Trao cho con tình yêu thương, sự kiên nhẫn và áp dụng các phương pháp khoa học đúng mực, các bậc cha mẹ có thể giúp con yêu rèn luyện tư duy sáng tạo, vững bước trưởng thành.
1. Tôn trọng sự lựa chọn của con
Bạn có thể để con tự đưa ra ý kiến của mình trong vài vấn đề đơn giản hàng ngày của mình. Chẳng hạn như việc trẻ muốn đi chơi ở đâu vào cuối tuần, muốn ăn gì trong bữa tối, sẽ mặc gì đi học vào ngày mai. Điều này giúp trẻ tập quen với việc bày tỏ nguyện vọng và trình bày suy nghĩa của mình. Cha mẹ nên tham gia thảo luận và gợi mở cho trẻ rèn luyện tư duy phản biện. Khi được lắng nghe và tự được đưa ra quyết định, trẻ sẽ tự tin hơn, thích thú hơn với việc có quan điểm riêng và sự độc đáo của riêng mình.
2. Kích thích trí tưởng tượng của con
Có rất nhiều trò chơi vừa mang tính giải trí cao lại vừa có ích cho sự phát triển trí não của trẻ như vẽ tranh, lắp ráp mô hình. Trẻ phải suy nghĩ, liên tưởng nhiều hơn, tăng cường mắt quan sát cũng như rèn luyện khả năng phác họa và xây dựng nên các ý tưởng của mình về nhiều chủ đề khác nhau. Khi được xem nhiều thành quả của người khác, trẻ cũng có thêm cảm hứng và kinh nghiệm để sáng tạo ra tác phẩm của chính mình. Ngoài ra, các trò chơi này còn tập cho trẻ sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, sẽ cực kì cần thiết khi chúng làm bất cứ việc gì sau này.
3. Tạo thói quen đặt câu hỏi mở
Sự tương tác qua lại giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng. Cha mẹ hãy thường xuyên hỏi con câu hỏi gợi mở để trẻ cùng bàn luận và đưa ra ý kiến. Các câu hỏi đặt ra có thể là: ”Làm thế nào nếu mẹ muốn đặt chậu hoa ở đây mà không che khuất kệ sách?” hay “Nếu mẹ không có ở đây thì con sẽ giải quyết như thế nào?”,… Khi trẻ đưa ra yêu cầu nhờ cha mẹ làm việc gì, cha mẹ cũng có thể thử nói rằng mình không biết làm và hỏi ngược lại chúng để trẻ động não. Ngoài ra, khi lắng nghe cách trả lời của con, cha mẹ cũng sẽ hiểu hơn về cá tính của chúng để có phương pháp dạy trẻ cho phù hợp.
4. Để trẻ cùng tham gia câu chuyện
Bạn có thể kể một câu chuyện và nhờ trẻ đóng góp thêm, khuyết khích con cùng xây dựng và thêm thắt một số chi tiết cho sinh động. Trẻ sẽ tưởng tượng một số nhân vật, hành động và cách họ cư xử với nhau. Lưu ý, hãy tôn trọng suy nghĩa của trẻ và đừng cố gắng ép trẻ theo lỗi tư duy của người lớn. Hoặc khi người lớn bàn những vấn đề gia đình mà con có thể đóng góp được, cha mẹ nên cho trẻ tham gia cùng để chúng thấy được sự gắn kết của mình với mọi người, và biết đâu chúng lại đưa ra được những ý kiến mới mẻ thì sao.
5. Cho trẻ đọc và xem những câu chuyện thú vị
Đó có thể là những cuốn sách về khoa học, những câu chuyện mang tính tưởng tượng cao như bay vào vũ trụ, khám phá thế giới, khám phá giấc mơ… Bên cạnh đó, bố mẹ cũng có thể thường xuyên cho con xem những kênh youtube hay tivi về khám phá, sáng tạo hay thí nghiệm đề con có thể có dữ liệu đưa tư duy của mình bay xa hơn.
6. Học thêm ngoại ngữ mới
Học ngoại ngữ không đơn thuần là học ngôn ngữ mới, mà còn giúp con có thêm sự hiểu biết về một nền văn hóa mới. Mỗi nền văn hóa lại có những cách tư duy khác nhau, vì thế, để con học một ngôn ngữ mới, sẽ giúp con cởi mở hơn, vốn kiến thức được mở rộng. Điều này giúp con dễ dàng tiếp thu cái mới, tự tin đón nhận thử thách khi con trưởng thành.
7. Tham gia các hoạt động ngoài trời
Trong mắt cha mẹ, môi trường ngoài kia luôn có quá nhiều rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến con. Vì thế mà họ có thói quen bảo bọc quá mức, trẻ chỉ được tham gia các hoạt động mà cha mẹ cho là an toàn. Cha mẹ sợ con ngã, xót con đau, lo con bị bắt nạt. Nhưng thực tế cho thấy rằng, trẻ sẽ học được nhiều thứ hay ho từ việc khám phá thế giới xung quanh. Cho chúng tiếp cận sớm với cuộc sống không chỉ giúp con mạnh mẽ và tự tin hơn mà qua đó chúng còn có thể có thêm các kĩ năng cần thiết như biết qua đường, biết cách nói chuyện với người lạ, hay dọn dẹp sạch sẽ sau khi chơi xong,…
Thực tế đã chứng minh rằng những đứa trẻ được bảo vệ kĩ càng lại càng dễ gặp hiểm nguy, càng được “giữ” kín kẽ lại càng dễ mắc bệnh.Cha mẹ đừng ngại khi con đôi lúc lấm lem do bụi, đất. Thay vì cấm cản, bạn hãy dạy con cách giữ vệ sinh cá nhân để phòng tránh bệnh. Như vậy đứa trẻ lớn lên sẽ cứng cáp thay vì yếu đuối thu mình vào vỏ ốc, phải không? Và cũng thật tuyệt vời nếu cha mẹ có thể trở thành người bạn tốt của con, cùng con chơi đùa, cùng con tìm hiểu kiến thức. Đây là cách để bạn giúp con khẳng định cái tôi của chính mình và trưởng thành một cách trọn vẹn nhất.
Theo VOV