Trời trổ nắng sau mấy ngày mưa dầm khiến làng xóm tươi như cây đào phai vừa hé nụ.
Minh họa: PHÙNG BẢN
Trời trổ nắng sau mấy ngày mưa dầm khiến làng xóm tươi như cây đào phai vừa hé nụ. Bà Thinh bê thau quần áo đã giặt xong ra sân phơi, mắt trân trân ngắm mấy ánh lửa hồng vừa nhóm lên trước sân, quên mất lời ông Luộc, chồng bà dặn vào vườn chuối gánh lá về sớm. Lá chuối khô sẽ đượm mùi nếu cắt vào buổi sáng khi trời vừa hé nắng. Bao nhiêu hương vị của đất đồng, cỏ cây, sông nước như được ấp ủ trong lá, những hương vị ấy lại nhờ bàn tay gói ghém của người thợ bánh ấp quyện chặt trong từng nhân bánh, cùng với vị thơm của lá gai, của mỡ, hành, nếp, đậu, mật mía... sẽ tạo nên hương thơm cho chiếc bánh gai. Họ Bùi bên làng đã đặt hai trăm cái trong ngày làm lễ khai xuân. Năm nào họ ấy cũng chỉ gọi điện đặt bánh nhà ông.
Bà Thinh ra tới nơi, thấy mặt ông Luộc nặng như chì: “Tôi đang giặt quần áo, hôm qua ông đi cuốc đất ụ luống trồng thêm chuối, cáu bẩn, vò rã tay”. Ông Luộc mát mẻ: “Không vò được thì lấy chày ra cầu ao mà đập”. “Kể mà là lũ quần bò cứng đầu của thằng Giang thì không phải xui tôi nhá. Đằng này lại là bộ quân phục đã cũ, đành phải nhẹ nhàng cho ông kẻo mấy mà hỏng”. Bà Thinh còn xui ông mặc bộ thằng Tân mới mua cho. Với lại ông cũng nên mua thêm vài bộ mới, đi ăn cỗ ăn bàn tha hồ mà diện. Chứ cứ mặc mãi hai bộ quân phục đã xuống nước này trông người nó cũng cũ đi.
Ông Luộc nhìn gườm gườm, bỗng thấy cái đôi môi cắn chỉ nhai trầu của bà vợ thẫm đi như tiết trâu: “Bà chê bôi ai cũ?”. Bà Thinh vội vàng đặt đòn gánh lên vai: “Tôi đâu có dám. Ấy là tôi bảo con mua biếu ông quần áo mới thì ông mặc cho nó vui”. “Tôi cóc cần nó về!”.
Gió từ dưới sông Luộc thổi ào ào. Lá chuối bay phần phật như vẫy cờ. Bà Thinh gánh lá chuối. Nhưng vừa bước vài bước, đầu bà chóng tít, đầu gối bỗng kêu khậc, chơi vơi. Bỗng có bàn tay giữ lấy bà. “Mẹ để con!”. Thằng Tân xuất hiện từ lúc nào, đứng ngay sau lưng bà. Nó đổi đòn gánh qua vai, quẩy gánh đi nhoàng nhoàng qua những bụi chuối rậm rịt. Nhìn cánh lưng gánh thẳng như thước thợ của nó, ông Luộc thở dài. Hồi trước, có nhiều lúc ông đã từng hy vọng sau này ông có thể tựa vào đôi vai của nó.
*
Ăn cơm trưa xong, đầu óc ông Luộc vảng vất, ông vào buồng nằm nghỉ, cũng không hề đả động đến thằng Tân một câu. Bà Thinh đã thẽ thọt vào tai ông lúc hai người rửa chân tay ở sân giếng: “Con nó về chơi, ông đừng nặng lời làm gì! Nó mua biếu ông hai bộ quần áo mới đấy”. “Tôi chẳng quan tâm tới cái thằng mất gốc mất rễ ấy”.
Lúc sau, tiếng xe máy nổ trong sân, thằng Tân lấy xe máy của anh nó phóng đi đâu đấy. Ông hẩy tay: “Bà thấy chưa. Nó thích đi thì đi về thì về, có coi ai ra gì đâu. Chắc lại sang chỗ con bé kia”. Bà Thinh chẹp miệng: “Thì lâu rồi nó không về cũng phải đi đây đi đó chứ. Con nó còn non dạ. Ông chấp làm gì”.
Ông chẳng chấp nó. Ông thèm vào chấp nó, ông nghĩ vậy.
Lũ chim chóc kêu chíu chít ngoài vườn khiến ông khó ngủ. Ông áy náy về việc lèn đầy gánh lá chuối cho vợ gánh khiến bà ấy trẹo chân, cái chân bà ấy đang sưng đau. Thực ra là ông định sẽ gánh. Sức khỏe của ông dạo này đã hồi lại, gánh một gánh lá chuối chả là cái gì, hai cái đổi vai là về đến sân. Chỉ vì sau cái vụ vết thương ở vai tái phát do cố gánh lúa nặng, bà Thinh cứ nằng nặc giữ sức cho ông. Bà nhận hết phần gánh về mình nên ông thoát vai gánh gồng vài tháng nay. Quang gánh đổi qua vai bà ấy. Thằng Giang còn bận chạy bánh đưa các mối suốt ngày. Còn vợ Giang thì mải bán hàng. Sáng nay, ông định bụng gọi bà ra vườn cắt lá chuối cùng rồi ông sẽ gánh cho bà thấy ông đã khỏe lại thế nào. Thế mà bà ấy lại chê bôi ông về chuyện áo quần, làm ông nổi nóng. Ông mặc kệ cho gánh. Rồi cái thằng Tân về kịp. Mẹ con máu mủ ruột rà, bà ấy vẫn bênh nó.
Thằng Tân bỏ đi từ rằm tháng riêng năm ngoái, Tết nó về đến mùng bốn lại đi, giờ gần hết tháng hai, sắp hội làng mới về. Ông đã không hỏi nó một câu về công việc làm ăn của nó. Ông vẫn giận nó tưởng như tím ruột tím gan. Nó lấy bằng đại học, khoa thực phẩm, về dẫn theo con bé Mai mồ côi mồ cút bên kia sông giới thiệu người yêu, rồi tỉ tê với ông về dự án lập công ty chuyên làm bánh gai, sẽ mở rộng thị trường ra toàn quốc. Chỉ cần mấy năm làm ăn được, tạo thương hiệu, nó tính sẽ vươn xa xuất khẩu cả ra nước ngoài. “Mới ra trường đã có kinh nghiệm gì. Theo tôi, anh cứ đi làm thuê cho công ty nào đó đi. Hiệu bánh gai gia truyền nhà này chứ đâu phải trò chơi để cho anh thử nghiệm”. “Con thiết tha với nghề, muốn nghề làm bánh gai của gia đình ta, của huyện ta phát triển và đi xa hơn nên con muốn bàn với bố một việc quan trọng có liên quan tới thương hiệu bánh gai nhà mình. Một trong những yếu tố đầu tiên phải thay đổi là vỏ bánh gai. Thời gian qua con học thêm về kinh doanh, thị trường. Con nghĩ kỹ rồi, muốn xuất khẩu được, ta phải đổi mới ngay từ khâu vỏ bánh gai. Phải thay bọc vỏ là lá chuối khô bằng đóng vỏ giấy. Đã đến lúc cần phải thay cái áo mới cho bánh gai bố ạ”. Ông Luộc tím mặt, xả cho thằng Tân một trận: “Bánh gai truyền thống bao đời tổ tiên để lại đã thành đặc sản vùng miền, mày đừng có xách nhĩ kẻo các cụ vật cho chết đấy. Thói quen vùng quê này bao đời làm vỏ bánh gai bằng lá chuối khô. Phải là thứ lá chuối trồng ven sông Luộc đậm vị phù sa, mùi thơm lá chuối khô được hấp với bánh mới tạo hương vị riêng. Đem bánh gai mà đóng bao giấy như bánh cốm, bánh đậu xanh thì còn gì là bánh gai. Bánh gai chỉ thực sự là bánh gai khi có lớp vỏ lá chuối khô dân dã mộc mạc ấy. Anh đi ra ngoài học mấy năm, về đã tưởng là giỏi à?”. “Con sẽ vẫn giữ được hương liệu lá chuối khô đó trong bánh, chỉ cần bố ủng hộ!”. Thằng Tân quả quyết. “Thế khác gì làm mâm cỗ chay đầy rặt mùi hương liệu cỗ mặn. Bánh nhà này phải là nguyên bản từ đời cha ông để lại, phải làm bằng tay, hấp bằng củi, hương liệu phải tự nhiên. Nó đã ngon rồi, đã có tiếng rồi, cứ thế mà giữ nghề cũng đủ cho con cháu nhiều đời sinh sống, sao phải cải tiến, phải mở rộng làm gì. Rồi không khéo lại ngã sấp mặt vì kinh doanh đấy!”. “Phải mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào chứ ạ. Cứ bảo thủ như bố, an toàn như bố thì làm sao mà phát triển được. Chẳng khác nào con người ta suốt ngày mặc một bộ quần áo cũ!”. Ông Luộc đỏ lừ mặt, giọng đầy tức giận: “Thằng bất hiếu. Mày xem lại mày đi. Đã làm được cái gì mà dám lên mặt. Lại còn đi yêu cái con bé Mai không rõ gốc tích ấy, tao cũng cấm nốt. Lấy vợ kén tông lấy chồng kén giống. Bố mẹ nó còn chẳng rõ là ai huống gì tông họ”. “Bố đừng có phong kiến với chúng con như thế. Con lớn rồi, yêu ai, quyền con!”. Bố con to tiếng. Thằng Tân ức quá, bỏ cả ăn cơm, vác ba lô bỏ đi luôn. Con bé kia rấm rứt khóc, chạy theo sau. Ông Luộc đạp cái điếu cày, nước ộc ra, điếu quay đơ. Ông Luộc tưởng như mình cũng quay đơ.
*
Mẹ con bà Thinh ngồi làm bánh gai ngoài hiên, nhí nháu chuyện. Mùi thơm của nhân bánh bay vào tận giường ông. Mùi của bột nếp, đỗ xanh, lá gai, thịt mỡ muối. Cái ngón muối thịt mỡ cả vùng này không ai bằng bà Thinh, chỉ có bà ấy mới làm được cho miếng thịt ngon thơm giòn như mứt bí mà không còn chút ngấy nào. Thằng Giang là anh cả và cô vợ cũng đã học nhưng mười phần thì chỉ được bảy, tám phần. Lúc này, bà Thinh đang dạy thằng cháu nội là cu Bắp gói bánh. Thằng bé đến nghịch, vừa gói bánh nó vừa nhổm ra cửa sổ ngắm mấy con chim đi tránh rét trở về. Phía ô cửa sổ nhỏ, vài tia nắng xiên qua tán lá nhãn rọi vào đầu giường. Ông Luộc dụi dụi mắt như nhìn thấy con chim đực có cái lông xanh ở đuôi vừa chao qua tia nắng xiên khoai ngoài khoảng sân. Đúng con chim ấy rồi. Hồi cữ giữa hè năm ngoái, con chim này bị thương sa vào phòng ông, được ông và thằng cu Bắp giữ lại nuôi cho lành rồi thả đi. Giờ đang xuân, nó đã cùng đàn chim bay về vườn, về sông Luộc. Thấy yên tĩnh, nó bay lên cửa sổ, ngó nghiêng, hót mấy tiếng lảnh lót.
“A, con chim xanh đã về!”_cu Bắp reo lên khi vừa chạy vào trong buồng nhìn thấy con chim.
Thằng Giang rót mời ông chén nước chè xanh và đưa ông nếm thử cái bánh gai mới. Ông bóc từng chút lá chuối khô để chậm chạp cảm nhận mùi thơm của bánh. Vỏ lá chuối khô vẫn dấp dính trên tay ông. Ông Luộc cắn một miếng bánh, ngọt thơm dẻo bùi lan trong khoang miệng. Ngoài phòng khách, tiếng ti vi chợt to hẳn lên, chương trình giới thiệu về một triển lãm hàng chất lượng cao trong nước dịp mùa xuân này. Bất chợt, tiếng thằng Bắp nheo nhéo gọi:
“Ông bà ơi! Chú Tân lên ti vi. Chú được huy chương cho sản phẩm bánh gai ở triển lãm kìa ông bà ơi!”.
Cu Bắp chạy ra dắt bằng được ông vào thật gần ti vi hơn nữa. Ông Luộc nheo nheo mắt, vẫn còn lòa nhòa. Ông gọi bà Thinh lấy cho chiếc kính lão để đeo. Trong lúc ấy bà Thinh đã đến bên ông, giọng khẽ khàng: “Thời gian qua, thằng Tân sang bên kia sông, thuê xưởng làm bánh gai đấy. Lúc đầu tôi cũng không biết, sau nó điện xin mượn tôi đôi khuyên tai, dây chuyền để làm vốn, còn dặn tôi đừng cho ông biết. Thương con, tôi đành giấu ông. Ông đừng giận nhé!”. Ông Luộc nhìn vợ. Thảo nào mà hôm cưới thằng cháu họ, không thấy bà ấy đeo dây chuyền, khuyên tai như mọi đám cưới khác. Ông lại cứ tưởng bà ấy nghĩ ông mặc bộ quân phục cũ thì bà ấy ngại diện. Cái món của hồi môn ông ngoại cho bà ấy sau đám cưới, bà ấy giữ khư khư, đến làm nhà cũng không chịu bán đi. Thế mà giờ đưa cho con không biết tiếc.
Ông Luộc run run đón cái kính lão từ tay vợ. Đeo kính lên, ông nhìn rõ thằng Tân hơn. Nó mặc comple, đeo cà vạt đang giới thiệu thương hiệu bánh gai Giang Tân cho mấy ông bà khách Tây. Mấy ông bà Tây hết nhìn chồng bánh gói bằng lá chuối khô lại nhìn chồng bánh đóng gói trong hộp, cái hộp giấy màu xanh như lúa con gái. Loại đóng hộp giấy để được lâu hơn, mua về làm quà, còn loại gói bằng lá chuối khô thì thưởng thức ngay. Nghe thằng Tân nói, mấy người khách gật gù, chỉ trỏ liên tục. Cô nhân viên áo dài xanh lên gói hàng cho khách. Thằng Tân cười rõ tươi khi vẫy tay chào cô MC chương trình truyền hình. Ông Luộc nhìn rõ trên ngực nó lấp lánh tấm huy chương màu lúa chín. Bụng ông đang nở ra từng khúc, không ngờ nó làm được.
Ngoài hiên, có tiếng xe máy rì rì đỗ. Thằng Tân đang ngập ngừng, phía sau là cái Mai. Cu Bắp vỗ tay, reo tíu tít: “Chú Tân, cô Mai đã về!”. Ông Luộc ngẩng lên, bất chợt một cơn gió từ ngoài sông Luộc thổi vào nhà như thể đã theo chân hai đứa.
Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG