Tưởng chừng cuộc sống ngày một hiện đại, những tập tục, nếp sống, trò chơi truyền thống vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc sẽ bị mai một dần.
Trò chơi đi cầu thùm cạn ở làng Lâm Xuyên cuốn hút người chơi ở đủ lứa tuổi
Thế nhưng ở nhiều địa phương trong tỉnh, không gian văn hóa làng với những lễ hội truyền thống, những trò chơi dân gian… vẫn được gìn giữ, bảo tồn.
Hồn quê
Từ hàng trăm năm nay, cứ mỗi độ xuân về, vào sáng mùng 3 Tết, già trẻ, gái trai làng Phú Xá, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) lại nô nức kéo nhau ra đình xem lễ hội chọi gà truyền thống. Người xem đứng kín xung quanh sới gà. Lễ hội được hình thành và gắn liền với lịch sử xây dựng, phát triển của làng từ mấy trăm năm nay. Từ năm 1987 trở về trước, lễ hội chọi gà của làng có 2 nội dung: thi gà chọi thờ (gà công) và thi chọi gà của người dân trong vùng (gà tư). Gà thờ là của các dòng họ nuôi để tham gia lễ hội. Kết thúc lễ hội, gà dù thắng hay thua đều được làm thịt để cúng. Gà làm lễ xong chia cho mỗi gia đình một phần. Nhận được miếng gà lộc, các gia đình đều rất trân trọng, tin tưởng năm mới gặp nhiều may mắn.
Từ hàng trăm năm nay, thôn Mậu Tài, xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) duy trì tổ chức lễ "Kỳ phước" (cầu phúc) tại đình và lễ hạ cây nêu của các gia đình vào ngày mùng 7 Tết. Tuy hiện nay hầu như không còn nhà nào trồng cây nêu nhưng người dân vẫn duy trì ngày này. Cụ Lê Duy Chuyện (86 tuổi) kể: "Lễ Kỳ phước và lễ hạ cây nêu của thôn gắn liền với sự kiện vua Quang Trung tiến quân ra kinh thành Thăng Long. Vào ngày mùng 6 Tết năm 1789, một cánh quân của vua Quang Trung trên đường tiến đánh thành Thăng Long đã dừng chân ở đây làm thang tre và khí giới. Công việc đang diễn ra khẩn trương thì được tin báo vua Quang Trung đã tiêu diệt hàng chục vạn quân Thanh giải phóng toàn bộ kinh thành Thăng Long. Tướng sĩ và nhân dân vô cùng vui sướng liền mở hội ăn mừng chiến thắng vào ngày mùng 7 Tết và làm lễ hạ cây nêu". Vào ngày lễ "Kỳ phước" và hạ cây nêu, người dân ăn to hơn cả 3 ngày Tết. Trong ngày này, món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của mỗi gia đình và thôn để đãi khách là bún thang. Món bún thang nhất thiết phải có rau diếp, cá đen (cá rô đồng, cá chuối), rau thơm. Khi ăn, lớp rau diếp để ở dưới bát, sau đó đến bún và trên cùng là thịt cá. Các lớp được sắp xếp như vậy cùng với dùng đũa khi ăn tượng trưng cho việc dùng thang tre đánh phá từng lớp tường thành. Món ăn có tên là bún thang cũng một phần bắt nguồn từ đó. Từ ngày mùng 6 Tết, không khí chuẩn bị của dân làng diễn ra tấp nập. Người dân từ các nơi mang bún, cá đen đến thôn bán nhộn nhịp từ chiều đến tối.
Các tập tục, hoạt động truyền thống không chỉ gắn với thời gian diễn ra lễ hội làng mà còn được nhiều thôn, khu dân cư tổ chức vào dịp đầu năm mới. Ai đã một lần về ngôi làng cổ Lâm Xuyên, xã Phú Điền (Nam Sách) vào sáng mùng 1 Tết sẽ không thể quên hoạt động vui Tết đón xuân đặc sắc, đậm chất văn hóa truyền thống ở đây. Trên khuôn viên của sân đình, nhà văn hóa, sân thể thao của làng, các hoạt động đấu vật, kéo co, chọi gà, đi cầu thùm cạn, bịt mắt đánh trống, bịt mắt đập niêu, bắt vịt, cờ tướng... diễn ra đan xen không ngớt. Người dân từ các nơi đổ về đứng quây kín vòng trong, vòng ngoài điểm diễn ra các hoạt động. Tiếng trống vật liên hồi gióng lên cùng với tiếng người reo hò cổ vũ khiến cho không gian tưng bừng, náo nhiệt cả ngày.
Ông Nguyễn Văn Chứ, Bí thư Chi bộ làng Lâm Xuyên cho biết: "Theo các cụ truyền lại, hoạt động vui Tết đón xuân được duy trì cách đây mấy chục năm để động viên nhân dân, tạo không khí phấn khởi, gặp nhiều may mắn. Trong các hoạt động thì không thể thiếu đấu vật cho dù năm đó làm ăn có thuận lợi hay không".
Ngày hội đoàn viên
Những lễ hội, hoạt động truyền thống được duy trì tổ chức vào ngày Tết là một sợi dây vô hình kéo những người con xa quê tìm về với quê hương, gia đình và xây dựng mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giúp tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt.
Anh Nguyễn Văn Bình, quê ở làng Lâm Xuyên, đang sinh sống, công tác tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) chia sẻ: "Ngày nhỏ, những trò chơi dân gian truyền thống trong ngày Tết ở làng đã luôn in đậm trong tâm trí tôi. Bởi vậy dù làm ăn xa quê đã gần 20 năm nhưng hầu như năm nào tôi cũng về làng tham dự".
Cũng không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm năm nay, con em của làng Mậu Tài dù làm ăn ở đâu, nếu trong 3 ngày Tết không về được thì đều cố gắng có mặt ở quê vào ngày mùng 7 Tết. Đây là thời điểm người dân thôn Mậu Tài tổng kết quãng thời gian nghỉ Tết để bước vào công việc của năm mới. Tình cảm gia đình, làng xóm càng thêm bền chặt nhờ lễ “Kỳ phước”. Ông Vũ Thế Hởi chia sẻ: "Vào ngày mùng 7 Tết, các con cháu tôi dù công tác, học tập ở xa đều có mặt đông đủ. Buổi sáng, cả nhà ra đình làm lễ dâng hương rồi về ăn bữa cơm sum vầy. Ai ai cũng phấn khởi".
Lễ hội chọi gà làng Phú Xá cũng là nơi thể hiện tình cảm, tinh thần đoàn kết giữa các dòng họ, giáo dục truyền thống, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ. Giá trị ấy thể hiện rất rõ trong việc nuôi, chăm sóc gà chọi. Gà chọi tham gia lễ hội là niềm tự hào không chỉ đối với người nuôi mà của cả dòng họ. Do đó, cả dòng họ cùng phải có trách nhiệm từ việc chọn con gà giống ưng ý đến việc chăm sóc, bảo vệ, huấn luyện. Gà tham dự lễ hội to khỏe, có lối đánh hay, giành giải cao là niềm hãnh diện của cả họ.
Với những ý nghĩa đó, các lễ hội, tập tục truyền thống trong những ngày Tết ngày càng “bén rễ”, chứng tỏ sức sống mãnh liệt không chỉ với người dân trong làng, trong xã mà cả trong vùng, trong tỉnh, thậm chí rộng hơn nữa về chung vui. Không gian văn hóa làng nhờ thế mà được gìn giữ, bảo tồn mãi.
DANH TRUNG
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay tỉnh có 2.207 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Trong đó có khoảng 870 di tích tổ chức lễ hội. Các lễ hội tổ chức vào mùa xuân chiếm gần 70%. |