Giữ môi trường sạch cho vùng rươi

07/04/2015 08:18

Làm gì để khai thác rươi hiệu quả, để nguồn "lộc trời cho" không bị vơi cạn đang là vấn đề lớn cần được quan tâm.



Nông dân xã An Thanh (Tứ Kỳ) tự đắp đê khoanh vùng, xây các cống
điều tiết nước để khai thác rươi hiệu quả


Thiên nhiên đã ban tặng cho cư dân sống ven sông Thái Bình, Văn Úc, Lạch Tray những vùng đất bãi để khai thác rươi. Con rươi đã đánh thức những bãi sông hoang vu ngày nào và nông dân nơi đây cũng được đổi đời. Làm gì để khai thác rươi hiệu quả, để nguồn "lộc trời cho" không bị vơi cạn đang là vấn đề lớn cần được quan tâm.

Giữ đất sạch

Ông Phạm Văn Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: Vào mùa rươi những năm 1990-1991, cả ngày đi xăm ông chẳng kiếm được con rươi nào. Nguyên nhân chỉ vì khi ấy mọi người chưa biết bảo vệ môi trường. Nông dân dùng phân hóa học, phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ cho lúa khiến nguồn rươi cạn dần rồi mất hẳn. Thật may, nhờ kịp thời thay đổi tập quán canh tác cùng với sự giúp sức của các tổ chức nghiên cứu mà vùng rươi nay đã hồi sinh.

Để chứng minh những điều vừa nói, ông Thiệp đưa tôi đi thăm vùng khai thác rươi của thôn An Lao. Qua một cánh đồng nhỏ, cả một vùng bãi sông rộng lớn ngút ngàn màu xanh của chuối, của lúa dần hiện ra trước mắt tôi. Dừng lại ở một khu ruộng chỉ cấy toàn lúa hom, ông Thiệp bảo: "Lúa này sạch 100% đấy". Thấy tôi ngạc nhiên, ông Thiệp giải thích: "Gọi là lúa sạch bởi người dân ở đây cấy lúa nhưng không sử dụng thuốc sâu, thuốc cỏ, không bón phân hóa học. Năng suất lúa ở đây không cao, khoảng 70 kg/sào/vụ. Nông dân An Thanh cấy lúa chỉ để cải tạo đất, bảo vệ môi trường cho rươi, cáy sống khỏe".

Xã An Thanh có hơn 100 ha đất bãi. Trong đó, tập trung chủ yếu ở thôn An Lao, An Định và Thanh Kỳ. Những năm gần đây, mô hình trồng chuối, khai thác rươi, nuôi cáy đem lại cho người dân nơi đây thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Vũ Xuân Hời, "vua rươi" của xã An Thanh cho biết: "Ở nhiều nơi, nguồn thủy sản tự nhiên đang mất dần bởi môi trường ô nhiễm và cách khai thác tận diệt thì ở An Thanh người dân vừa khai thác nguồn lợi thủy sản này, vừa gìn giữ môi trường. Rươi là sinh vật sống hoàn toàn tự nhiên ở vùng nước lợ. Đến bây giờ chưa ai nuôi được rươi, chưa nhà nghiên cứu nào biết được rươi ăn gì, sinh sản thế nào nhưng chúng tôi thấy chỉ thu hoạch được nhiều rươi khi thường xuyên cải tạo đất, giữ môi trường xanh, sạch".

Bãi khai thác rươi của thôn Tú Y, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) trước đây bỏ hoang, cỏ mọc ngang người, vậy mà giờ đây nông dân ở vùng bãi này đã biết đắp bờ, khoanh vùng để khai thác rươi, cáy. Để giữ gìn môi trường sống cho vùng rươi, UBND xã Vĩnh Lập hướng dẫn các hộ dân cấy lúa không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ mà bón phân hữu cơ và rơm rạ mục tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho rươi, cáy. So với vùng rươi An Thanh, vùng rươi ở Vĩnh Lập nhỏ hơn, người dân ở đây cũng chưa có nhiều kinh nghiệm khai thác rươi hiệu quả bằng người dân vùng An Lao, An Định. Tuy nhiên, họ cũng đã có ý thức bảo vệ môi trường sống cho những loại sinh vật này. Chị Nguyễn Thị Tải, một hộ dân khai thác rươi ở vùng bãi thôn Tú Y cho biết: "Rươi cần môi trường sống tự nhiên nên ngoài cấy lúa sạch chúng tôi còn trồng chuối, đu đủ ven các bờ vùng để giữ bờ, giữ bóng mát, lại có thêm thu nhập. Bây giờ ngoài vụ rươi chính vào tháng 9, tháng 10, thời điểm này chúng tôi còn thu hoạch được rươi chiêm, giá bán khoảng 500.000 đồng/kg".

Ở những vùng khai thác rươi, nông dân chỉ cấy vụ chiêm, bỏ vụ mùa để dưỡng đất. Sau khi thu hoạch lúa, người dân để lại rơm rạ, cho nước xâm xấp mặt ruộng để rơm rạ phân hủy rồi bừa nhuyễn. Người dân nơi đây còn dùng phân gà ủ mục để bón cho đất tơi xốp, màu mỡ, tạo điều kiện cho rươi, cáy sinh sống và phát triển.

Quy hoạch bài bản

Mặc dù việc khai thác rươi tự nhiên đã được người dân áp dụng từ lâu nhưng làm thế nào để quy hoạch các vùng khai thác rươi phù hợp, không làm biến đổi môi trường sống của loài sinh vật này lại đang là vấn đề mới đặt ra. Ở An Thanh mấy năm gần đây, người dân đã biết đắp đê khoanh vùng, xây dựng hệ thống thủy lợi. Nhờ các cống điều tiết nước mà người dân vùng rươi có thể đưa nước thủy triều vào bãi và điều chỉnh nước thoát ra sông khi cần thiết. Hệ thống cống lấy nước này cũng là nơi người dân đóng xăm thu hoạch rươi theo mùa vụ. "Nhờ xây dựng hệ thống cống điều tiết nước mà đất không bị khê, rươi có thể giữ được vài ngày không bị chết. Có cống, nông dân không phải ra bãi vớt rươi như trước mà có thể thắp điện sáng choang vớt rươi ngay ban đêm ở gần khu chòi canh", chị Vũ Thị Hương ở thôn An Định nói.

Để giúp người dân khai thác rươi thuận lợi, xã An Thanh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa tại thôn An Định và An Lao, bình quân hơn 1 thửa/hộ, giảm 3 thửa/hộ so với trước đây. Các xã Tam Kỳ (Kim Thành), Thanh Xuân, Vĩnh Lập (Thanh Hà) cũng đã quy hoạch vùng khai thác rươi cho các hộ đấu thầu sử dụng.   

Mặc dù xây dựng hệ thống đê bao và điều tiết nước giúp thu hoạch rươi dễ dàng nhưng nếu để người dân tiếp tục tự ý xây dựng, quy hoạch vùng khai thác rươi không khoa học sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác rươi lâu dài. Trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đầu tháng 3 vừa qua, UBND xã An Thanh đã đề nghị tỉnh cho phép các hộ dân được xây nhà trông coi, để dụng cụ tại vùng khai thác rươi, đồng thời làm đường giao thông nội đồng để các tiểu thương thu mua rươi thuận lợi. Tuy nhiên, tại buổi làm việc này, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan đã bàn bạc và thống nhất không cho phép các hộ dân ở đây xây nhà trông coi tại vùng khai thác rươi. Theo ý kiến của các sở, ban, ngành, nếu để người dân xây nhà tạm, nhà trông coi khu vực này sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc xây nhà trái phép trên đất chuyển đổi. Ngoài ra, khi người dân sinh sống ngay ở khu bãi sông sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của rươi.

Mỗi cân rươi có giá nửa triệu đồng, nhờ rươi mà nhiều hộ dân ở An Thanh, Vĩnh Lập, Tam Kỳ đổi đời, cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, "lộc trời" sẽ không còn mãi nếu người dân không biết cách khai thác bền vững. Do đó, các nhà quản lý, nhà khoa học cần nhanh chóng vào cuộc để con rươi thực sự mang lại nguồn lợi bền vững.

LAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ môi trường sạch cho vùng rươi