Văng tục, nói bậy đang trở thành cách nói chuyện giữa các bạn trẻ, là cách thể hiện “đẳng cấp”, chất chơi của một bộ phận không nhỏ của các bạn trẻ hiện nay...
Giới trẻ hay nói tục, chửi thề khi tụ tập (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Trước đây, người ta thường thấy việc văng tục, nói bậy chỉ thường thấy xuất hiện ở chợ hay của những người ăn nói thô tục, nhưng bây giờ việc văng tục, nói bậy lại trở thành cách nói chuyện giữa các bạn trẻ, là cách thể hiện “đẳng cấp”, chất chơi của một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ.
Văng tục, nói bậy tràn lanCó mặt tại cổng một trường THPT ở TP Hải Dương vào giờ tan học, từng tốp học sinh trong màu áo đồng phục đạp xe khỏi cổng trường. Một nhóm bạn cả nam lẫn nữ với vẻ ngoài sành điệu đứng chờ vài người đang lấy xe. Một cô gái có vẻ bề ngoài xinh xắn, gương mặt được trang điểm khá nổi bật với vẻ sốt ruột: “...Hai thằng điên này làm gì mà lâu thế, hay kệ m. nó, bọn mình đi trước đi!”. Một cậu bạn trong nhóm xen vào: “Hai thằng này lâu vãi, đ. chờ nữa, bọn mình đi trước”. Vừa nói xong, cậu học sinh vội rút điện thoại gọi cho 2 người bạn cả nhóm đang chờ và quát to: "Kệ bà chúng mày, bọn ông đi trước đây"... Nghe đoạn hội thoại đó, nếu không biết từ trước đó là các bạn học sinh đang đứng trước cổng trường thì có lẽ tôi đã dễ nhầm với một nhóm "đàn anh, đàn chị" nào đó rất "ngầu".
Không chỉ ở ngay cổng trường học, ở đâu cũng dễ dàng nghe thấy được những câu nói không mấy thiện cảm của các bạn trẻ. Tại các quán trà chanh, trà đá vỉa hè trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Hồng Quang, Nguyễn Lương Bằng của TP Hải Dương vào bất kỳ một buổi tối nào trong tuần, cũng sẽ bắt gặp khá đông các bạn trẻ ngồi tụm nhau lại bên các quán cóc và nói chuyện. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như các bạn trẻ đó không buông ra những lời lẽ thô thiển có phần thiếu văn hóa. Chỉ cần một nhóm bạn đi ngoài đường rú ga hoặc cười đùa hơi lố bịch, thì ngay lập tức sẽ nhận được những lời nói theo kiểu "M. mấy đứa dở người… Đúng là lũ "cua mề" (quê mùa - PV)"... Nếu muốn chứng kiến được hết "khả năng" văng tục, nói bậy của các bạn trẻ có lẽ rõ nhất là tại các quán game... Tôi có mặt tại quán điện tử với trò đá bóng trên phố Đội Cấn vào lúc 17 giờ một ngày đầu tháng 9. Lúc này, quán có khá đông các bạn trẻ đang say mê với các trận đấu bóng ảo. Tay cầm điều khiển chơi game, mắt dán chặt vào màn hình còn miệng thì không lúc nào ngừng buông ra những lời nói khiếm nhã. Trong số bạn chơi đang say mê, một game thủ luôn miệng chửi bới: “Đá thế bảo sao không mất tiền ngu, kìa... kìa... đá ngu như chó". Cả quán chơi game đủ kiểu tư thế ngồi và cũng đủ thứ ngôn ngữ thô tục được các bạn trẻ nói ra không chút ngượng ngùng. Một game thủ tên Thắng cho biết: "Chơi game mà không được chửi bậy thì còn gì là thú vị, là gay cấn nữa". Em Phạm T.A, học sinh Trường THCS N.C (TP Hải Dương) cho biết: "Mấy bạn ở trường em nói, để chứng tỏ mình là dân chơi thì phải biết văng tục, nói bậy, nói càng bậy thì càng được các đàn em nể sợ”. Chính vì vậy, nhiều bạn học sinh tuổi teen luôn nghĩ rằng chỉ văng tục, chửi thề vài câu cũng giúp mình khẳng định được "đẳng cấp", là oai hơn... Nhiều bạn lý giải việc văng tục, nói bậy chỉ đơn giản là việc nghe các bạn nói thành quen tai, mình cũng học nói theo nên quen miệng, nhiều khi nói như một phản xạ chứ cũng không hẳn là vì tức giận ai đó…
Đi tìm lời giải đápDù ở thành thị hay nông thôn thì việc các bạn trẻ văng tục, nói bậy đã tự hạ thấp giá trị bản thân. Theo cô Phạm Ánh Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Sơn (Thanh Miện) thì, việc học sinh văng tục, nói bậy thực sự là hiện tượng khá phổ biến. Các em không hề ý thức được việc mình nói những lời lẽ thiếu văn hóa đó sẽ khiến người nghe cảm thấy phản cảm mà các em chỉ coi đó là cách thể hiện cá tính của mình, điều này chỉ được sửa chữa khi các em tự nhận ra là không đúng. Thầy giáo Trần Quốc Hưng, giảng viên bộ môn tâm lý giáo dục Trường Cao đẳng Hải Dương cho biết: “Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do môi trường sống thay đổi, các bạn trẻ được tiếp cận với nhiều luồng văn hóa mới, tốt có, xấu có nên dễ bị ảnh hưởng. Mặt khác, do cách giáo dục của gia đình chưa thực sự hiệu quả, nhiều gia đình không quản lý con em mình đúng cách, quá lơ là. Hơn nữa, ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT, các em rất dễ bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, dễ bắt chước theo những yếu tố mới lạ nên hiện tượng văng tục, nói bậy cũng “lây lan” rất nhanh. Đặc biệt ở lứa tuổi này, các em luôn muốn khẳng định bản thân, khẳng định “cái tôi” của riêng mình, nên nếu không được định hướng đúng đắn các em dễ có cách ứng xử sai lầm".
Để ngăn chặn tình trạng nói tục, trước hết các nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giáo dục kỹ năng ứng xử cho các bạn trẻ. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, định hướng các giá trị chuẩn mực đạo đức, tuyên dương những cá nhân điển hình, giáo dục đạo đức thông qua các bộ môn để các em học sinh tự ý thức, từ đó thay đổi hành vi cho đúng. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong trường học, phát động các phong trào xây dựng hình ảnh học sinh, sinh viên thanh lịch, thân thiện. Nhà trường cũng cần đưa ra những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những học sinh, sinh viên khi bị phát hiện văng tục, nói bậy. Đoàn, Hội, Đội các cấp cần tổ chức thêm nhiều buổi học kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho đoàn viên thanh niên trong cuộc sống. Cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài xã hội để các em được phát triển một cách toàn diện nhất.
TÂM PHÚC