Dựa trên mô hình mô phỏng, các nhà khoa học đã dự báo về đỉnh đợt dịch mới do biến thể Delta và cảnh báo nước Mỹ có thể chứng kiến tỷ lệ tử vong cao hơn so với làn sóng dịch đầu tiên.
Biến thể Delta đang càn quét như sóng thần khắp thế giới, và là nguyên nhân gây ra phần lớn ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ.
Trung bình số ca mắc mới trong 7 ngày tuần trước tại Mỹ là khoảng 130.000 người/ngày, và trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Fox News hôm 15/8, Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cảnh báo rằng số ca mắc hàng ngày có thể sớm trở lại mức 200.000 ca/ngày.
Với đợt bùng dịch mới nhất, liệu có thể dự đoán khi nào làn sóng dịch do biến thể Delta sẽ đạt tới đỉnh điểm không?
Tiến sĩ Benjamin Linas, Giáo sư y khoa tại Đại học Boston (Mỹ) nói với Newsweek: “Điều này rất khó nói và các bạn nên nghi ngờ bất cứ ai tuyên bố biết chính xác thời gian Delta sẽ đạt đỉnh. Nhưng ở mức độ chung thì câu trả lời nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Nếu chúng ta tiếp tục tập trung vào tiêm chủng, đồng thời thực hiện một số biện pháp phòng dịch cơ bản, như đeo khẩu trang khi ở trong nhà và nơi công cộng, thì ta có thể kết thúc làn sóng này nhanh hơn”.
Tỷ lệ tử vong ở Mỹ có thể cao hơn làn sóng đầu tiên
Giáo sư Linas cũng cảnh báo, “nếu chúng ta không thực hiện bất kỳ hình thức hạn chế hoặc kiểm soát nào, làn sóng sẽ tiếp diễn. Làm thế nào để chấm dứt biến thể Delta không phải là một bí ẩn, vấn đề là người Mỹ đang kiệt sức và có rất ít ý chí hành động”.
Sau khi làm việc với một nhóm nghiên cứu đang xem xét câu hỏi về đỉnh dịch Delta bằng mô hình mô phỏng, Giáo sư Linas cho biết dữ liệu của nhóm cho thấy, nếu không có sự can thiệp, nhiều tiểu bang có thể chứng kiến gia tăng mạnh lây nhiễm do biến thể Delta, với tỷ lệ tử vong cao hơn so với làn sóng COVID đầu tiên ở Mỹ.
Ông nói: "Nếu được tiêm phòng, gần như chắc chắn bạn sẽ không phải là một trong những người chết vì Delta, nhưng bạn vẫn cần quan tâm đến đợt dịch này vì nó đang tạo ra những điều kiện dẫn đến các biến thể mới nếu chúng ta để dịch bệnh kéo dài. Với tỷ lệ tiêm chủng còn khiêm tốn trong cộng đồng, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều biến thể hơn và một trong số đó có thể tránh được vaccine”.
Đỉnh dịch tại Mỹ có thể vào tháng 10-11
Jagpreet Chhatwal, Phó giám đốc tại Viện Đánh giá Công nghệ - Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Phó giáo sư Trường Y Harvard, cho biết các dự báo mô hình hóa từ dự án "Mô phòng COVID-19" – mà cả Viện Y tế quốc gia và Viện đánh giá Công nghệ đều tham gia - cho thấy các ca mắc COVID-19 tại Mỹ sẽ đạt đỉnh trong khoảng thời gian tháng 10-11, tuỳ thuộc từng tiểu bang.
Tuy nhiên, Phó giáo sư Chhatwal phát biểu với tờ Newsweek: “Chúng ta không nên tìm kiếm một đỉnh dịch trên toàn quốc; về cơ bản chúng ta đang xem xét 50 khu vực trong cùng một quốc gia rất khác nhau về tỷ lệ tiêm chủng và các biện pháp giãn cách xã hội”.
Ông Chhatwal cho biết số ca tử vong hàng ngày được dự báo rất có thể vượt quá đỉnh trước đó trong năm 2021 ở một số bang –– bao gồm Idaho, Maine, Montana, Nebraska, Bắc Carolina, Oregon, Washington và Tây Virginia –– nếu tình trạng giãn cách xã hội như hiện tại và tỷ lệ tiêm chủng vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, các tiểu bang như New Jersey, Connecticut, Massachusetts và Vermont khó có thể đạt một đỉnh dịch khác vì có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Ông Chhatwal dự báo: “Rõ ràng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng COVID-19 mới vì sự xuất hiện của biến thể Delta. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi tiến triển tốt hơn vào cuối năm”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), biến thể Delta lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến thể khác. Giáo sư Linas cho biết điều này giải thích tại sao nước Mỹ lại đang bị ảnh hưởng nặng nề dù đã tiêm phòng được hơn một nửa dân số.
Khẩu trang và tiêm chủng là rất quan trọng
Phó giáo sư Chhatwal cho biết sự kết hợp của hai yếu tố khẩu trang và tiêm chủng đã góp phần gây nên làn sóng COVID-19 mới nhất ở Mỹ.
"Đầu tiên, biến thể Delta xuất hiện ở Mỹ ngay sau khi các hạn chế về giãn cách xã hội — bao gồm cả quy định về đeo khẩu trang với người đã tiêm vaccine - được dỡ bỏ. Kể từ khi các ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm xuống mức thấp, thái độ của người dân Mỹ với việc giãn cách xã hội đã thay đổi”, ông Chhatwal nói.
“Thứ hai, tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở dưới mức tối ưu. Khi biến thể Delta bắt đầu tấn công vào tháng 7, hầu hết các bang thậm chí chưa có đủ 50% dân số tiêm chủng đầy đủ."
Theo ông Chhatwal, sự kết hợp giữa tốc độ tiêm chủng chậm hơn và thái độ lơ là, thoải mái của người dân Mỹ đã tạo điều kiện lý tưởng để biến thể Delta lây lan trong cộng đồng.
Ông nói: "Để sớm thoát khỏi làn sóng này- hoặc giảm tác động của nó- chúng ta cần tỷ lệ tiêm chủng cao hơn và giãn cách xã hội tốt hơn, bao gồm cả bắt buộc đeo khẩu trang trong nhà tại hầu hết các bang".
Trong khi đó, Giáo sư Linas cho biết, chừng nào còn một số lượng lớn dân số không được tiêm chủng - như hiện tại - làn sóng lây nhiễm sẽ tiếp tục xảy ra khi virus tìm thấy “hang ổ” mới ở những người nhạy cảm.
"Tương tự cháy rừng, cần vừa kịp thời vừa hiệu quả. Những người không được tiêm phòng là lá khô, những người bị nhiễm bệnh là tia lửa. Nếu chúng ta tiêm phòng cho tất cả mọi người và loại bỏ tất cả lá khô, thì ngay cả với một tia lửa, chúng ta sẽ không bị cháy", ông Linas nói.
Theo báo Tin tức