Giúp người dân chài Đồng Xá bớt nhọc nhằn

10/08/2016 08:15

Sau khi lên bờ, cuộc sống của người dân làng chài đã dần ổn định. Nhiều gia đình vẫn giữ được nghề chài lưới truyền thống nhưng cũng có nhiều hộ chuyển sang làm các nghề khác.



Hằng ngày, nhiều trẻ em ở làng chài Đồng Xá vẫn phải tự chèo thuyền đến trường


Nếu như trước đây, khu vực dưới bến sông nhỏ trước nhà thờ Công giáo là nơi hàng trăm hộ dân làng chài Đồng Xá, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) sinh sống trên thuyền thì giờ đây các hộ đã được địa phương bố trí đất ở tại khu 5 thị trấn Kẻ Sặt. Sau khi lên bờ, cuộc sống của người dân làng chài đã dần ổn định. Nhiều gia đình vẫn giữ được nghề chài lưới truyền thống nhưng cũng có nhiều hộ chuyển sang làm các nghề khác.

Là một trong những hộ lên bờ đầu tiên ở làng chài Đồng Xá, anh Đào Văn Nam cho biết: "Trước đây, thuyền bè xuôi ngược khắp nơi, cứ chỗ nào có sông là chúng tôi neo đậu để đánh bắt cá. Tuy nhiên, mấy năm nay việc đánh bắt cá gặp khó khăn nên tôi chuyển sang làm công nhân đúc gang ở xã Tráng Liệt". Mặc dù công việc này lương cao nhưng rất độc hại, chỉ sau hơn 1 năm làm việc tại đây anh Nam đã bị các bệnh về đường hô hấp. Do đó, từ đầu năm 2015, anh chuyển sang làm nghề sửa chữa xe đạp và mở quán ăn sáng tại nhà. Tuy lời lãi không nhiều nhưng cũng đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình.

Cũng giống như anh Nam, cuộc sống lênh đênh sông nước nhiều năm nên khi mới lên bờ gia đình chị Đào Thị Thắm gặp nhiều khó khăn. Do chưa thích nghi với cuộc sống mới nên lúc đầu vợ chồng chị loay hoay không biết làm nghề gì để có thể duy trì cuộc sống. Nhận thấy nghề xây dựng phát triển nên chị bàn với chồng vay tiền từ Quỹ Tín dụng nhân dân xã để kinh doanh giàn giáo, cốp pha, vật liệu xây dựng. Mỗi tháng, doanh thu của gia đình đạt từ 50-60 triệu đồng.

Làng Đồng Xá có 1.100 nhân khẩu, 100% theo đạo Thiên Chúa. Mặc dù gần trung tâm thị trấn Kẻ Sặt nhưng đường sá đi lại khó khăn, có đoạn nhiều ổ voi, ổ gà, lởm chởm gạch đá, mỗi khi mưa xuống nhầy nhụa bùn đất. Trẻ em muốn đến trường phải đi qua thuyền để sang sông. Bố mẹ em Vũ Thị Lan, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học thị trấn Kẻ Sặt đi đánh bắt cá ở sông Lục Nam (Bắc Giang), khoảng 2-3 tháng mới về nhà một lần. Lan ở nhà với ông bà nội nhưng vì ông bà đã già yếu nên không thể đưa em đi học được. Vì thế, hằng ngày em phải tự bơi thuyền đến trường. "Cách đây một tháng em bị rơi cả người và xe xuống sông, may mắn được bác đánh cá gần đó cứu giúp. Mỗi lần nghĩ lại em vẫn thấy sợ nhưng nếu không tự đi thì không còn cách nào khác", Lan nói.

Theo người dân làng chài Đồng Xá, làng chỉ có một bến sông duy nhất để đưa học sinh đến trường. Trước đây, người dân góp tiền để trả cho lái đò trong thôn, nhưng người này không nhận chở học sinh nữa. Các gia đình có con em đi học đều phải sắm một chiếc thuyền bằng gỗ. Những chiếc thuyền thô sơ đó thường nhanh hỏng, nhiều mảnh ván bung ra, nước ngấm vào nên mỗi lần chở phải tát cạn nước ở trong khoang thuyền. Nhiều gia đình phải thuê người chở con đi học nhưng vẫn không mấy yên tâm.

Theo ông Đào Văn Tiến, Phó Trưởng khu dân cư số 5 thị trấn Kẻ Sặt (làng Đồng Xá), ngoài học sinh phải vượt sông đến trường hiện làng chưa có bãi rác tập trung cũng như chưa có người thu gom rác. Các loại rác thải sinh hoạt, người dân đều mang ra sông Sặt vứt. Mỗi khi mưa, bão, lũ lụt, rác thải nổi lềnh bềnh trên sông, nước rút rác vương vãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Người dân trong làng hiện chủ yếu vẫn dùng nước giếng khoan. Họ mong muốn dùng nước sạch của Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Hải Dương nhưng chưa được do chi phí lắp đặt cao (hơn 3 triệu đồng/hộ), trong khi thu nhập của người dân còn thấp. Một số hộ khá giả đã mua máy lọc nước nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, người dân nơi đây rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để họ có nước sạch sử dụng, có bãi rác thải tập trung, có cầu treo bắc qua sông Sặt giúp học sinh bớt nhọc nhằn hơn trong hành trình đến trường.

ÁI LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp người dân chài Đồng Xá bớt nhọc nhằn