Giữ bình yên thôn xóm nhờ hòa giải

19/06/2023 08:53

Những năm qua, công tác hòa giải cơ sở ở tỉnh Hải Dương đã giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân theo hướng “đúng sai phân minh - lý tình trọn vẹn”, góp phần gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân.


Tổ hòa giải khu dân cư số 5 phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) phân công nhiệm vụ cho từng hòa giải viên

Giải tỏa mâu thuẫn

Nhiều lần đi cơ sở, phóng viên ghi nhận những trường hợp anh em, bạn bè “rượu vào, lời ra”, vợ chồng mâu thuẫn, cha mẹ, con cái bất hoà, hàng xóm xích mích… cần được hòa giải.

Đơn cử, đầu năm 2022, gia đình bà N.T.T.C. và bà N.T.T. ở đường Thống Nhất, phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) đã xảy ra mâu thuẫn vì cạnh tranh khách hàng. Mâu thuẫn không được giải quyết bằng lời nói nên đã xảy ra đánh nhau, có những lời nói xúc phạm. Khi nắm rõ được nguyên nhân, Tổ hòa giải số 5 do ông Bùi Văn Thắng làm Tổ trưởng đã 2 lần đến nhà phân tích và khuyên nhủ gia đình. Cuối cùng, 2 gia đình đã xin lỗi nhau và hứa sẽ không để xảy ra mâu thuẫn nào nữa trong việc kinh doanh. 

Còn ở thôn Hán Lý, xã Hưng Long (Ninh Giang), người dân trong thôn tấm tắc khen sự hòa giải kịp thời của Tổ hòa giải trong thôn đối với mâu thuẫn đất đai của ông N.G.T. và N.G.N. Vụ việc xảy ra trong gia đình từ xa xưa, khi bố đẻ làm nhà cho em trai là ông N. đã mượn 1 phần đất của anh trai là ông T. cho đẹp hướng nhưng ông N. không hay biết. Đến nay ông N. làm lại nhà, ông T. yêu cầu trả lại phần đất đó cho mình nhưng ông N. không đồng ý. Quá trình trao đổi đã xảy ra lời qua tiếng lại giữa 2 anh em.

Nắm bắt sự việc qua dư luận xã hội, ông Nguyễn Đắc Tùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Hán Lý, xã Hưng Long cùng 3 hòa giải viên khác đến nói chuyện, đồng thời mời công chức địa chính xã đến phân tích, đo đạc lại mốc giới. Sau khi được hòa giải, người em là ông N. đã nhìn nhận vấn đề, đồng ý trả lại phần đất cho ông T. 2 anh em lại bắt tay thắt chặt tình đoàn kết.

Tháng 1.2023, ở thôn Hoành Bồ, xã Lê Hồng (Thanh Miện) xảy ra tranh chấp phần mộ ở nghĩa trang nhân dân. Tổ hòa giải đã gặp gia đình ông N.V.L. và bà V.T.H. giải thích việc mâu thuẫn không đáng có, ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh tại địa phương. 2 gia đình đã hiểu vấn đề, không còn tranh chấp. Ông Phạm Văn Thủy, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Hoành Bồ cho hay: “Ở nông thôn tình cảm hàng xóm láng giềng rất dạt dào, nhưng cũng dễ xảy ra va chạm kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên hoạt động hòa giải phải lấy cái lý, cái tình để thuyết phục, không nên “đao to, búa lớn”, không định kiến với sự việc và con người”.


Các hòa giải viên tham gia Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Hải Dương năm 2022 nhằm học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải (ảnh tư liệu)

Nhân rộng cách làm hay

Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có 2.137 tổ hòa giải với 14.175 hòa giải viên. Trong năm 2022, các tổ này đã thực hiện hòa giải thành 1.639/2.136 vụ việc hòa giải, đạt tỷ lệ 76,7%. Từ đầu năm 2023 đến ngày 15.6, các tổ đã hòa giải thành 850/1.025 vụ việc, đạt tỷ lệ 83%. Bằng hiểu biết về pháp luật, sự kiên nhẫn, vốn sống và kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, các tổ hoà giải trong tỉnh đã có nhiều cách làm hay, dân vận khéo léo, kết hợp giữa lý và tình tháo gỡ những mối bất hòa, giúp các bên bình tĩnh nhận ra những thiếu sót, hành xử chưa đúng của mình.


Tổ hòa giải thôn Hán Lý, xã Hưng Long (Ninh Giang) tuyên truyền pháp luật, nắm bắt dư luận để hòa giải cơ s

Ông Lê Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương cho biết, thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ hoà giải thành ngày càng cao. Các tổ hòa giải ở địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả với nhiều mô hình hoà giải ở cơ sở điển hình đã được Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Hải Dương, cấp huyện khen thưởng… Các hoạt động hòa giải đã đáp ứng tốt nguyện vọng của nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt... Thời gian tới, Sở Tư pháp Hải Dương tiếp tục tăng cường sự phối hợp trong công tác hòa giải; củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc triển khai các mô hình điển hình về công tác hoà giải ở cơ sở; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật; hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật...

Thực tiễn cho thấy, các mâu thuẫn, tranh chấp trong dân cư có xu hướng phức tạp, nhất là ở lĩnh vực hôn nhân - gia đình, đất đai… đòi hỏi hòa giải viên phải có kiến thức pháp luật nhất định, phương pháp xử lý phải nhuần nhuyễn mới hòa giải thành công. Hơn nữa, hiện nay kinh phí dành cho công tác hòa giải, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho hòa giải viên chưa cao. Các cấp cần quan tâm hơn nữa đến chế độ thù lao xứng đáng cho các hòa giải viên, từ đó mới thu hút được nhiều cá nhân có năng lực tham gia công tác hoà giải.

THÀNH ĐẠT

(0) Bình luận
Giữ bình yên thôn xóm nhờ hòa giải