Giò chả, thịt, bánh tét... sau tết sờ thấy nhớt: Bỏ ngay, đừng tiếc

12/02/2019 09:59

Nếu thấy giò, chả, lạp xưởng, thịt luộc, thịt ngâm nước mắm... đổi màu, có đốm vàng, cam, xanh; có biểu hiện nấm mốc; sờ nhớt; ngửi có mùi lạ; nếm vị lạ thì phải bỏ ngay, rất nguy hiểm.

Thức ăn chuẩn bị cho tết còn đầy trong tủ lạnh của một gia đình

Dịp tết, hầu như gia đình nào cũng chuẩn bị nhiều loại thực phẩm để ăn tết cho đầy đủ, no ấm. Nhưng sau ba ngày tết, nhiều gia đình còn dư rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, có khi chất đầy tủ lạnh..

Vậy chúng ta xử lý các loại thực phẩm dư thừa này thế nào cho phù hợp, không ảnh hưởng đến sức khỏe và tránh lãng phí?

Thực phẩm hư phải bỏ ngay

Đó là những loại thực phẩm mà quan sát bằng mắt thường chúng ta thấy đã có biểu hiện ôi thiu, hư hỏng. Nếu thấy giò, chả, lạp xưởng, thịt luộc, thịt ngâm nước mắm... có biểu hiện đổi màu so với màu nguyên thủy, xuất hiện các đốm vàng, cam, xanh; có biểu hiện nấm mốc; sờ thấy nhớt; ngửi có mùi lạ; nếm có vị lạ thì phải bỏ ngay. 

Nếu tiếc, ăn các loại thực phẩm hư hỏng này, bạn dễ phải đi gặp bác sĩ đầu năm vì ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa và nhiều bệnh khác.

Với các loại bánh như bánh chưng, bánh tét, bánh ú... nếu các góc đã bị nhão, chảy nước, vị hơi the thì nên vứt bỏ toàn bộ, không nên chỉ cắt bỏ phần hư hỏng. Các loại trái cây nếu đã xuất hiện đốm đen, bị nhũn thì cũng nên bỏ vì các vi khuẩn đã làm trái cây thối rữa không an toàn cho sức khỏe.

Thực phẩm hư hại nếu ăn sẽ gây nhiều bệnh lý như nhiễm trùng dạ dày, ruột; nặng hơn có thể nhiễm trùng máu; làm nặng thêm các bệnh lý có sẵn; gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính.

Chế biến món ăn mới từ thực phẩm dư thừa

Một số loại thực phẩm do chuẩn bị quá nhiều nhưng chưa dùng đến và còn tốt, bạn có thể chế biến thành các món ăn mới vừa tạo cảm giác ngon miệng vừa tiết kiệm, thay vì vứt bỏ.

Ví dụ giò lụa, giò bò có thể kho với tiêu và nước mắm thành món ăn mặn giàu chất đạm. Thịt heo, thịt bò ngâm nước mắm có thể cắt ra trộn với rau làm món gỏi... Lạp xưởng, đậu hạt, cà rốt, cá khô có thể chế biến thành các món cơm chiên thập cẩm, mì xào ngũ sắc.

Hầu hết các loại cá, tôm, rau, củ đều có thể trở thành món lẩu, gỏi cuốn ăn đỡ ngán.

Trữ ngăn đá ăn dần

Một số món ăn còn nhiều nên cho vào ngăn đá cấp đông để sử dụng dần. Ví dụ măng hầm giò heo có thể cho vào hộp với lượng đủ dùng một lần, rồi cho vào ngăn đá bảo quản.

Các loại thịt, tôm, cá, khoai củ đều nên cho vào ngăn đá cấp đông để kéo dài thời gian sử dụng. Tủ lạnh gia đình cấp đông thực phẩm chỉ ở mức độ cơ bản nên thời hạn sử dụng không thể kéo dài như cấp đông công nghiệp. 

Các loại thịt nên sử dụng trong vòng một tuần sau khi cấp đông. Các loại thủy hải sản nên sử dụng trong vòng 5 ngày sau khi cấp đông. Các loại thịt đã được chế biến khô, nếu chưa cắt bao bì thì sử dụng trong vòng một tháng kể từ ngày cấp đông.

Cần lưu ý ghi chú ngày cấp đông trên bao bì để biết ngày "hết hạn" sử dụng thực phẩm.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Giò chả, thịt, bánh tét... sau tết sờ thấy nhớt: Bỏ ngay, đừng tiếc