Giống khoai tây Erika và giống lúa ĐS1 đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao
Ban Chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả thực hiện mô hình sản xuất giống khoai tây Erika
Sáng 14.5, Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài "Xây dựng mô hình sản xuất giống khoai tây Erika thương phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương" và dự án "Xây dựng mô hình chuỗi giá trị hàng hóa đối với giống lúa ĐS1 phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Hải Dương". Hai đề tài, dự án này đều do Công ty CP Giống cây lương thực và cây thực phẩm chủ trì thực hiện (tiến sĩ Trương Công Tuyện, Tổng Giám đốc công ty làm chủ nhiệm).
Năm 2019, Ban Chủ nhiệm đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây Erika thương phẩm với tổng diện tích 12 ha. Trong đó, mô hình vụ xuân ở các huyện Thanh Miện, Nam Sách đạt năng suất trung bình 28,1 tấn/ha, tỷ lệ thu mua 85-90%. Mô hình vụ đông ở các huyện Gia Lộc và Nam Sách có năng suất trung bình 26,7 tấn/ha, tỷ lệ thu mua từ 90-95% tổng sản lượng. Qua các mô hình cho thấy giống khoai tây Erika sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn từ 15-20% so với một số giống khoai tây như Diamant, Solara, Sinora đang trồng ở địa phương.
Trong năm 2018 và 2019, các mô hình sản xuất giống lúa ĐS1 đã được xây dựng tại các huyện Thanh Miện, Bình Giang và Gia Lộc với tổng diện tích 400 ha. Theo đánh giá, giống ĐS1 cho năng suất cao, gạo ngon, cơm mềm, dẻo, vị đậm, ngọt… Giống lúa này có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, tính thích ứng rộng nên phù hợp cho nhiều vụ. Vụ xuân năm 2019, năng suất lúa ĐS1 tại các mô hình đạt từ 6,5-7 tấn/ha trong khi năng suất của giống lúa Bắc thơm số 7 đạt 6 tấn/ha. Năm 2019, giống lúa ĐS1 đem lại thu nhập cho nông dân tham gia mô hình khoảng 33 triệu đồng/ha, cao hơn so với giống lúa Bắc thơm 7 là 6 triệu đồng/ha. Sản phẩm được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua từ 80-90% số thóc tươi ngay tại đầu bờ.
PV