Nhiều chương trình biểu diễn âm nhạc quy mô lớn, thu hút hàng chục nghìn khán giả đã chứng tỏ nhiều bạn trẻ mạnh tay chi tiền để ‘đu idol’ nhưng cũng cần thận trọng với trải nghiệm này.
"Đu idol" là từ dùng để chỉ những người hâm mộ cuồng nhiệt các nghệ sĩ thần tượng, luôn sẵn sàng ủng hộ và theo dõi các hoạt động của thần tượng mình.
Nếu như ở những thế hệ trước, việc một người bỏ ra hàng chục triệu, có khi hàng trăm triệu đồng để xem những buổi diễn của thần tượng được coi là phung phí, vô bổ. Thế nhưng, văn hóa hâm mộ của người trẻ đã thay đổi.
Chị Phạm Thị Ngọc Diệp (27 tuổi, ở huyện Nam Sách) vừa tham gia buổi biểu diễn "Anh trai vượt ngàn chông gai" vào tối 14/12 tại Hưng Yên. Theo chị Diệp, đây là trải nghiệm đáng nhớ, mãn nhãn cả về phần nghe và nhìn.
Chị Diệp đến đêm diễn để xem thần tượng của mình là nam ca sĩ Soobin Hoàng Sơn. Hạng vé của chị là Chín Muồi 2, có giá 1,8 triệu đồng.
“Ngày trước tôi chỉ nghe nhạc của Soobin thôi, không tìm hiểu sâu. Nhưng sau khi xem chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai", tôi hâm mộ và thích hơn, tìm hiểu nhiều thông tin, tham gia fanclub (cộng đồng người hâm mộ)”, chị Diệp kể.
Từ ngày hâm mộ Soobin Hoàng Sơn, bất cứ đêm diễn nào của nam ca sĩ ở Hà Nội chị đều đi xem. Hơn 2 tháng nay, thời gian biểu của chị là trong tuần đi làm, cuối tuần đi “đu idol”.
Mặc dù tối mới diễn ra đêm nhạc "Anh trai vượt ngàn chông gai", nhưng chị Phạm Hàn Thảo Ly (24 tuổi, ở TP Hải Dương) đã xuất phát sớm đến Hưng Yên để quét mã vé, đổi vòng, sau đó đi tham quan, giao lưu tại các booth chụp ảnh. Chị Ly còn may mắn được gặp gỡ, giao lưu, chụp ảnh cùng nam ca sĩ Soobin Hoàng Sơn.
Điều làm chị Ly ấn tượng là cách lồng ghép văn hóa vào âm nhạc, truyền tải qua từng bài hát khiến khán giả cảm thấy tự hào, yêu nước nhiều hơn như từ “Dạ cổ hoài lang”, “Mưa trên phố Huế” đến “Đào liễu”, “Chiếc khăn Piêu”...
Để cổ vũ các nghệ sĩ, nhiều fanclub còn thuê xe buýt hai tầng, thuê màn hình LED cỡ lớn để quảng cáo cho thần tượng, tổ chức tặng quà tại khu vực phía ngoài nơi tổ chức với tổng chi phí hàng trăm triệu đồng.
Hâm mộ nữ ca sĩ Taylor Swift, chị Đ.T.H. (26 tuổi, ở huyện Cẩm Giàng) đã chi hơn 20 triệu đồng để đến Singapore xem thần tượng, trong đó gồm tiền vé nghe nhạc, máy bay, ăn ở, đi lại.
Tại sân vận động quốc gia Singapore, chị xúc động khi được hòa mình vào đêm diễn. Chị H. cho rằng đó là trải nghiệm tuyệt vời mà thanh xuân cần có.
Ngày 13/12, Google công bố danh sách Google Year In Search 2024 gồm 7 chủ đề tiêu biểu, trong đó có từ khóa "concert". Theo thống kê, lĩnh vực giải trí trong năm nhận sự quan tâm lớn của khán giả, trong đó có show nhạc trong nước, quốc tế. "Anh trai say hi" đứng đầu lượt tìm kiếm của công chúng, xếp thứ hai là "Anh trai vượt ngàn chông gai".
Năm 2022, ca sĩ Mỹ Tâm lần đầu tổ chức đêm nhạc Tri âm, với 30.000 khán giả ở sân vận động Mỹ Đình. Năm 2023, nhóm nhạc nổi tiếng Hàn Quốc Blackpink tạo nên kỷ lục với hơn 60.000 khán giả trong hai ngày ở cùng địa điểm. Còn năm nay, với 6 buổi biểu diễn trong vòng 2 tháng trở lại đây của 2 chương trình "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả.
Ngoài ra, còn rất nhiều buổi biểu diễn của các nghệ sĩ khác được tổ chức với tần suất khá dày mà vẫn thu hút được sự ủng hộ lớn, sức hút sôi động.
Giá vé của mỗi chương trình dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy vào vị trí là một mức giá không hề rẻ. Thậm chí, có những hạng vé VIP lên tới cả chục triệu đồng nhưng vẫn nhiều khán giả sẵn sàng chịu chi. Các nền tảng phát hành vé luôn trong tình trạng sập web, hết vé trong thời gian ngắn.
Những điều này cho thấy các chương trình âm nhạc tại Việt Nam đã thực sự có bước đột phá, khán giả trẻ sẵn sàng chi lớn cho những trải nghiệm âm nhạc.
Trước giờ diễn "Anh trai vượt ngàn chông gai", rất nhiều khán giả khi đến check-in nhận được thông báo mã vé của họ đã được sử dụng trước đó, dù đây là vé chính chủ mua từ các kênh phân phối chính thức và nhà tài trợ. Sự cố này được cho là do nhà phân phối đã phát hành các mã vé trùng lặp, khiến nhiều người dù bỏ ra số tiền không nhỏ vẫn phải ngậm ngùi đứng ngoài.
Không chỉ mất tiền mua vé, nhiều người hâm mộ đã chuẩn bị quà tặng và các vật phẩm ủng hộ thần tượng nhưng không thể trao tặng. Chi phí di chuyển, ăn ở và công sức chuẩn bị đều trở nên uổng phí.
Còn tại chương trình "Anh trai say hi", theo phản ánh của khán giả, khu vực đứng chật chội, xảy ra tình trạng chen lấn khi khán giả muốn được theo dõi thần tượng gần hơn. Một số khu vực quá nhiều người, khán giả thiếu không gian để thở và không thể thoải mái tận hưởng đêm nhạc.
Ngoài ra, có những khán giả đến xếp hàng chờ đợi từ sáng sớm và có người kiệt sức, ngất xỉu do trải qua thời gian chờ đợi dài.
Sau đó, Ban tổ chức đã lên tiếng trên Fanpage xin lỗi khán giả vì những trải nghiệm không mong muốn.
Trên một hội nhóm Facebook, chị Bùi Ngọc Thúy ở TP Hải Dương đã chia sẻ về việc mình mua phải vé giả trong buổi biểu diễn “Người giữ mùa xuân” đầu năm 2024. Với độ “hot” của các nghệ sĩ Tuấn Ngọc, Hà Anh Tuấn, Lê Hiếu, đã có một số người lừa đảo in vé giả để bán cho những khách hàng cả tin. Qua Facebook, chị Thúy đã mua phải vé giả và bị lừa 6,8 triệu đồng. Rất nhiều khán giả cũng gặp phải hình thức lừa đảo tương tự như chị Thúy nên đã cùng trình báo cơ quan công an để điều tra xử lý.
Các buổi biểu diễn quy mô lớn luôn trong tình trạng cháy vé là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp giải trí nước nhà. Tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu cạnh tranh cho các nhà sản xuất tạo ra chương trình chất lượng tốt hơn để thu hút và giữ chân khán giả. Số tiền bỏ ra để mua vé xem những buổi biểu diễn cũng không hề nhỏ, vì vậy khán giả cũng cần cẩn trọng khi giao dịch mua vé.
MỘC MIÊN