Gìn giữ trò chơi dân gian trong trường học

11/04/2021 17:34

Lãnh đạo nhiều trường khẳng định, việc thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian giúp học sinh yêu trường, mến thầy cô; hiểu hơn về những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.


 Trò chơi dân gian trong trường học góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc

Các trò chơi dân gian (TCDG) được gìn giữ và phát huy trong trường học không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng tư duy mà còn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Thầy và trò cùng vui

Trước khi đợt dịch Covid-19 thứ ba xuất hiện tại Hải Dương ít ngày, Trường THCS Đại Hợp (Tứ Kỳ) đã tổ chức Chương trình “Hội khỏe vui xuân”. Một trong những nội dung được học sinh hào hứng tham gia là các TCDG như bịt mắt bắt vịt, kéo co, nhảy bao bố, thi võ cổ truyền…

Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa các TCDG vào trong trường học, năm 2017, Trường THCS Đại Hợp bắt đầu tổ chức Chương trình “Ngày hội trò chơi dân gian”. Tại chương trình, học sinh tham gia biểu diễn trang phục truyền thống, hát dân ca, chơi các TCDG vui nhộn trên. Từ đó đến nay, năm nào nhà trường cũng tổ chức một chương trình ngoại khóa với nội dung liên quan đến bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Không chỉ có học sinh mà nhiều giáo viên thấy vui cũng xin đăng ký tham gia. “Tuy tên gọi mỗi chương trình khác nhau nhưng đều hướng tới một mục đích chung là giúp các em hiểu, trân trọng bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc”, thầy giáo Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Hợp chia sẻ.

Nếu đợt dịch Covid-19 thứ ba không xuất hiện tại Hải Dương thì Trường Mầm non thị trấn Nam Sách sẽ tổ chức cho học sinh các lớp mẫu giáo chơi các TCDG từ 2-3 buổi/tuần vào buổi chiều. Ngoài ra, TCDG còn được trường tích hợp trong các cuộc giao lưu, hội thi cấp trường. Trong tổ chức các TCDG, trường yêu cầu giáo viên phải xây dựng giáo án cụ thể, phù hợp với từng độ tuổi, khả năng và mục tiêu chăm sóc giáo dục trẻ. Trẻ 5 tuổi chơi các trò ô ăn quan, ném còn, nhảy bao bố. Trẻ lớp 4 chơi kéo co, bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột…

Việc tổ chức các TCDG trong nhà trường được ngành giáo dục khuyến khích. Đây cũng là một trong những nội dung nhằm thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Những năm gần đây, hầu hết các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT đều đưa TCDG lồng ghép vào các chương trình, hoạt động ngoài trời, ngoại khóa... Ưu thế của TCDG là không tốn kém kinh phí tổ chức, có trò chơi thậm chí không cần tới kinh phí, gần như ai thích cũng có thể tham gia... 

Khi TCDG được phát triển trong trường học sẽ mang lại những lợi ích rất lớn. Lãnh đạo nhiều trường khẳng định, việc thường xuyên tổ chức các TCDG giúp học sinh yêu trường, mến thầy cô, tình cảm thầy với trò, trò với trò càng thêm gắn bó. Thông qua các trò chơi giúp học sinh tăng cường sức khỏe, phát triển trí tuệ, phát huy sáng kiến, năng khiếu thẩm mỹ, học được cách ứng xử, các kỹ năng trong cuộc sống. Sau nhiều ngày học tập căng thẳng, được tham gia trò chơi giúp các em có khoảng thời gian vui chơi thoải mái để có tinh thần học tập tốt hơn. 

Thêm yêu quê hương, đất nước

Ở một phương diện khác, tham gia các TCDG còn giúp các em hiểu hơn về những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó càng thêm yêu quê hương, đất nước. Em Nguyễn Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 8C, Trường THCS Đại Hợp chia sẻ: "Sau khi tham dự những trò chơi ở trường, về nhà em mở YouTube tìm hiểu thêm và càng thấy những phong tục, văn hóa truyền thống của dân tộc ta thật đẹp. Việc này giúp ích em rất nhiều trong học môn lịch sử".  

Từ năm 2017, Bảo tàng tỉnh bắt đầu tổ chức chương trình trải nghiệm quy trình sản xuất gốm cổ và một số TCDG như nhảy bao bố, bịt mắt đánh trống, chơi ô ăn quan, đánh chuyền, bắt lươn trong chum. Nhiều trường học ở TP Hải Dương và các huyện lân cận thường xuyên tổ chức cho học sinh tới đây tham quan, trải nghiệm. Đây là một trong những đổi mới trong công tác bảo tồn di sản, góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc. Anh Nguyễn Xuân Đạt ở phường Bình Hàn cho biết sau vài lần được tham dự các TCDG tại Bảo tàng tỉnh, con trai anh cảm thấy thích thú và thường xuyên hỏi bố mẹ về sự ra đời của những trò chơi, những nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt xưa.            

Nhiều ý kiến cho rằng để văn hóa truyền thống thấm dần vào tâm hồn học sinh thì việc thường xuyên tổ chức các TCDG trong nhà trường rất cần thiết. Sự kết hợp giữa việc được tham gia các TCDG cộng với kiến thức học trong trường sẽ giúp các em trau dồi thêm kiến thức, phát triển tình cảm, đạo đức, tình đoàn kết, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước.

Mặc dù vậy, để tránh bị nhàm chán, các trường cần quan tâm lựa chọn và áp dụng các loại trò chơi phù hợp với từng lứa tuổi, tâm lý học sinh. Thường xuyên thay đổi kịch bản, cách thức tổ chức trò chơi, có thể lồng ghép vào nhiều hoạt động nhằm tạo hứng thú cho các em. Nên lựa chọn các trò chơi mang tính cộng đồng, ưu tiên trò chơi có các bài hát đồng dao, vừa tạo không khí sôi động, vừa giúp các em nâng cao nhận thức về văn học. Việc tổ chức các TCDG trong trường cần bảo đảm an toàn, không gây áp lực cho học sinh.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ trò chơi dân gian trong trường học