Giới khoa học: Không điều tra nguồn gốc virus, thế giới có thể đối mặt ''COVID-26, COVID-32’'

31/05/2021 20:50

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới cảnh báo nếu không có một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc SARS-CoV-2, thế giới có thể đối mặt với những đại dịch như “COVID-26, COVID-32” trong tương lai.


Nhân viên an ninh canh gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo tờ Washington Post, Giáo sư, chuyên gia đầu ngành về virus học phân tử và vi sinh Peter Hotez, làm việc tại Trường Đại học Y Baylor (Mỹ) mới đây đã góp thêm tiếng nói của giới khoa học nhằm kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Ông cho rằng tương lai của sức khỏe cộng đồng đang gặp nguy hiểm.

“Sẽ xảy ra COVID-26 và COVID-32 trừ phi chúng ta hiểu đầy đủ về nguồn gốc của COVID-19”, ông Peter Hotez phát biểu trên truyền hình NBC News của Mỹ ngày 30.5 (theo giờ địa phương). Giáo sư cho rằng việc đưa ra những kết luận chắc chắn về cách virus đã xuất hiện là “hoàn toàn cần thiết” để ngăn chặn những đại dịch trong tương lai.

Các báo cáo gần đây đặt nghi vấn Viện Virus học Vũ Hán đã là trung tâm của dịch từ ban đầu chứ không phải do sự lây nhiễm giữa động vật với người đâu đó ở Vũ Hán như quan điểm trước đây.

Hôm 26.5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh tiến hành đánh giá thông tin tình báo trong vòng 90 ngày về nguồn gốc của virus gây COVID-19 với mục đích xem xét khả năng xảy ra sự cố rò rỉ virus tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thay vì lây truyền qua loài dơi hoặc động vật khác sang con người.

Nhà Trắng muốn nắm được hiểu biết sâu hơn về con đường mà loại virus đã cướp đi trên 600.000 sinh mạng ở Mỹ và 3,5 triệu sinh mạng trên thế giới đã xuất hiện ra sao. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan khác của Mỹ được lệnh nỗ lực gấp đôi để tìm ra câu trả lời.

Chú thích ảnh
Giáo sư Hotez kêu gọi điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2 để giúp thế giới tránh một đại dịch tương tự trong tương lai. Ảnh: Getty Images

Tuy vậy, Giáo sư Hotez cho rằng chỉ thu thập thông tin tình báo thôi là chưa đủ. “Cá nhân tôi quan điểm rằng chúng ta đã đẩy tình báo đi xa nhất có thể. Điều chúng ta cần làm là một cuộc điều tra về ổ dịch”, ông Hotez nói, lưu ý rằng lý tưởng nhất sẽ là một cuộc điều tra kéo dài từ 6-12 tháng ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trong đó các nhà khoa học sẽ thu thập nhiều mẫu và bằng chứng pháp y khác.

Ban đầu khi đại dịch mới bùng phát, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đưa ra giả thuyết “rò rỉ phòng thí nghiệm”, nhưng bị đảng Dân chủ và nhiều chuyên gia bác bỏ. Tuy nhiên những tuần gần đây giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm đã được quan tâm trở lại, bất chấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiến hành điều tra và đưa ra báo cáo cho rằng giả thuyết này là không chắc chắn, 

Tuần trước tờ Wall Street Journal đưa tin, một báo cáo tình báo của Mỹ đã phát hiện ra rằng, ba nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán đã phải nhập viện với các triệu chứng như mắc COVID-19 vào đầu tháng 11.2019, tức là trước khi virus bắt đầu lây lan ở thành phố này.

Ngay sau đó, các nghị sĩ lưỡng đảng Quốc hội Mỹ đều đã lên tiếng kêu gọi một cuộc điều tra sâu hơn. Trước khi Thượng viện thông qua dự luật yêu cầu giải mật một số thông tin nhất định về SARS-CoV-2, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley tuần trước phát biểu rằng: “Người dân Mỹ xứng đáng được biết về nguồn gốc của COVID-19”.

“Chúng ta phải có câu trả lời cho những câu hỏi này”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine cũng lên tiếng. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul hôm 30.5 còn kêu gọi Mỹ trừng phạt kinh tế nếu Trung Quốc không hợp tác điều tra nguồn gốc dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhà virus học Trung Quốc Thạch Chính Lệ (trái) làm việc cùng đồng nghiệp tại Viện Virus học Vũ Hán, trong ảnh chụp ngày 23.2.2017. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, các chuyên gia như Giáo sư Hotez nói rằng sẽ rất khó để có được sự thật về nguồn gốc của virus nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc.

Một số chuyên gia cho biết họ vẫn cho rằng không có khả năng virus gây COVID-19 có thể rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Nhưng những người khác lại ghi nhận rằng sự hiện diện của phòng thí nghiệm virus học tiên tiến ở Vũ Hán và việc không có dơi móng ngựa trong thành phố này có thể là những yếu tố ủng hộ giả thuyết "virus rò rỉ".

Cựu Giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb ngày 30.5 cho rằng việc biết chắc chắn liệu virus có đến từ một phòng thí nghiệm hay không sẽ giúp đưa ra các quyết định an ninh trong tương lai tại các cơ sở như vậy trên toàn thế giới.

“Điều quan trọng là phải hiểu khả năng rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm là gì để chúng ta có thể tập trung sự chú ý của quốc tế hơn vào việc cố gắng xác định tốt hơn những gì xảy ra xung quanh những phòng thí nghiệm như vậy, những gì họ đang làm, an ninh tốt hơn để đảm bảo chúng hoạt động đúng cách”, ông Gottlieb nói.

Chú thích ảnh
Giáo sư Peter Hotez (phải) cho rằng chỉ thu thập thông tin tình báo là không đủ, cần phải có một cuộc điều tra cẩn thận tại Vũ Hán, Trung Quốc.  Ảnh: Getty Images

Tuy vậy, cuộc điều tra nguồn gốc virus là vấn đề tế nhị với Tổng thống Biden, người đang cần cân bằng giữa mong muốn tìm hiểu sự thật khoa học với những lo ngại về kích động bạo lực với người Mỹ gốc Á, vốn đã tăng lên báo động kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Nhà Trắng cũng phải đối mặt với những căng thẳng địa chính trị liên quan đến Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đã phản bác mạnh mẽ những nghi vấn và cáo buộc từ Mỹ liên quan đến nguồn gốc dịch COVID-19.

Tuần trước, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản pháo rằng “Mỹ không quan tâm đến thực tế hay sự thật gì cả, kể cả mối quan tâm đến nghiên cứu khoa học nghiêm túc về nguồn gốc virus. Mục đích duy nhất của họ là lợi dụng đại dịch để bêu xấu và thao túng chính trị để đổ lỗi”.

Ông Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ giải thích những bí ẩn tại Viện Nghiên cứu Quân y về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID) tại Fort Detrick, bang Maryland (Mỹ). “Những bí mật nào ẩn giấu trong Fort Detrick và hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ trên toàn thế giới? Nước Mỹ nợ cả thế giới một lời giải thích”, ông Triệu đặt câu hỏi.

Trước đó, truyền thông Nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra giả thuyết rằng Phòng thí nghiệm tại Fort Detrick của Mỹ có thể là nguồn gốc của đại dịch.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giới khoa học: Không điều tra nguồn gốc virus, thế giới có thể đối mặt ''COVID-26, COVID-32’'