Ngày Giỗ Tổ 10.3 âm lịch hằng năm luôn là một ngày đặc biệt, cho dù hình thức tổ chức có thể thay đổi linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế.
“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Hễ là người con đất Việt, ai cũng tự hào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trai chia nhau lên rừng, xuống biển để dựng xây cơ đồ đã tượng trưng cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Hai chữ đồng bào (cùng một bọc) vì thế như một sợi dây gắn kết tạo nên sức mạnh để nhân dân ta đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử.
Truyền thống yêu nước và đoàn kết đã tiếp tục đưa đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đạt được nhiều thành tựu phát triển trong giai đoạn hiện nay. Có thể thấy trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, lòng yêu nước và tình nghĩa đồng bào là động lực để hàng chục ngàn cán bộ y tế, chiến sỹ quân đội, các lực lượng tình nguyện thuộc mọi tầng lớp nhân dân xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Đó cũng là nguồn gốc của những hoạt động tương thân, tương ái, đùm bọc chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh mà chúng ta không thể kể hết trên khắp mọi miền đất nước.
Mới đây, khi xung đột vũ trang Nga – Ukraine nổ ra, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức các chuyến bay miễn phí đưa đồng bào ta đang ở vùng chiến sự về nước. Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cùng các tổ chức đoàn thể của kiều bào đã hỗ trợ hàng ngàn đồng bào sơ tán đến nơi an toàn, đùm bọc chia sẻ với đồng bào trong lúc hoạn nạn. Ở những phương trời xa xôi, tình nghĩa đồng bào lại một lần nữa làm sáng lên truyền thống quý báu của dân tộc.
Bởi thế, “nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” là dịp để chúng ta cùng tri ân công đức của tiền nhân, gìn giữ và phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết trong giai đoạn phát triển mới. Trong quá trình phát triển, giá trị tinh thần của ngày Giỗ Tổ còn tạo nên sức mạnh để các doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, người lao động, nông dân… hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Hơn thế nữa, giá trị tinh thần của dân tộc còn thấm đượm trong đường lối phát triển đất nước của Đảng ta, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài viết về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta: “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”.
Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với kỷ niệm 10 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên cả nước đã giảm nhưng không vì thế được chủ quan, nên Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2022 được tổ chức với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, khôi phục lại các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Thắp một nén hương tưởng nhớ “các vua Hùng đã có công dựng nước”, dù lễ vật có lớn hay nhỏ, có mặt trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh hay ở khắp bốn phương trời, điều quan trọng là chúng ta không quên lời căn dặn “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” cũng như ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ.
Theo TTXVN