Hoành, chồng Thuy vốn là kĩ sư xây dựng, hay đi làm công trình. Trong khi nhiều người phải nghỉ việc hoặc giãn việc do dịch bệnh thì công việc của Hoành vẫn đều đều, tháng nọ bù tháng kia cũng được đôi ba chục triệu.
Thuy làm giáo viên mầm non, thu nhập không cao. Từ khi dịch bệnh xảy ra, các khoản còn bị thâm hụt. Bình thường mỗi tháng Hoành đưa cho vợ 7 triệu, vì theo tính toán của anh, cộng vào với thu nhập Thuy cũng đủ chi tiêu cho cả nhà. Khoản còn lại Hoành giữ hết, vợ không có quyền quản lý. Với số tiền ấy, Thuy phải chi tiêu dè dặt, tính toán chi ly căn cơ lắm mới đủ. Có lần, vô tình nhìn thấy chồng đưa tiền biếu mẹ chồng, Thuy hỏi nhưng Hoành bảo đấy là việc riêng, Thuy không được can dự. Ngược lại đối với bên ngoại, Hoành chẳng mấy khi chủ động bỏ tiền biếu bố mẹ vợ một đồng, kể cả lúc nhà ngoại có việc.
Cuối tuần, Thuy về thăm bố mẹ đẻ. Thấy bà đang tần ngần buồn bã, hỏi chuyện mới biết hôm qua chập điện, cháy mất cái nồi cơm điện. Cái nồi đã dùng mấy năm nay, tuy đã cũ nhưng vẫn được mẹ Thuy giữ gìn, lau chùi cẩn thận. Giờ mẹ phải lấy cái nồi gang cũ ra nấu tạm để chờ đến tháng lương hưu mới dám mua cái mới. Vừa nấu, bà vừa vui vẻ bảo, nồi gang nấu cơm rất ngon, lại thơm nữa. Nghe mẹ đùa mà lòng Thuy quặn lại vì thương, mẹ phải ngồi canh nồi cơm vì sợ nước sôi trào tắt bếp, rồi sợ cơm cháy, mà mẹ lại đang bị đau lưng. Đợt dịch Covid-19 kéo dài, bà cũng chưa đi khám được.
Thế là Thuy quyết định mua biếu bố mẹ cái nồi cơm điện mới của Nhật. Nhưng đúng lúc nhân viên qua giao hàng thì chồng Thuy bắt gặp. Về nhà Hoành gằn lên: "Em lấy đâu ra tiền mà lộng hành chi tiêu vượt quyền thế. Ông bà có lương hưu thì cứ để ông bà mua, có mỗi cái nồi cơm điện chứ nhiều nhặn gì mà không sắm nổi!".
Nghe chồng nói vậy, Thuy ức lắm. Nghĩ cảnh chồng mua đủ thứ cho bố mẹ chồng mà chẳng bao giờ có nổi món quà cho bố mẹ vợ. Thế rồi, cứ lời qua tiếng lại, Hoành quay ra đay nghiến vợ đã bòn rút tiền của chồng để lo cho nhà đẻ. Thuy giờ mới nhận thấy sự ích kỷ của chồng khi bao năm nay, mỗi tháng anh đưa được cho vợ có vài triệu, chi tiêu thừa thiếu thế nào không cần biết. Buồn hơn khi thấy chồng coi thường mình, bao năm Thuy làm ăn chăm chỉ tiết kiệm, hết mực lo cho chồng, cho con, vậy mà chồng cũng không ghi nhận. Chỉ vì cô mua biếu mẹ cái nồi cơm điện mà chồng lại bảo mình bòn rút, vậy thì nếu khi bố mẹ cô ốm đau hay cần những khoản lớn hơn thì sẽ ra sao? Sẵn nỗi uất ức, Thuy gằn giọng: "Em cũng biếu bố mẹ bằng tiền của mình, không liên quan tới anh. Tiền chung anh góp với em, hằng tháng chi tiêu ra sao, thừa thiếu thế nào anh về tự đối chiếu sổ sách là rõ. Chính anh từng bảo em, muốn biếu đồ bố mẹ mình thì tự kiếm tiền để lo giống như anh còn gì. Em đang làm đúng theo ý anh đấy, bố mẹ ai người ấy lo, không ai liên quan ai". Nói xong Thuy quay đi.
Bất ngờ trước thái độ phản kháng của vợ, Hoành kéo giật tay vợ để nói chuyện. Chiếc túi trên tay Thuy rơi ra, giấy tờ văng tung xuống đất cùng cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng cô chưa kịp cất... Hoành sững sờ: "À, thì ra là thế, bớt xén tiền đi gửi làm của riêng hả?". Thuy lấy lại sự cứng cỏi, bảo: "Anh cất tiền riêng thì em cũng phải có khoản phòng thân! Anh chả bảo anh góp đủ cho em 7 triệu, số còn lại là việc riêng của anh, thì em cũng thế". Rồi cô thở dài, thay đổi xưng hô: "Anh có biết suốt thời gian dịch bệnh vừa qua, tôi không còn thu nhập như trước, phải đi làm cả công việc giao đồ ăn để kiếm thêm tiền không? Anh đi làm cả ngày, sao biết được tôi vất vả thế nào, vừa giao hàng vừa con cái, vừa cơm nước cho cả nhà".
Hoành sững người. Nghe vợ nói anh mới giật mình nhìn lại, thấy Thuy có vẻ gầy hơn trước. Có thể Thuy đã nói đúng. Anh có ích kỷ quá không? Hoành cảm thấy mình thật có lỗi với vợ. Sự việc hôm nay giống như giọt nước tràn ly, khiến Thuy không thể chịu đựng thêm được nữa. Ai cũng có tình cảm dành cho đấng sinh thành. Nhưng Hoành đã cấm cản Thuy làm việc ấy, khiến lòng Thuy đau nhói. Cô gần như đã dứt khoát đối với mối quan hệ này. Như đọc được điều ấy trong ánh mắt Thuy, Hoành tự hiểu, mình cần phải làm gì lúc này, trước khi quá muộn!
BÙI THU HẰNG