Các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm y tế Cedars-Sinai ở Mỹ cho biết ngay cả việc mắc bệnh nhẹ cũng có thể để lại những di chứng kéo dài, còn được biết đến là "Long COVID".
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới vẫn đang chật vật đối phó với sự lây lan nhanh chóng của Omicron và các ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày tại nhiều nước liên tục lập mốc cao chưa từng thấy. Giới chuyên gia cũng quan ngại số lượng lớn các ca nhiễm Omicron hiện nay có thể đẩy tỷ lệ những người bị "Long COVID" tăng cao trong thời gian tới.
Theo các nhà nghiên cứu, đa số đều hiểu vai trò của kháng thể trong phản ứng miễn dịch hiệu quả. Đây là các tế bào miễn dịch tuyến đầu có nhiệm vụ "tuần tra" trong cơ thể, liên tục theo dõi các mầm bệnh.
Khi hệ miễn dịch hoạt động bình thường, các kháng thể này có thể dễ dàng xác định và bỏ qua các tế bào khỏe mạnh, nhưng đôi lúc các kháng thể này gặp trục trặc, chuyển sang nhắm mục tiêu vào các phân tử không có mối đe dọa (chẳng hạn một số loại thực phẩm) hoặc mô bình thường. Các protein miễn dịch nhầm lẫn mục tiêu, gây tổn thương các mô đặc hiệu hoặc các bộ phận của cơ thể này được gọi là tự kháng thể. Các tự kháng thể góp phần gây ra nhiều bệnh tự miễn, từ viêm khớp dạng thấp đến lupus. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Yale còn khẳng định mối tương quan giữa mức độ nghiêm trọng của COVID-19 với mức độ tự kháng thể.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm y tế Cedars-Sinai lần đầu tiên điều tra mức độ tự kháng thể ở những bệnh nhân COVID-19 đã bình phục trong vòng 6 tháng sau khi mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu hiệu tăng tự kháng thể ở tất cả bệnh nhân COVID-19 đã bình phục, ngay cả những người ban đầu chỉ mắc bệnh nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu hiệu của hoạt động tự kháng thể, vốn thường liên quan đến tình trạng viêm và gây tổn thương mạn tính đối với các cơ quan và mô như khớp, da và hệ thần kinh.
Trước đó, có giả thuyết cho rằng hoạt động tự kháng thể kéo dài sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 góp phần gây ra hội chứng mệt mỏi mạn tính (CFS), còn được biết tới viêm cơ não tủy (ME) - một loại mệt mỏi kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn và có thể bao gồm đau nhức cơ. Việc điều trị có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng, song không có cách chữa khỏi thực sự.
Theo một số nhà nghiên cứu, hoạt động tự kháng thể kéo dài có thể giải thích cho các triệu chứng "Long COVID". Những phát hiện này giúp giải thích điều gì khiến COVID-19 trở thành một căn bệnh khá kỳ lạ. Nghiên cứu của Trung tâm y tế Cedars-Sinai còn xác nhận hoạt động tự kháng thể dai dẳng có thể do mắc COVID-19 nhẹ hoặc thậm chí không triệu chứng gây ra.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Spectrum News, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, cũng cho rằng ngay cả những trường hợp mắc COVID-19 nhẹ cũng có thể dẫn tới "Long COVID". Theo ông, hiện quá sớm để khẳng định liệu biến thể Omicron có gây ra "Long COVID" ít hơn các biến thể khác hay không. Tiến sĩ Fauci nhấn mạnh bằng chức trước đây cho thấy "Long COVID" không phụ thuộc vào biến thể mà người bệnh nhiễm phải.
Theo nghiên cứu công bố hồi cuối tháng 12.2021, dựa trên dữ liệu của 81 bài nghiên cứu theo dõi sự mệt mỏi và suy giảm nhận thức ở những người bình phục ít nhất 12 tuần sau khi mắc COVID-19, 32% tổng số bệnh nhân bị mệt mỏi kéo dài ít nhất 3 tháng và 22% tổng số bệnh nhân có các dấu hiệu suy giảm nhận thức. Nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về tỷ lệ mệt mỏi và suy giảm nhận thức giữa những người phải nhập viện và không nhập viện.
Hiện giới khoa học đều chưa thể chắc chắn Omicron có thể tác động thế nào đối với tỷ lệ mắc "Long COVID" trong tương lai.
Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí chuyên ngành Translational Medicine.
Theo TTXVN