Giữ bình yên cho những chuyến tàu

05/09/2014 05:37

Những người dân tham gia làm cảnh giới tại các đường ngang dân sinh góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh...



Ông Nhưỡng làm nhiệm vụ cảnh giới tại một đường ngang dân sinh qua xã Cổ Dũng

Chỉ 500 nghìn đồng hỗ trợ mỗi người/tháng nhưng với sự tận tâm và trách nhiệm, những người dân tham gia làm cảnh giới tại các đường ngang dân sinh qua tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đã và đang góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

"Căng như dây đàn"

Cứ vào khoảng 17 giờ hằng ngày, trên địa bàn huyện Kim Thành khi sắp có một chuyến tàu khách chạy hướng Hà Nội - Hải Phòng đi qua là tại 22 điểm đường ngang dân sinh những người làm nhiệm vụ cảnh giới đã có mặt. Chỉ với một lá cờ hiệu và chiếc còi, gần một năm qua họ đã và đang góp phần nhỏ bé để những chuyến tàu qua đây trở nên an toàn hơn.

Bà Nguyễn Thị Tỉnh, 50 tuổi, ở thôn Phạm Xá 2, xã Tuấn Hưng là người ít tuổi nhất trong tổ 3 người làm nhiệm vụ cảnh giới nên được phân công trực ca chiều tối. Hơn 20 năm sinh sống, buôn bán gần đường tàu, bà Tỉnh nhiều lần chứng kiến không ít vụ tai nạn kinh hoàng diễn ra ngay trước cửa nhà mình. Do tuyến đường ngang mà tổ của bà phụ trách là đường liên huyện, nối từ quốc lộ 5 đến đò Phạm để đi Thanh Hà nên hằng ngày lượng người và phương tiện qua đây rất lớn. Đây là điểm chính trong 7 đường ngang dân sinh có người cảnh giới trên địa bàn xã. Trước đây, mỗi khi có tàu chạy qua, nếu bán hàng ở nhà bà Tỉnh thường quan sát để nhắc nhở người đi đường. Từ khi việc nhắc nhở người đi đường trở thành công việc của mình, bà Tỉnh cảm thấy mỗi khi tàu qua đều “căng như dây đàn”. Bất kể trời mưa hay nắng, mỗi khi có tàu qua là bà đều thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi đó, người và xe nối đuôi nhau chờ dài nên ai cũng muốn vượt qua đường tàu thật nhanh. Từ khi được phát cờ và còi, hầu hết người đi đường mỗi khi thấy bà ra hiệu lệnh đều nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, không ít người vì chủ quan nên vẫn cố tình chạy cắt ngang ngay trước tàu hỏa. Bà Tỉnh lo lắng: “Từ khi tổ chúng tôi làm nhiệm vụ tại đây không còn xảy ra tai nạn nữa. Nhưng một số người nhìn thấy tàu còn cách xa vài chục mét vẫn cố tình vượt qua. Nếu vấp ngã ở đường ray thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Nhiều phen hú vía

Làm cảnh giới tại km 70, ông Nguyễn Hữu Nhưỡng ở đội 7, thôn Đông, xã Cổ Dũng (Kim Thành) đã trải qua nhiều tình huống thót tim vì người tham gia giao thông thiếu ý thức. Từ khi làm nhiệm vụ đến nay, ông Nhưỡng đã không dưới 3 lần ngăn cản kịp thời người đi đường lao vào đường ray khi tàu đang chạy tới. Trong đó có vụ việc xảy ra cách đây chừng 2 tháng, khi 4 nam thanh niên suýt chút nữa bị tàu hỏa cướp đi tính mạng khiến ông đến bây giờ vẫn còn run. Ông Nhưỡng kể lại, hôm đó, vào khoảng 19 giờ 20, khi ông đang đứng cảnh giới thì có 4 thanh niên cởi trần, không đội mũ bảo hiểm ngồi trên một chiếc xe máy, đi từ quốc lộ 5 vào làng. Tàu đang tiến lại gần, mặc dù ông đã ra tín hiệu dừng xe nhưng họ vẫn định cho xe băng qua đường tàu. Hoảng quá, ông phải bỏ cả cờ chạy đến kéo chiếc xe máy đang lên dốc, định lao vào đường ray lại. Đúng lúc đó thì tàu hỏa vụt qua. Khi ông quát hỏi 4 thanh niên kia sao thấy tàu đến mà vẫn đi qua thì cả 4 người đều ngà ngà hơi men, tưởng đèn, còi tàu là của công-ten-nơ trên quốc lộ 5.

Ông Nhưỡng cho biết, làm cảnh giới tưởng chừng đơn giản mà lại không phải vậy. Do công việc liên quan trực tiếp đến tính mạng của nhiều người nên trách nhiệm mà những người như ông cũng rất lớn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, người cảnh giới cần phải có những kỹ năng nhất định. Vì hằng ngày không được thông báo cụ thể giờ tàu chạy nên ông Nhưỡng phải dựa vào lịch trình tàu chạy có sẵn mà cơ quan chức năng cung cấp. Giờ tàu chạy không phải lúc nào cũng chính xác 100% nên ông thường phải ra điểm cảnh giới sớm 10 phút và chờ tới khi nào tàu qua thì mới được về. Nhà ở gần đường ray, ông Nhưỡng đã quá quen giờ tàu qua nhưng không vì thế mà ông chủ quan. “Tôi thường lấy giờ theo đồng hồ trên ti-vi cho chính xác. Những kỹ năng như đọc tín hiệu đèn để biết tàu chạy hướng nào, khi cảnh giới phải đứng bên trái hướng tàu chạy không phải ai cũng biết. Mình đã được tập huấn, trả công để làm việc này thì phải làm đến nơi đến chốn”, ông Nhưỡng nói.

Đang trò chuyện với chúng tôi, ông Nhưỡng nhìn đồng hồ rồi cho biết, khoảng 15 phút nữa là tàu mang số hiệu LP7 đi từ Hải Phòng chạy qua, ông phải ra sớm để làm nhiệm vụ của mình. Theo đánh giá của ông Nhưỡng, km 70 mà ông cảnh giới còn “dễ thở” hơn rất nhiều so với một số điểm khác trên địa bàn xã. Tuy nhiên, do ý thức người tham gia giao thông còn kém nên đôi lúc cũng khá vất vả. Để việc cảnh giới hiệu quả hơn, ông kiến nghị cơ quan chức năng bố trí người cảnh giới tại nhiều đường ngang khác nữa trên toàn tuyến thì sẽ an toàn hơn. Bên cạnh đó, nếu những người cảnh giới được trang bị đồng phục, đèn tín hiệu vào ban đêm và được lắp đặt ba-ri-e thì người tham gia giao thông sẽ nâng cao ý thức và phải nghiêm chỉnh chấp hành hiệu lệnh.

HẠO NHIÊN

(0) Bình luận
Giữ bình yên cho những chuyến tàu