Các nhà khoa học Nam Phi đã đề xuất phương án “che” Mặt Trời vĩnh viễn để cứu quốc gia khỏi những đợt nắng nóng khô hạn chết người.
Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng khô hạn tại thủ đô Nam Phi sẽ tăng gấp ba lần tính tới năm 2100
Theo báo Anh The Sun, kế hoạch này bao gồm việc bơm một lượng lớn khí vào bầu khí quyển phía trên thủ đô Cape Town để duy trì nguồn cung cấp nước địa phương. Các nhà khoa học tại Đại học Cape Town hy vọng kế hoạch này sẽ giúp thành phố giảm thiểu đáng kể nguy cơ khủng hoảng nước.
Nỗi lo ngại về “Day Zero” (Ngày số 0), thời điểm thành phố không đủ nước dùng cho mọi người, đã tồn tại nhiều năm qua. Theo các nhà dự báo, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu đang lan rộng và có những tác động khủng khiếp đối với cuộc sống của con người trên Trái Đất, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng khô hạn tại thủ đô Nam Phi sẽ tăng gấp ba lần tính tới năm 2100. Năm 2017, thành phố này từng phải chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 384 năm. Vào thời điểm đó, lượng nước tại các con đập trong thành phố ở mức dưới 13%.
Trong một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Khoa học Environmental Research Letters, các chuyên gia đã đề xuất việc phun các hạt khí sulfur dioxit lên tầng thượng quyển trên Cape Town. Các hạt khí sẽ tạo thành một đám mây khổng lồ phía trên thành phố, phản xạ ánh sáng Mặt Trời. Theo các nhà nghiên cứu, chiến thuật khoa học này có thể giảm tới 90% nguy cơ khủng hoảng “Day Zero” vào năm 2100.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đề xuất này không nên được xem như một biện pháp thay thế việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Sáng kiến này trước đây cũng từng bị một số chuyên gia phản đối. Họi gọi hành động này là một “sự can thiệp nguy hiểm đối với hệ thống khí hậu toàn cầu”. Trong một báo cáo vào tháng 12.2018, nhóm vận động khoa học Climate Analytics cho biết việc triển khai một hệ thống như trên sẽ “có khả năng trở thành nguồn gốc của một cuộc xung đột lớn giữa các quốc gia”.
Theo Tin tức