|
Minh họa: Phùng Văn Hà
|
Nhận tiền thưởng và quà Tết xong, chạy đi chào bạn bè trong khu tập thể công ty, tôi xách va li ra đón xe. Hôm ấy đã là chiều ba mươi Tết, người đi lại rất đông, nhưng chẳng phải đợi lâu, tôi đang ngồi trên xe cùng một chị cùng quê làm trong khu công nghiệp. Giờ này chắc bố mẹ và các em tôi đang mong về ăn bữa cơm chiều ba mươi nên tôi thấy nóng ruột lắm. Thì năm nào chả vậy. Chiều ba mươi vẫn là ngày cuối cùng của năm, ai chả mong về đoàn tụ với người thân. Nhưng cũng có những cái Tết đoàn tụ mà không vui. Ngồi trên xe, tôi cứ nghĩ miên man rồi lại nhớ về một chiều cuối năm ngoái. Khi thấy tôi xách va li về đến cổng, cả nhà đã reo lên. Bố tôi đang làm gì đó, dừng tay vui vẻ: "Con được thưởng Tết hay sao mà về sớm thế?". "Con…" - Tôi cố ghìm để khỏi bật ra tiếng khóc - "Con…".
Vốn là người quan tâm đến con cái nhưng nghiêm khắc, bố tôi như đã phát hiện ra điều gì khác thường, ông gặng "Hay là bị mất việc?". "Dạ, đúng thế ạ!".
Tối hôm ấy, bố tôi không bật ti-vi. Ông cứ ngồi bên bàn nhả khói thuốc lào mờ cả cái bóng điện trăm oát. Ông cũng đã nghe báo chí nói về ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu đến nước ta, nhiều công ty, xí nghiệp, người lao động đã phải giãn việc, mất việc; nhưng không nghĩ là nó lại tác động đến cái nơi con gái mình làm nhanh đến thế. Nằm bên cạnh mẹ, tôi cũng không sao chợp mắt được. Tôi là đứa con gái lớn của gia đình với bao hy vọng của bố mẹ. Học xong trung học phổ thông, thi đại học hỏng, bố mẹ tôi đã buồn. Giờ đang làm ở một công ty may lớn có mức lương mỗi tháng trên một triệu đồng lại mất việc, bố mẹ tôi còn buồn hơn. Bởi nhà tôi năm người mà chỉ có ba sào ruộng. Đứa em tôi sinh sau nên không được chia. Ruộng ít, bố mẹ già yếu, em còn ăn học nên phần lớn chi tiêu trong nhà dựa vào tiền lương hằng tháng của tôi. Bây giờ mất việc, không những tôi mà cả nhà sẽ sống ra sao? "Ngủ đi, đừng khóc nữa, con ạ!". Mẹ tôi vỗ vào lưng tôi như hồi còn bé. "Rồi tính sau…".
Nghe lời mẹ, nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Công ty tôi đang làm ăn phát đạt, sản phẩm cứ đều đều xuất sang âu - Mỹ thì đến một ngày kia chựng lại. Kho hàng ế ẩm mỗi ngày chật hơn mà tiền lương của công nhân thì không có. Cho đến một hôm, công ty thông báo cho lao động về nghỉ Tết không thời hạn thì nhiều người khóc. Họ biết là không còn hy vọng. Tôi cũng như mọi người về ăn Tết "ba không" (không quà, không lương, không thưởng). Không có quà Tết đã đành, có chị còn nợ cả tiền thuê nhà trọ, biết ăn nói thế nào với chủ khi năm hết, Tết đến? Rồi cuộc sống sẽ ra sao? Ruộng thì đã nhượng lại cho bà con từ khi đi làm công nhân. Nghề phụ ở quê không phát triển. Đêm cuối cùng trước khi về Tết thì người yêu tôi đến. Tôi chợt loé lên hy vọng là có thể xin chuyển nghề sang công ty anh. Nhưng nhìn mặt anh buồn rười rượi, tôi hiểu là không còn lối thoát. Anh cũng chuẩn bị về quê, chưa biết làm gì để sống…
Những ngày xuân nặng nề bên bố mẹ chậm chạp trôi đi. Sự mất việc của tôi làm đảo lộn cuộc sống gia đình, dù các cụ đã gắng gượng hết sức. Tôi không thể cứ ở nhà ăn bám mà phải chạy xuôi ngược, lúc gánh rau, khi bao quả lên thành phố bán rong. Lờ lãi chẳng được bao nhiêu nhưng cũng đủ thêm vào rau mắm với bố mẹ trong lúc thất nghiệp này...
Một hôm, tôi đang lúi húi xếp rau ở chợ Hui để chuyển lên thành phố thì có người gọi. Ngẩng lên, tôi nhận ra cái Hoa, bạn thuê cùng phòng trọ cũng đang chở một thùng đựng cá. "Tao cũng chỉ đi nốt chuyến này thôi, mày cũng thế chứ?" - Tôi không hiểu Hoa nói gì - "Mày bảo sao?”. Chị Lan tổ trưởng không gọi điện cho mày à?". "Tao làm gì còn điện thoại từ ngày về ăn bám bố mẹ". "Thế nên mày không biết là phải rồi. Công ty đã có việc làm trở lại. Thứ hai tuần tới lên đi!".
Giữa chợ ồn ào mà tôi nghe từng tiếng con Hoa rành rọt. Xếp vội mớ rau cuối cùng, tôi phóng xe lên đổ vội ở chợ Đường Vòng. Vừa về đến nhà, dựng xe vào tường, tôi vội khoe với bố mẹ: "Công ty con có việc làm rồi!". "Thật không con?". "Thật ạ, bạn làm cùng con nói thế". "Thế thì nhà mình đỡ khổ rồi! - Bố tôi reo lên. Mẹ tôi cũng vui như lần đầu tiên tôi được tuyển vào công ty làm việc...
* * *
Vì nhà xe phải trả khách dọc đường nên tôi về đến nhà thì đã sẩm tối. Bố mẹ tôi vừa cúng gia tiên xong vẫn đợi tôi về ăn bữa cơm chiều ba mươi. Thấy tôi về cả nhà ra ngõ đón. "Sao Tết này con về muộn vậy?" - Bố tôi hỏi. "Tết này con bị "phạt", thưa bố!". "Con gái bố chỉ được cái nhớ dai. Chắc lỉnh kỉnh những hàng hoá, quà bánh này cũng là đồ "phạt" đấy hả?". Cả nhà cùng cười vui. "Công ty con vừa mới ký xuất khẩu lô hàng may mặc mới nên phải làm gấp, bố mẹ ạ!". "Vậy là mừng rồi, không còn Tết "ba không" nữa chứ?". "Dạ, Tết này "ba có" rồi, còn có hơn các Tết trước nữa, thưa bố mẹ!". "Cô có anh bạn trai đến ra mắt chứ gì?". Mẹ tôi xen vào làm tôi chợt nhớ đến anh.
Truyện ngắn củaNGUYỄN THẾ TRƯỜNG