Đời sống văn hóa

Giới thiệu phong vị truyền thống "Tết phố" của đất Kinh kỳ xưa

TH (tổng hợp) 24/01/2024 08:20

Các di tích, không gian văn hóa tại Phố cổ Hà Nội sẽ đậm hương vị Tết truyền thống với các hoạt động dựng cây nêu, trang trí 12 con giáp, giới thiệu không gian đón Tết của người Hà Nội...

tet-viet-230124.jpg
Đoàn rước dâng lễ cửa Đình từ Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) đi qua một số tuyến phố và dâng lễ tại đình Kim Ngân

Chương trình “Tết Việt - Tết phố 2024” sẽ khai mạc vào ngày 28/1 tại đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Chương trình có các hoạt động giới thiệu những nét văn hóa truyền thống mang phong vị “Tết phố” của đất Kinh kỳ xưa. Thông tin này được Phó trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết tại buổi giới thiệu về chương trình, diễn ra chiều 23/1.

Các di tích, không gian văn hóa tại Phố cổ Hà Nội sẽ “đậm đặc” hương vị Tết truyền thống với các hoạt động: Dựng cây nêu, trang trí 12 con giáp, giới thiệu không gian đón Tết của người Hà Nội, trưng bày thư pháp, biểu diễn nghệ thuật truyền thống…

Đặc biệt, tại buổi khai mạc, Ban tổ chức sẽ thực hiện lễ rước, dâng lễ cửa đình và dựng cây nêu, là hai hoạt động đặc sắc của chương trình.

Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức đoàn rước từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đi qua nhiều tuyến phố, di tích với điểm đến là đình Kim Ngân.

Tại đây, Ban tổ chức sẽ tiến hành các nghi lễ: Dâng lễ cửa đình, cáo yết Thành hoàng và cúng Tổ nghề… cùng nghi lễ dựng cây nêu truyền thống của người Việt khi Tết đến, Xuân về.

Không gian đình Kim Ngân được trang trí thành không gian Tết truyền thống theo chủ đề 12 con giáp và con giáp năm 2024 - con Rồng. Tại đây, các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa sẽ có buổi nói chuyện về Tết của đồng bào Tày, Nùng; về thú chơi hoa thủy tiên…

Những ai quan tâm tìm hiểu đến Tết của người Hà Nội xưa có thể tìm đến Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa.

Ngoài ra, tại đây sẽ có một buổi gói và luộc bánh chưng để dành cho mọi người đến tham quan, trải nghiệm vào ngày 3/2.

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ sẽ là nơi tái hiện không gian Tết truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ với chủ đề “Nếp nhà xưa” và trưng bày các sản phẩm tranh, gốm… chủ đề con giáp của năm 2024, biểu diễn âm nhạc truyền thống và tọa đàm về Tết truyền thống của người Việt.

Các địa chỉ văn hóa khác trong khu phố cổ như: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, số 22, phố Hàng Buồm; đình Đồng Lạc, số 38 Hàng Đào; Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ, số 28 Hàng Buồm… cũng trở thành những địa chỉ giới thiệu về văn hóa Việt, thú chơi hoa, về các phong tục ngày Tết.

Từ ngày 25/1 đến ngày 9/2 (tức ngày 15 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão), tại không gian bích họa Phùng Hưng, các nghệ nhân và thợ thủ công sẽ giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống, như tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan, đồ chơi tò he…

Các hoạt động sẽ bắt đầu từ sáng 28/1 và kết thúc sau dịp Tết Nguyên đán. Nhiều hoạt động được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách.

TH (tổng hợp)
(0) Bình luận
Giới thiệu phong vị truyền thống "Tết phố" của đất Kinh kỳ xưa