Chương trình “Hát xoan làng cổ” là một trong những hoạt động chính phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019, được tổ chức liên tục phục vụ du khách trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.
Du khách tham gia hát xoan
Lan tỏa đến đồng bào cả nước
Để hát xoan lan tỏa mạnh mẽ đến đông đảo du khách về dâng hương dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019, tỉnh Phú Thọ có kế hoạch tổ chức giới thiệu và quảng bá đậm nét di sản này trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, để người dân hiểu hơn về văn hóa trên quê hương đất Tổ vua Hùng.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, liên tục từ ngày 3-8.3 âm lịch, tại sân khấu trung tâm lễ hội - Khu di tích lịch sử Đền Hùng và sân khấu quảng trường Hùng Vương trung tâm thành phố Việt Trì sẽ diễn ra các buổi biểu diễn hát xoan do các câu lạc bộ hát xoan phục vụ du khách về dự lễ hội.
Đặc biệt, tại các điểm di tích văn hóa như miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Kim Đái (xã Kim Đức); đình Hùng Lô (xã Hùng Lô); đình An Thái (xã Phượng Lâu) của thành phố Việt Trì cũng liên tục diễn ra các chương trình hát xoan do chính các nghệ nhân và đào, kép của các phường xoan gốc trình diễn.
Về với Lễ hội Đền Hùng năm nay, ngoài thưởng thức các làn điệu hát xoan, du khách còn được giới thiệu những thông tin cơ bản về hát xoan như nguồn gốc của hát xoan, các chặng hát trong hát xoan và thưởng thức các làn điệu Xoan cổ như đón đào, ráo trống ráo pháo, tràng mai cách, mó cá… Bên cạnh đó, tại các bảo tàng ở thành phố Việt trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng tổ chức triển lãm trưng bày các hiện vật, tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để phục vụ du khách.
Từ một loại hình có nguy cơ mai một, giờ đây hát xoan đã thực sự hồi sinh và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, các nghệ nhân đã đào tạo, truyền dạy cho nhiều lớp kế cận để cùng với lớp nghệ nhân cao tuổi hiện nay kế tục, truyền dạy cho lớp trẻ tương lai. Hàng trăm thiếu nhi tại các phường xoan gốc như Phù Đức, Kim Đới, Thét, An Thái, Phượng Lâu đã được truyền dạy hát xoan.
Đến nay, toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản hát xoan tại các phường xoan gốc đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh. 20/30 di tích không gian văn hóa thực hành hát xoan được tu bổ, tôn tạo, phục hồi đáp ứng yêu cầu thực hành di sản hát xoan. Các lễ hội truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan được duy trì, phục hồi, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay, toàn tỉnh đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận.
Hát xoan cũng được đưa về cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ câu hát có từ thời Hùng Vương. Từ các phường xoan gốc, khúc hát môn đình lan tỏa khắp 13 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 34 câu lạc bộ cấp tỉnh với trên 1.500 người tham gia thực hành hát Xoan. Hát xoan còn được thực hành ở 64 câu lạc bộ hát xoan và dân ca cấp huyện, 42 câu lạc bộ hát xoan và dân ca cấp xã.
Quảng bá đến du khách nước ngoài
Theo bà Phùng Thị Hoa Lê, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Phú Thọ, để thu hút du khách quốc tế đến Phú Thọ, nhất là trong dịp Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ vừa cho ra mắt sản phẩm du lịch “Hát xoan làng cổ” gắn với các tour du lịch hàng ngày. Trung tâm cũng phối hợp với thành phố Việt Trì tổ chức hát xoan định kỳ tại đình Hùng Lô từ 14 -16 giờ hàng ngày và tại miếu Lãi Lèn từ 14-16 giờ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Các tiết mục hát xoan sẽ do các nghệ nhân và thành viên các phường xoan gốc biểu diễn.
Bà Nguyễn Thị Lịch, trùm phường xoan An Thái cho biết: Trước khi được vinh danh, chúng tôi đã đón khách. Từ khi hátxoan được vinh danh, khách du lịch tới đây thưởng thức hát xoan mỗi ngày đông hơn. Có tuần, phường xoan An Thái phục vụ 2-3 đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến để tham quan, nghe hát xoan. Nhất là vào dịp Lễ hội Đền Hùng, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng thức hát xoan nhiều hơn.
Hiện nay, sản phẩm “Hát xoan làng cổ” đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của các công ty lữ hành đón khách về Phú Thọ. Từ khi hoạt động đến nay, các điểm “Hát xoan làng cổ” đã đón trên 13 nghìn lượt khách du lịch, trong đó phần lớn là các đoàn khách quốc tế đến từ các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Mỹ…
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát xoan đang được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hội thảo để đánh giá giá trị di sản; thực hiện các chương trình quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và quảng bá phát triển du lịch về giá trị của di sản hát xoan. Ngành Văn hóa cũng xây dựng các bộ phim tư liệu về hát xoan; tổ chức tạo không gian lan tỏa của hát xoan bằng cách đẩy mạnh giảng dạy hát xoan trong nhà trường, để có được lớp công chúng trẻ tuổi hiểu, yêu và cảm thụ được hát xoan.
Theo TTXVN