Chống dịch như chống giặc. Giúp bạn là giúp mình. Cả nước chung tay đồng lòng hướng về Hải Dương.
Thế là Trang lại tiếp tục được ở trong đội quân y tế của tỉnh tình nguyện đi hỗ trợ dập dịch Covid-19 tại Hải Dương. Đoàn có 15 người, toàn các y, bác sĩ kỳ cựu, trong đó Trang là trẻ nhất. Dẫn đầu đoàn là bác sĩ Khánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện tỉnh. Hầu hết mọi người trong đoàn đều đã có gia đình. Riêng Trang thì chưa. Cô vẫn chân son mình rỗi, tha hồ bay nhảy. Vậy mà để được đi chuyến này không phải chuyện dễ. Biết là vào nơi hiểm nguy nhưng ai cũng hăng hái xung phong. Một số người, trong đó có Trang, mấy tháng trước đã tình nguyện vào hỗ trợ dập dịch ở Đà Nẵng rồi nhưng đợt này vẫn tình nguyện xin đi. Lý do chủ yếu họ đưa ra là đã có kinh nghiệm rồi nên ưu tiên cho họ. Lãnh đạo Sở Y tế và Bệnh viện tỉnh cân nhắc mãi mới chốt được danh sách đoàn. Chống dịch như chống giặc. Giúp bạn là giúp mình. Cả nước chung tay đồng lòng hướng về Hải Dương. Những người xung phong ra trận thế này là rất mừng nên phải tạo điều kiện cho họ.
“A lô! Anh à. Em được đi đánh Covid ở Hải Dương rồi nhé!”. Trang bấm điện thoại “chém gió” với người yêu. “Chúng mình gặp nhau ở Cẩm Giàng nghe anh!”. “Thế hả? Anh đang ở Chí Linh. Cẩn thận nhé. Đợt này không như Đà Nẵng đâu. Phải hết sức cảnh giác đấy”. “OK. Em biết rồi. Anh cũng vậy nha”. Hai người ríu rít với nhau trên điện thoại. Nói qua khẩu trang nhưng mọi người trên xe đều nghe thấy khá rõ. Ai cũng biết lúc này Trang đang vui. Đi vào tâm dịch mà vô tư thế không biết. Đúng là tuổi trẻ, là tình yêu có khác. Mọi người quay ra tếu táo cùng Trang sau khi cô kết thúc cuộc gọi với người yêu.
Quân là người yêu của Trang. Anh là trung úy bác sĩ đang công tác trong ngành quân y. Đợt này, nhiều bộ phận trong quân đội đều ra trận. Mỗi người mỗi nhiệm vụ. Quản lý khu cách ly, kiểm soát ở các chốt kiểm dịch, phun thuốc khử trùng, dựng bệnh viện dã chiến, trực tiếp điều trị, tuần tra ngăn chặn nhập cảnh trái phép ở biên giới, ngoài biển đảo… Thậm chí cả làm cấp dưỡng, vệ sinh tạp vụ phục vụ khu cách ly. Màu quân phục của người lính cùng với sắc phục công an, áo xanh tình nguyện của thanh niên xuất hiện khắp nơi. Tất cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến đấu với đại dịch. Trung úy Quân được bổ sung tăng cường cho bệnh viện dã chiến ngay từ những ngày đầu.
Quân và Trang, hai người yêu nhau đã hơn bốn năm nay. Họ cùng quê trung du, cùng xã nhưng khác làng. Quân hơn Trang ba tuổi đúng kiểu “Bảy năm về trước em mười bảy/ Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng”. Khi Trang vào cấp ba thì Quân đang học năm thứ nhất Đại học Quân y. Lúc này, hai người chưa hề biết nhau. Họ chỉ láng máng rằng ở làng ấy, xóm ấy có người như thế ấy. Thế thôi. Đến khi Trang đỗ Đại học Y, Đoàn trường y của Trang giao lưu văn nghệ với Đoàn trường Quân y của Quân. Gái sinh viên năm thứ nhất vô tư, xinh đẹp gặp lính sinh viên cùng ngành năm thứ tư đẹp trai, chín chắn, sôi nổi, lại cùng quê nữa thế là “dính” nhau. Họ thề non hẹn biển nguyện kết tóc se tơ.
Ra trường với lon thiếu úy, bác sĩ Quân về công tác ở Quân khu 3. Trang tiếp tục học nốt ba năm còn lại. Sau đó, cô tốt nghiệp về làm việc tại bệnh viện tỉnh nhà. Lý ra, đầu năm ngoái là ăn hỏi để cuối năm họ sẽ cưới. Thế nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát nên đành phải lui lại. Ngay lễ ăn hỏi, hai gia đình cũng phải chờ cho Trang đi hỗ trợ dập dịch ở Đà Nẵng về mới tiến hành được. Và ngày cưới của hai người cũng đã được ấn định sau Tết, ngay trong tháng giêng này. Vậy mà đại dịch bùng phát lần thứ ba ngay trước Tết đúng ở Hải Dương, một tỉnh nằm trong địa bàn Quân khu 3 của Quân. Điện thoại cho Trang, cho gia đình hai bên, Quân xin hoãn cưới. Trang ngồi thừ ra. Đành vậy chứ biết sao giờ. Thế rồi đại dịch cuốn cả hai người. Họ là những "chiến sĩ áo trắng". Mặt trận đang cần họ. Nhiều người đang cần họ. Quân và Trang không ngại hiểm nguy lại hăm hở lên đường lao vào "cuộc chiến".
Tới nơi, Trang mới thấy mức độ nghiêm trọng của đợt dịch lần này. Hải Dương có nhiều khu công nghiệp. Toàn nơi đông người. Việc bao vây, truy vết, dập dịch rất khó khăn. Chỉ nguyên chuyện trong một đêm lo được hàng nghìn suất ăn cho cả người bị phong tỏa và người chống dịch, rồi hàng nghìn bộ chăn gối, giường chiếu cho người bị cách ly, trong khi các cửa hàng đã nghỉ Tết cũng đã là điều kinh khủng rồi. Đội ngũ y tế của Trang vất vả đã đành, còn bao nhiêu người khác nữa chứ. Vậy mà một số kẻ “chém gió” trên “phây búc”, ngồi nhà cào bàn phím phán nọ phán kia thật vô tâm.
Tình hình rất nóng bỏng nhưng ai nấy đều bình tĩnh. Trang cũng vậy. Kinh nghiệm từ Đà Nẵng giúp cho cô và các đồng nghiệp thêm tự tin hơn. Điện thoại cho Quân, hai người động viên, nhắc nhở nhau bình tĩnh, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chuyên môn. Rồi công việc cuốn đi, họ chẳng còn thời gian đâu mà a lô cho nhau nữa. Mãi đêm về, hai người mới lên mạng gọi cho nhau, hỏi thăm nhau. Rồi hôn nhau qua điện thoại. Được gần bên nhau cùng cuộc chiến này thế là hạnh phúc lắm rồi.
Trang trong tổ lấy mẫu xét nghiệm. Để nhanh chóng truy vết, tìm dấu F0, ban chỉ đạo quyết định lấy mẫu xét nghiệm toàn dân, nhất là khu cách ly. Do vậy, công việc của đội Trang bộn lên. Đo thân nhiệt, lấy đờm nhầy ở mũi, lấy nước rãi ở họng. Việc này rất nguy hiểm. Chỉ nguyên việc đánh số, ghi tên mẫu cũng đã phức tạp rồi. Cả chục nghìn mẫu một ngày cơ mà. Chẳng biết ai là bình thường, ai là F nọ F kia nữa. Mặc dù bảo hộ găng tay, khẩu trang, mũ kính, lại choàng cả quần áo nilon che chắn nữa nhưng sơ sểnh một tí là lây nhiễm ngay. Thế nên, Trang và mọi người đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình nghiệp vụ. Trông người nào người ấy cứ như các phi hành gia vũ trụ. Nhiều hôm, Trang phải trực làm việc thâu đêm. Người mệt nhoài. Tranh thủ ăn. Tranh thủ ngủ. Nhìn anh em chiến sĩ thâu đêm suốt sáng phục vụ người cách ly mà thương. Họ nằm la liệt giữa đêm trên sân doanh trại. Vậy nhưng, hễ thức dậy là họ lại trêu đùa nhau, tán tỉnh các y, bác sĩ. Trang trẻ nhất nên bị các chiến sĩ tán nhiều nhất.
Chẳng biết giờ này, Quân của cô ra sao? Anh có phải nhường giường chiếu, chăn màn trong doanh trại cho dân như các chiến sĩ kia không? Là bác sĩ trực tiếp điều trị chắc chắn anh sẽ nguy hiểm và vất vả hơn Trang nhiều. Cô ở vòng ngoài. Anh ở vòng trong. Cả hai cùng chiến tuyến chiến đấu với Covid-19. Những tưởng được gặp nhau, thế nhưng từ hôm tới đây đến nay, hai người vẫn chỉ liên lạc với nhau qua điện thoại. Người Chí Linh, kẻ Cẩm Giàng, đúng tâm bão dịch sao mà gặp nhau được? Phong tỏa cách ly, người thường đi lại còn khó khăn, huống hồ họ là những bác sĩ đang thực thi nhiệm vụ. Càng nghĩ càng căm tức con Covid-19. Ấn định ngày cưới là Ngày Thầy thuốc Việt
Nghĩ đi lại nghĩ lại, Trang thấy chưa cưới có khi lại hay. Chứ cưới rồi có con nhỏ thì lúc này đi sao được? Mà có đi thì cũng nhớ con đến phát ốm mất. Như mấy chị trong đoàn đó. Từ trong Tết tới giờ nào họ đã được gặp con? Nhìn các chị nói chuyện điện thoại, chat hình qua mạng về nhà với chồng con mà thương quá. Mình với Quân cùng đồng nghiệp, hiểu nhau, yêu nhau, đang sức trẻ mà nhiều lúc chat với nhau cũng nhớ cũng thương đến xót ruột nữa huống hồ tình mẹ con mẫu tử? Nghĩ thêm lên nữa thì các bác lãnh đạo còn khổ hơn nhiều. Lo cho dân đủ thứ. Công tác bảo đảm hậu cần cho cả hàng nghìn người kia, cho cả tỉnh cơ mà. Rồi thì sản xuất, lưu thông. Làm sao giữ được bình an, yên dân? Làm sao khoanh bao, dập cho nhanh được dịch? Cả nước hướng về Hải Dương. Hải Dương ơi cố lên! Trang “phây” nào cũng động viên chia sẻ vậy.
Nghĩ thế, Trang thấy chuyện tình của mình với Quân quá bé nhỏ. Nhiều người cũng hoãn cưới đó thôi. Chính trực tiếp vào tâm dịch thế này lại đỡ lo cho nhau hơn là ở nhà. Lúc nào cũng thấp thỏm nghĩ về Quân, lo cho Quân. Giờ thì công việc cuốn đi, hiểu rõ sự tình rồi nên Trang cũng yên tâm hơn. Cô vui vì được cùng anh ra mặt trận. Mai này nhắc nhớ lại càng có nhiều kỷ niệm. Cái “năm Covid thứ hai” ấy họ đã như thế nào ở Hải Dương nhỉ? Nhớ chưa? Ngày ấy… Nghĩ vậy, Trang tủm tỉm cười một mình rồi chợp mắt lúc nào không hay.
Đang thiêm thiếp thì Trang giật mình có tiếng gọi. “Cấp cứu! Có ca cấp cứu Trang ơi!”. Trang bật dậy. Bệnh viện dã chiến vắng lặng trong đêm khuya. Phía phòng đằng xa kia đang thấp thoáng mấy bóng người và xì xầm tiếng nói vọng lại. Trang hấp tấp theo chân chị Nguyệt bác sĩ. Tới nơi, bác sĩ Khánh ra chỉ lệnh: “Hai cô phụ cùng tôi đưa bệnh nhân này lên tuyến trên. Ông ấy vừa trở nặng, cần phải can thiệp gấp”.
Tổ cấp cứu cùng bệnh nhân với các phương tiện hỗ trợ nhằng nhịt quanh người trên xe cứu thương rú còi chạy trong đêm. Đến bệnh viện tỉnh thì gần sáng. Lập tức băng ca được chuyển tới phòng hồi sức cấp cứu. Bệnh nhân được dùng ngay máy thở. Trang phụ giúp các bác sĩ. Ai cũng che chắn, bịt kín mít, chỉ hở hai con mắt. Mọi người trao đổi với nhau bằng hiệu lệnh qua hành động của tay, của những cái gật đầu, lắc đầu. Hãn hữu lắm mới dùng lời nói và nói rất nhỏ nhẹ, chỉ đủ nghe thôi. Vậy nhưng rất nhịp nhàng. Việc này, họ đã quen rồi. Một lát sau, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Các bác sĩ thở phào. Để bệnh nhân nằm nghỉ, Trang cùng kíp bác sĩ ra ngoài.
Đang rửa tay sát khuẩn thì Trang nghe tiếng nói sau lưng: “Phải Diệu Trang không?”. Trang vội quay đầu lại. Một người đàn ông cũng che bịt kín mít đứng bên ngoài phòng kính nhìn chăm chăm vào cô. “Anh đây. Quân đây. Em không nhận ra anh à?”. Vừa nói, người đó vừa chỉ tay lên ngực áo. Trang tròn mắt nhìn vào chữ “Quân” nổi bật trên nền áo bảo hộ của người đó. Đồng thời, anh chỉ tay vào ngực Trang ra hiệu. Trang nhìn lại mình. Trên ngực áo cô chữ “Trang” cũng hiện lên. Thì ra vậy. Để nhận biết nhau trong cuộc chiến chống Covid-19, trên áo bảo hộ của các y, bác sĩ đều ghi tên người mặc ở ngực áo và sau lưng. Lúc Trang lúi húi sát khuẩn, chữ “Trang” trên lưng áo cô đập vào mắt anh. Vâng, họ đúng là Quân và Trang của nhau. Trang vừa xong ca cấp cứu thì Quân cũng vừa đưa một ca khác từ Chí Linh tới. Hai người mừng rỡ.
Trang vội chạy ra. Cô đang định lao tới với Quân và anh cũng vậy. Bất ngờ, bác sĩ Khánh quát lớn: “Dừng lại. Trang. Chú ý khoảng cách”. Cả hai người ngớ ra rồi bừng tỉnh. "5K". Họ là những bác sĩ nên hơn ai hết càng hiểu rõ điều này. “Đây là anh Quân, chồng chưa cưới của em anh ạ!”. Trang chỉ tay về phía Quân nói với bác sĩ Khánh. “Vậy hả? Cô cậu hẹn nhau ở đây à?”. “Dạ, không anh ơi! Ngẫu nhiên thôi ạ. Em hộ tống bệnh nhân tới và gặp Trang ở đây anh à”. “Bác sĩ Khánh, trưởng đoàn công tác của em đấy”. Trang chỉ vào Khánh nói. Cả ba mỉm cười gật đầu chào nhau. “Tôi nghe Trang nói nhiều về cậu rồi. Chúc mừng cô cậu nhé. Thế này là hạnh phúc đấy. Giữa tâm dịch mà có nhau thế này thì còn gì bằng!”. “Em cảm ơn anh nhiều ạ”, Quân nhẹ nhàng đáp từ.
Bác sĩ Khánh ra ngoài để không gian riêng lại cho Quân và Trang. Hai người rối rít hỏi thăm nhau. Đúng là quá bất ngờ họ lại được gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt này. Muốn lao vào nhau, trong vòng tay của nhau lắm nhưng vì Covid nên đành phải đứng cách xa nhau để tâm sự. Trong lòng họ dâng lên dạt dào niềm hạnh phúc.
Ngoài kia, trời đã sáng rõ tự bao giờ. Một ngày mới ở Thành Đông đã bắt đầu. Vọng đến bên tai Quân và Trang là tiếng chim hót véo von cùng tiếng vo vo của đàn ong đang xì xào quanh những lùm hoa vải hứa hẹn một mùa quả ngọt thơm hương…
Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU