Giữa trưa

14/11/2015 07:58




Minh họa: Văn Hà


Trưa. Anh cầm tay tôi níu lại: "Để đấy anh trả tiền. Em có biết nguyên tắc này không - nếu người nữ trả tiền - đó là vợ. Còn khi người nam trả tiền thì người đàn bà đi cùng đích thị là người yêu của anh ta. Anh thích điều đó lắm". Tôi cong môi định nói câu gì chọc chơi nhưng lại phì cười: "Cả hai điều đó đều không ổn. Kiểu như nói sai thì chặt đầu, nói đúng thì treo cổ trong bài toán thời cổ ấy”. Anh cười, hàm răng trắng tươi rói: "Thế thì từ giờ đi ăn cùng nhau em nhớ để anh trả tiền. Đằng nào mà chẳng chết cơ chứ".

Tôi chầm chậm bước về cơ quan, gió đuổi từ đằng sau khiến những lọn tóc xòa vào má. Tôi đưa tay vuốt gọn chúng lại và bất giác cảm thấy như mình mới chớm tuổi 20. Một buổi chiều thu nào đó, cũng nắng, cũng gió và tóc bay tràn lên má, lòng thì nhẹ lâng lâng... Chiều qua anh gọi điện hỏi em có khỏe không. Rằng anh thấy nhớ em. Em làm gì trong ngày chủ nhật này? Tôi trả lời đang đi lang thang trong hiệu sách "Phương Đông - Phương Tây và huyền thoại" rồi sau sẽ đi đâu đó, xem người ta sống và yêu nhau ra sao... Cho đến khi mệt rũ người, trở về nhà tắm và lên giường... ngủ! Anh thở dài, dù rất khẽ, so với em cuộc sống của anh còn đơn điệu hơn, chất lượng kém lắm. Tôi vội vàng vâng vâng bảo thôi anh nhé, em còn phải trả tiền sách đây, kẻo cô bán hàng quá sốt ruột vì phải chờ đợi rồi. Anh cố hẹn tôi mai mình gặp nhau ăn trưa. Anh có nhiều chuyện muốn kể với em. Tôi vâng vâng rồi cúp máy, phớt tỉnh cái nhìn hồ nghi của cô bán sách. Rút tiền ra trả, nhìn cô ta đếm đếm rồi gật đầu, tôi bỗng thấy bực bội. Hình như cô ta không nghĩ đó là người bạn thân của tôi. Trong mắt mọi người không thể có tình bạn thân thiết đơn thuần giữa đàn ông và đàn bà. Chắc chắn là phải có thêm vị gì đó của tình yêu. Ừ thì nghĩ sao kệ họ. Tôi vùng vằng ôm lấy đống sách bỏ ra ngoài, vẫn cảm nhận rõ ánh mắt tinh quái của cô ta vuốt theo. Bước ra đường tôi bỗng ngơ ngẩn chẳng biết đi đâu. Dòng người thì cứ tất tả ngược xuôi không ngừng. Có ai trong đó biết rằng tôi chẳng biết đi đâu hay về đâu nữa không?

Tôi 33 tuổi, có một con gái bảy tuổi rất đáng yêu, có nghề nghiệp ổn định và thu nhập cũng không đến nỗi nào. Chồng tôi sang Nga gần năm nay và đã vài ba lần giục giã tôi đưa con sang cùng. Nhưng công việc và con bé đang học dang dở khiến tôi chưa thể quyết định. Ánh, đứa bạn thân của tôi ở cơ quan thì bảo: ở nhà có bọn tao sớm tối, có việc gì cần đàn ông thì "Bạn thân suốt đời quý hơn ngọc đấy"... Tôi đấm vào vai, còn nó nhành miệng cười: "Đồ ngốc - thử xem đã chết ai chưa. Thiên hạ như thế đấy. Tận dụng khoảng thời gian tự do này đi, kẻo lúc già lại tiếc hùi hụi...". Tôi không để tâm. Con bạn tôi thường hay nói sỗ thế. Đối diện với anh, tôi kể linh tinh chuyện cơ quan, nỗi bực giận với sếp và chuyện con bạn thân trở chứng. Anh nhìn với đôi mắt chăm chú rồi tự nhiên hỏi độp một câu: "Thế em có định sang Nga?". Tôi tần ngần. "Em chẳng biết định thế nào. Sang đấy, em không thể ăn không ngồi rồi, cũng chẳng thể ra chợ bán hàng". Không định mà tôi chợt thở dài...

Chúng tôi ngồi im lặng chẳng ai nói thêm điều gì. Mà cũng đã rất nhiều lần như thế. Chỉ im lặng và cảm thấy được chia sẻ. Lòng thấy thanh thản dần. Tôi chợt cắn môi. Sẽ thế nào nếu cuộc sống bỗng dưng thay đổi. Không - mà có thể là tôi sẽ phải thay đổi theo nó... Cái nhìn của anh dò hỏi. Tôi cảm thấy mặt mình thoáng ửng đỏ. Rồi trong lòng chợt thở dài thêm cái nữa. Mình có vẻ gì giống như một người đàn bà lãnh cảm không? Bỗng thấy giọng con bạn cười bên tai: "Thôi xin bà đi. Đừng có tiếp tục lừa dối mình nữa". Tôi bảo: "Em cứ thế này cũng tốt chán rồi. Có anh và mấy đứa bạn gái. Cảm giác cứ thế này suốt đời cũng được". "Thì em bao giờ cũng có anh bên cạnh - suốt đời - trừ khi em không cần. Mà cho dù em không cần thì kệ em. Anh cần em". Anh túm lấy tay tôi, giật nhẹ, kéo tôi nhìn thẳng vào mắt. Tôi chợt so vai, nhìn lảng ra chỗ khác: "Biết thế nào được. Mọi thứ đều có thể thay đổi...". Ánh mắt anh nhìn trách móc. Tôi chợt cười xòa. "Anh không biết - nhưng ở bên em anh thấy dễ chịu - thật đấy, anh lúc ấy mới thật là mình". Anh nói trầm trầm, âm thầm. Tôi gật đầu: "Em biết và có lẽ vì thế chúng ta mới thân thiết bao lâu nay. Em cũng sợ mất anh nên chúng ta phải duy trì tình bạn. Chỉ có nó mới bền vững mãi mãi - hơn cả tình yêu".

Buổi trưa bên nhau, câu chuyện của chúng tôi cứ loanh quanh như thế. Có lúc điểm chút nỗi cáu giận của anh với con trai cứng cổ, nỗi mệt mỏi vì công việc... Tôi có lúc chợt nghĩ mình giống như một người chị, thậm chí người mẹ để san sẻ, vỗ về người đàn ông to xác mà nhiều lúc còn ngây thơ kia. Ánh réo ồi ồi trong máy: "Có về nhanh không - chuyện hay lắm". Tôi lao ra khỏi thang máy, suýt đâm sầm vào một người đàn bà. Khẽ lùi lại nói lời xin lỗi, tôi còn kịp nhận thấy một gương mặt đẹp kiêu kỳ. Ánh vồ lấy tôi: "Chán mày quá, chậm một tí teo - vợ hắn vừa ở đây ra xong". Tôi ngơ ngác: "Vợ ai - hắn nào?". Nó nhớn nhác nhìn quanh rồi ghé tai tôi: "Vợ của hắn, bồ tao chứ còn ai. Chẳng hiểu con mụ lên đây làm gì? Trưa nay hắn mới hạ cánh. Phải báo trước mới được. Nhưng bọn tao kín thế cơ mà...". Tôi hỏi lại có phải cái bà xinh đẹp mặc áo màu huyết dụ ấy à? Nó nghẹn cả lời: "Mày gặp rồi à? Mụ ấy xinh đẹp thật không?". Nhìn gương mặt bạn, tôi chỉ muốn trêu thêm chút nữa nhưng rồi không nỡ: "Ừ, bà ta đẹp nhưng không hấp dẫn như mày. Yên tâm đi - đàn bà hơn nhau ở sức hút chứ đẹp đến mấy nhìn mãi rồi cũng quen mắt, bình thường thôi". Khuôn mặt Ánh dịu lại và nó lủi ra một góc. Chắc là gọi điện cho chàng, tra hỏi, căn vặn để rồi cuối cùng trút lên anh cả ngàn lời âu yếm. Nhiều khi tôi thèm cái tính vô tư, nhiều khi đến đơn giản của nó. Ánh từng xoay tôi: “Tao chịu không hiểu nổi mày. Chỉ quý nhau đơn thuần thế thôi ư? Không bao giờ vượt qua ranh giới ấy ư? Khó tin lắm. Đàn ông đàn bà bên nhau - Chắc chắn không cả hai thì cũng là một phía có tình yêu. Thế mới tồn tại mãi được cái quan hệ ấy". Mắt nó chợt sáng rực lên: "Đã yêu là phải sở hữu, phải được đến tận cùng của mọi cảm giác. Mày có hiểu không, nhiều đêm tao không chợp được mắt, ngực như bị tảng đá chẹn lên bởi chỉ tưởng tượng cảnh hắn với vợ...". Mắt nó cháy đến sợ. Tôi chợt rùng mình. Thế mà chồng nó kè kè ở bên, chăm lo cho vợ từng li từng tí và chưa bao giờ quên bày tỏ tình yêu nồng nàn với vợ!

Chiều tối. Con gái tôi hét từ trong phòng riêng của nó, giọng tức tưởi đầy nước mắt: "Con mèo đi mất rồi mẹ ơi". Nó lao rầm rập từ tầng hai xuống, đâm bổ vào bếp, khua khoắng trong đống tủ đựng đồ: "Con đã tìm suốt từ nãy. Bà ngoại sang cũng đi tìm hộ. Nó bỏ đi thật hả mẹ?". Tôi chợt nhớ lời mẹ giục hôm nào: "Thiến đi kẻo nó sắp đến kỳ động dục rồi". Tôi cãi không chịu: "Thế thì ác lắm, để cho nó tự nhiên". Leo lên tầng hai, bước ra phía ban công, tôi giật mình, cánh cửa sổ hé mở. Tôi ngồi sụp xuống ghế. Thế là nó đi rồi. Không thể tin được. Cảm giác cái dáng uyển chuyển của nó như vừa mới lướt qua đây. Gương mặt nửa trắng nửa đen với đôi mắt ướt lúc nào cũng nhìn hau háu. Mèo đen mà có vệt trắng từ mặt xuống đến bốn chân là hiếm lắm. Ai đến nhà cũng khen có con mèo đẹp. Trông lạ nữa. Con gái tôi ôm mặt, run rẩy nói qua kẽ tay: "Bây giờ Tony ở đâu hả mẹ? Có ai cho nó ăn không, hay nó đi hoang?". Cả hai mẹ con tôi đều chọn tên Tony ấy cũng do thích ông Thủ tướng Anh điển trai mà ra.

Đêm. Con bé chợt tỉnh giấc thổn thức, quờ quạng tay rồi vơ ôm cái gì đó vô hình. Tôi vỗ vỗ cho nó ngủ yên. Lòng chợt thắt lại.

Hôm sau. Sáng sớm. Tôi phi xe ra chợ. Người đàn ông ở quán bên đường có gương mặt như ngái ngủ, lắc đầu: "Mấy hôm nay khối người đi tìm mèo như cô. Quán tiểu hổ mọc lên khắp nơi".Tôi nghẹt giọng: "Con mèo nhà tôi đẹp lắm". Ông ta nhìn tôi, đôi mắt vô cảm lờ đờ "Đẹp với cô thôi". Một người đàn bà to béo từ trong nhà kéo lệt xệt cái chuồng sắt nhốt ba bốn con mèo vàng, trắng, bé xíu đua nhau ngao ngao như đang lên cơn hen, xởi lởi: "Cô cứ để lại số nếu có tôi sẽ điện lại cho. Hay là cô mua lấy con mèo trắng này đi. Đẹp lắm, mà cũng để cho con gái cô đỡ nhớ...". Không - lòng tôi chợt nức nở. Tôi chẳng muốn con nào khác cả, phải đúng là con mèo của tôi cơ. Người đàn bà chìa cho tôi xấp giấy "Cô xem đây..." ảnh một chú chó xù có gương mặt láu lỉnh bên dòng chữ: "Ai bắt được con Bông nhà tôi...xin gọi số... tôi xin hậu tạ...". Tôi không dám lật tiếp, đưa trả người đàn bà xấp giấy, quay ra. Trong túi, chiếc điện thoại réo rắt. Tiếng anh từ nơi rất xa thấp thỏm "Em ở đâu?" khiến tôi mềm hết cả lòng. "Con mèo nhà em...". Tôi cắn môi không sao nói tiếp. Anh nói những câu gì đó mà tôi không hiểu. Rồi "Có thể nó theo con mèo nhà ai, đi vài hôm sẽ về thôi mà. Đừng buồn em". Tôi quệt vội giọt nước mắt.

Con gái tôi dậy từ lúc nào, ngồi thu mình trong góc ghế sô pha. Mọi khi là con mèo trong lòng nó và cả hai nghênh cái mặt kháu ơi là kháu đón tôi. Giờ chỉ có gương mặt con gái tôi - già như bà cụ non, chảy thượt, nước mắt rơm rớm vòng quanh. Tôi ôm con vào lòng. Tự nhiên thấy cô đơn khủng khiếp.
Trưa. Ánh đi đâu về, tóc tai xổ tung, ánh mắt thất thần, gương mặt méo mó rất xấu: "Anh ấy chết rồi. Chiều hôm qua". Tôi hiểu ngay là nó nói ai. Trưa qua vợ anh ta còn qua đây, không có chuyện gì mà. Nó kể giọng ráo hoảnh: "Trưa qua vừa mới xuống sân bay thì tao gọi. Bảo được nghỉ ba ngày hẹn hôm nay gặp em. Trưa tao ra chỗ hẹn chờ mãi - gọi điện thì nghe lời đàn ông lạ hoắc trả lời. Chiều qua anh ấy đi đón con ngã xe máy. Vẫn còn may, trên đường đến trường chưa kịp đón con trai". Nó ôm mặt ngồi bất động. Tôi ôm vai nó một lúc lâu. Nó vẫn không khóc được. Tôi ý tứ ra khỏi phòng chốt cửa.
Ngày hôm ấy thật dài. Mãi đến tối. Con gái tôi vẫn khóc thầm lúc lên giường.

Hôm sau nữa. Sáng sớm đã thấy Ánh gọi. Giọng khào khào. Chắc là hai mắt sưng húp: "9 giờ mày đến đón tao ra nhà tang lễ". Tôi loay hoay chọn bộ quần áo sẫm màu. Con gái ôm chặt, vùi mặt vào ngực tôi: "Mẹ đừng mặc áo đen trắng - con nhớ mèo". Tôi ngồi thụp xuống, áp má con vào má mình rồi quay vào thay chiếc áo đen tuyền.

Ánh bồn chồn đi ra đi vào. Chắc chờ tôi sốt ruột. Một bó lan vàng hanh hao của màu nắng, màu đất đẹp đến ngỡ ngàng. Chưa bao giờ tôi thấy bó hoa nào kết cầu kỳ và đẹp như thế. "Tao đã làm phong bì đây. Ghi tên hai đứa rồi". Tôi nhìn bó hoa lờ mờ hiểu, bèn năn nỉ: "Nhỡ người ta để ý. Hay để tao mua bó huệ nhé". Nó ôm bó hoa đẫy cả vòng tay, lắc đầu ra hiệu bảo tôi đi theo. Chúng tôi im lặng nhập vào dòng người, trong tiếng lào thào xung quanh. Ai đó chép miệng: "Lái máy bay chuyên cơ ngang dọc bầu trời thì chả sao. Vậy mà chết bởi một cái ổ gà vớ vẩn trên đường. Cuộc đời nhiều khi ác nghiệt thật".

Tôi và Ánh bước đến trước quan tài. Tôi thắp hương, nhìn người đàn ông của Ánh, đã từng quen thân với tôi, nhòe qua hàng nước mắt. Ánh vẫn ôm bó hoa cúi đầu rồi bỗng bước vụt lên, đặt bó hoa không phải trước bức ảnh mà vắt ngang quan tài. Dòng chữ trong mảnh giấy Ánh gài từ lúc nào đập vào mắt tôi: "Nghe nói đâu đây cuộc sống bên này và cuộc sống bên ấy vẫn song hành. Mong anh vẫn làm những điều mình yêu thích". Tôi nhìn mặt anh ấy lần cuối, cố ghìm cái nấc thốc lên từ lồng ngực. Hình như Ánh cúi xuống bên quan tài nhưng hai mắt nhắm chặt. Đến bên người góa phụ, Ánh nhìn mà dường như không thấy chị, môi chỉ khẽ mấp máy để mặc tôi nói những lời chia buồn nghẹn ngào.

Trưa. Tôi nằm co một mình trên chiếc giường xếp ở cơ quan. Giờ này chắc Ánh đang ôm gối nằm vật vã trong xó xỉnh nào đó. Nó chỉ muốn có một mình, chúi vào đâu đó càng kín càng tốt. Hay có thể nó lang thang đến những nơi mà hai người thường gặp gỡ. Khi con thú bị trọng thương, nó thường tìm chỗ vắng rồi tự liếm láp vết thương của chính mình.

Tôi nhớ đêm qua, con gái trằn trọc xoay bên nọ sang bên kia: "Mẹ ơi - hình như có tiếng con mèo đang cào ngoài cửa. Mẹ ra mở cửa cho nó vào đi". Tôi lắng nghe. Không gì hết, ngoại trừ tiếng gió từ chiếc quạt xa xa góc phòng thổi lại... Tôi dỗ con: "Rồi nó sẽ về nay mai" và tự dỗ chính mình.

Tôi đứng áp vào lưng người đàn ông ngồi phía trước. Một bên núm vú không hiểu vì sao trật khỏi áo lót. Thấy rõ ràng luồng điện chạy xuyên suốt giữa hai người. Người đàn ông bỗng quay lại, suýt nữa tôi kêu thành tiếng...

Giật thót người, tôi bừng mắt, tim vẫn đập thình thịch. Đây là đâu, ngày hay đêm? Một lúc sau, định thần lại tôi mới hiểu ra mình đang ngủ trưa tại cơ quan như mọi ngày. Hai bầu vú cương cứng dưới lớp áo mỏng, bên trái trật khỏi áo lót. Luồng điện vừa nãy vương vất đâu đây. Lòng bỗng xao xuyến chẳng rõ vì sao. Tôi chợt nhớ ngày trở dạ con gái. Người bác sĩ vạch áo, dạy tôi vê đầu vú như hai quả nho chín sẫm "cho dễ đẻ". Tôi làm theo như một cái máy giữa những cơn đau và thấy lòng dội lên một nỗi buồn da diết.

Tối. Tôi đứng bất động dưới vòi sen, mặc nước lạnh phun ướt từ đỉnh đầu xuống gót. Tôi khép chặt mắt. Nước mơn man thật dễ chịu, dễ chịu. Vậy mà hình như tôi khóc. Trên hai gò má, dòng nước âm ấm rớt qua mi. Có tiếng điện thoại di động. Lâu và da diết. Tôi tắt vòi nước, bước ra khỏi bồn tắm, với tay lấy cái máy đặt trong giỏ hoa khô trên giá. Là anh. "Mai anh bay ra... Có chuyện gì với em phải không?". Tôi lại cảm thấy hơi hướng của dòng điện chạy qua người lúc ban trưa. Tôi áp chặt chiếc máy bé nhỏ bên tai: "Em... mới tiễn đưa một người bạn. Mà con mèo vẫn chưa thấy về...". Bỗng dưng tôi ứa nước mắt. Khi người ta đã kịp yêu quý một cái gì đó - chia tay với nó thật đớn đau phải không?
Con gái mắt sáng bừng ùa đến khi tôi vừa bước ra khỏi phòng tắm: "Bố gọi điện bảo, sao máy của mẹ bận lâu thế. Bố nói, nếu mẹ và con không chịu sang thì vài tháng nữa bố sẽ về. Tí bố gọi lại cho mẹ đấy". Tôi ngả mái tóc còn đẫm nước trên ghế sô pha, hai mắt nhắm chặt. Thèm ngủ một giấc thật dài. Lòng lại dội một nỗi buồn da diết như ngày trở dạ.

Truyện ngắn của THÙY DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữa trưa