ao ở khu chuyển đổi, đầu tư trồng thanh long ruột đỏ. Chị cũng được hội tạo điều kiện tham gia một số lớp hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình chị Lành đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, vươn lên thoát nghèo, kinh tế khá giả...

Cải thiện chất lượng sống

Bên cạnh hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hải Dương cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm cải thiện chất lượng sống cho người nghèo. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 388.800 lượt người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí hơn 253 tỷ đồng. Hơn 847.000 lượt người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trong tỉnh được khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế với tổng kinh phí hơn 702 tỷ đồng. Hải Dương là một trong số ít các địa phương trích ngân sách hỗ trợ 80% số tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo (20% còn lại được dự án NORRED hỗ trợ). Ngoài ra, các đơn vị trong tỉnh đã tổ chức khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 8.000 lượt người nghèo, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng.

Một chính sách thiết thực đối với người nghèo là việc hỗ trợ xây dựng nhà ở. Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp cùng các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã trích quỹ, vận động hỗ trợ xây 1.014 ngôi nhà cho người nghèo, tổng kinh phí hơn 43,3 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này đã mang đến niềm vui cho nhiều người nghèo. Chị Nguyễn Thị Hạ ở thôn Văn Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) sức khỏe yếu, sống đơn thân. Bao năm qua chị sống trong căn nhà cấp 4 xuống cấp. Năm 2019, Hội Phụ nữ huyện Thanh Miện cùng chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 50 triệu đồng giúp chị Hạ xây nhà. Từ ngày có căn nhà mới, cuộc sống của chị Hạ vơi bớt khó khăn, không còn lo trắng đêm mất ngủ vì mưa dột.

Tỉnh Hải Dương cũng bảo đảm hỗ trợ tiền điện theo đúng quy định đối với hộ nghèo. Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ tiền điện cho 116.497 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 71,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Hải Dương đã thực hiện cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 116.642 lượt học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 143,2 tỷ đồng...

NGỌC THANH

Giai đoạn 2016-2019, tỉnh Hải Dương có 36.798 hộ thoát nghèo, 31.279 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 7,19% vào cuối năm 2015, ước giảm xuống còn 1,36% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ hộ cận nghèo từ 4,27% vào cuối năm 2015, ước giảm xuống còn 2,36% vào cuối năm nay. Nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo từ năm 2016 đến nay là hơn 5.496,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương cấp hơn 4.392,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi hơn 1.014,85 tỷ đồng, số tiền còn lại từ các nguồn huy động khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp người dân thoát nghèo