Giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm trong các doanh nghiệp sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam đặc sắc, đa dạng và an toàn, phù hợp với tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Phát tờ rơi tuyên truyền về VSATTP tại Trường THCS xã Cẩm Định (Cẩm Giàng). Ảnh: Hoàng Kế |
Từ năm 2008, sau khi Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được thành lập, công tác quản lý về ATVSTP ở tỉnh ta đã có chuyển biến tích cực. Chi cục ưu tiên đặt công tác tuyên truyền lên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về vấn đề ATVSTP. Ban chỉ đạo về chất lượng ATVSTP các cấp, các ngành thành viên như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tỉnh… thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh VSATTP, các "nguyên tắc vàng" trong chế biến thực phẩm tới các nhóm đối tượng người tiêu dùng khác nhau trong xã hội. Năm 2009, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn kiến thức ATVSTP cho 9.775 lượt người tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD), chế biến thực phẩm; cấp hơn 64 nghìn tờ gấp; gần 600 áp-phích tuyên truyền về VSATTP, cấp 1.800 bản tin, 250 tạp chí “Thực phẩm và đời sống” cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền trên các hệ thống thông tin đại chúng được tăng cường. Song song với công tác truyền thông, Chi cục ATVSTP đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong lĩnh vực ATVSTP. Từ tháng 5-2009, chi cục đã thành lập được lực lượng thanh tra. Hiện tại, chi cục có 8 người được cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành. Với lực lượng thanh tra được chuyên môn hóa, công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đã được mở rộng với quy mô, số lượt nhiều hơn trước. Năm 2009, cấp tỉnh đã thành lập được 13 đoàn kiểm tra, cấp cơ sở đã thành lập được 300 đoàn kiểm tra liên ngành, đã kiểm tra ở gần 12.500 lượt cơ sở (có cơ sở được kiểm tra 2-3 lần/năm). Toàn tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình điểm về ATVSTP gồm 50 xã, phường, thị trấn; 1 làng nghề (làng bánh đa Tứ Minh); 1 khu lễ hội (lễ hội Côn Sơn), 1 trường học (Trường Tiểu học Bình Minh); 12 chợ; 2 phố về thức ăn đường phố (phố Phạm Ngũ Lão và phố Quang Trung, TP Hải Dương). Ở các mô hình điểm về ATVSTP, nhận thức của các cấp quản lý, cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt. Đã có 70% số cơ sở chế biến thức ăn đường phố ở các mô hình điểm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, 100% số ban chỉ đạo về chất lượng ATVSTP ở các mô hình điểm hoạt động có hiệu quả.
Mặc dù công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng ATVSTP trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường nhưng do tập quán ăn uống trong các đám hiếu, đám hỷ và số lượng các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp ngày càng nhiều, trong khi điều kiện tổ chức chế biến thực phẩm chưa bảo đảm nên trong năm 2009 toàn tỉnh vẫn xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm 527 người mắc. Đáng chú ý, sự thiếu trách nhiệm của các cơ sở sản xuất cơm hộp là nguyên nhân gây ra 50% số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, như tại các Công ty: May Makalot (Thanh Hà), May quốc tế Phú Nguyên (Nam Sách), Haivina (Gia Lộc) và Công ty Macromax-Cosmowood (Hải Dương) với số người mắc chiếm 64,8% tổng số người bị ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Các vụ ngộ độc thực phẩm đã làm giảm năng suất lao động, gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp và gây tâm lý hoang mang trong công nhân. Toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn cơ sở, doanh nghiệp SXKD, chế biến thực phẩm. Trên thực tế, mới chỉ có một bộ phận doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn có ý thức gây dựng uy tín bằng việc bảo đảm chất lượng ATVSTP cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến chưa chú trọng đến vấn đề ATVSTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Qua kiểm tra năm 2009, vẫn còn 28% số cơ sở, doanh nghiệp SXKD, chế biến thực phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP. Trong đó có 93 cơ sở vi phạm nặng bị phạt tiền với tổng số hơn 50 triệu đồng; 14 cơ sở bị hủy sản phẩm, 19 cơ sở bị đóng cửa. Chi cục ATVSTP tỉnh đã xét nghiệm 606 mẫu thực phẩm các loại, trong đó 7,5% mẫu xét nghiệm vi sinh vật không đạt tiêu chuẩn an toàn; 1,4% mẫu xét nghiệm hóa chất không đạt tiêu chuẩn an toàn. Trong khi đó, lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về ATVSTP trong tỉnh còn mỏng, thiếu phương tiện tác nghiệp nên không thể kiểm soát vấn đề chất lượng ATVSTP ở mọi cơ sở, doanh nghiệp…
Xuất phát từ thực trạng trên, Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm nay tập trung vào chủ đề “Giữ vững cam kết về trách nhiệm của doanh nghiệp với ATVSTP”. Mục tiêu là tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân và kiến thức, sức khỏe của người trực tiếp chế biến thực phẩm; bảo đảm an toàn, vệ sinh trong nuôi, trồng, chế biến, vận chuyển, bảo quản, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm. Cung cấp cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm các quy định về trách nhiệm bảo đảm ATVSTP, các quy định về công bố tiêu chuẩn sản phẩm, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATVSTP. Huy động các thành phần xã hội tham gia vào công tác bảo đảm chất lượng ATVSTP của doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết bảo đảm ATVSTP. Cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn và có trách nhiệm cung cấp thông tin về các nhà sản xuất có hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm ATVSTP.
Các hoạt động tập trung trên quy mô lớn triển khai trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm nay nhằm làm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm trong các doanh nghiệp, góp phần tạo dựng thương hiệu thực phẩm Việt Nam đặc sắc, đa dạng và an toàn, phù hợp với tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
MAI LIÊN